Bộ phận điện tử của Samsung thường được coi là viên ngọc trên vương miện của hãng. Và mảng smartphone chính là yếu tố giúp viên ngọc này trở nên lấp lánh. Quý I/2014, mảng di động đóng góp hơn ba phần tư lợi nhuận hoạt động cho Samsung Electronics. Tuy nhiên, từ đó, mọi thứ bắt đầu đảo chiều, khi lợi nhuận mảng này giảm tới 42% năm ngoái.
Để lật ngược tình thế, Samsung đang tìm cách cắt giảm các dòng sản phẩm để tiết kiệm chi phí sản xuất. Họ đã thay thế chip xử lý mua từ Qualcomm bằng chip tự sản xuất, nhằm tăng lợi nhuận và tăng khả năng kiểm soát. Samsung cũng thiết kế lại dòng Galaxy S, cải thiện hình ảnh cao cấp để cạnh tranh với iPhone 6 và đầu tư mạnh vào các nhà máy ở những nước chi phí thấp như Việt Nam.
Gian trưng bày của Samsung tại một sự kiện công nghệ ở Đức năm ngoái. Ảnh:EPA |
Samsung Electronics công bố rót 8,9 tỷ USD vào các nhà máy ở Việt Nam (tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM). Họ cũng đang đề nghị được bố trí một nhà ga chuyên dụng, phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của hãng qua sân bay Nội Bài. Để chuyển sang sản xuất các điện thoại vỏ hợp kim nhôm như Apple, Samsung cũng sẽ chuyển hơn 20.000 máy cán kim loại đến các nhà máy tại Việt Nam, một nguồn tin thân cận cho biết trên Wall Street Journal.
Quy mô khổng lồ từng là tài sản lớn nhất của hãng, cho phép Samsung có lợi nhuận lớn nhờ số smartphone bán ra. Tuy nhiên, lợi thế này đang dần bị lấn át khi người tiêu dùng chuyển sang các thiết bị giá rẻ và tầm trung của đối thủ Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu Galaxy S6 có thể giúp hãng đảo ngược tình thế hay không. V nhiều nhận xét tích cực từ thị trường, lãnh đạo công ty cho biết họ kỳ vọng S6 và S6 Edge sẽ là các sản phẩm bán chạy nhất dòng Galaxy với hơn 70 triệu điện thoại. Tuy nhiên, với các số liệu gần đây từ Trung Quốc, cho thấy Samsung đang tụt dần về vị trí hãng điện thoại lớn thứ 4 tại đây, sau Apple, Xiaomi và Huawei, tương lai mảng di động của hãng vẫn còn chưa chắc chắn.
Theo VnExpress