Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không bị tác động lớn
Tham gia với vai trò là một diễn giả, bà Nguyễn Thị Bích – Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, so với các Hiệp định Việt Nam đã ký kết trước đây thì Hiệp định TPP được coi là một Hiệp định thế hệ mới với mức cam kết sâu rộng 100% số dòng thuế, trong đó có đối tác rất quan trọng với Việt nam như Hoa Kỳ, Nhật bản, Úc, Niu-Zi-Lân.
Trong số này chỉ có Hoa kỳ là chưa có FTA với Việt Nam. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không bị tác động lớn
Tuy nhiên, xét về quan hệ thương mại thì Việt Nam lại là nước xuất siêu sang các nước TPP nói chung và Hoa Kỳ nói riêng trong khi nhập siêu đối với hầu hết các đối tác thương mại trước đây.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Bích, xét cơ cấu hai nền kinh tế thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mang tính chất bổ sung lẫn nhau mà không mang tính cạnh tranh, loại trừ một số mặt hàng ngành nông nghiệp như thịt gia súc gia cầm.
Khi Hiệp định TPP đi vào thực hiện thì cũng là giai đoạn Việt Nam mở cửa thị trường sâu với các đối tác thương mại trước đây.
“Như vậy, việc cắt giảm thuế trong các Hiệp định TPP và một số Hiệp định sau này có thể chỉ phản ảnh sự dịch chuyển luồng thương mại sang các đối tác như Hoa Kỳ và EU là các đối tác mà ta chưa có ký kết Hiệp định thương mại trước đây. Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ khoảng trên 18 tỷ USD. Sau khi Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA) có hiệu lực, quan hệ thương mại hai nước phát triển rất ấn tượng” – Bà Bích nhấn mạnh.
Bà dẫn chứng cụ thể, xét về cơ cấu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt nam từ Hoa Kỳ tập trung vào các dòng thuế có mức thuế ưu đãi tối huệ quốc là 0%. Như vậy, chỉ còn lại khoảng 32% kim ngạch nhập khẩu sẽ ảnh hưởng khi cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%.
Cũng theo bà Bích, khi giảm thuế nhập khẩu trong TPP, kim ngạch nhập khẩu tăng sẽ có thể làm tăng thu từ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu.
Về phần thuế nhập khẩu, kể cả lượng nhập khẩu không tăng thì thuế nhập khẩu giai đoạn cuối cùng sẽ giảm dần về 0 từ mức thu hiện nay khoảng 172 triệu USD trong vòng 7-10 năm (khoảng 17-25 triệu USD/năm). Trong khi đó, thuế VAT tăng khoảng 50 triệu USD/năm với giả định kim ngạch nhập khẩu tăng 20-30%.
Như vậy, giảm thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không lớn– Bà Bích kết luận.
TPP sẽ tác động mạnh đến thu nội địa
Tuy nhiên, ngoài tác động về thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thì việc giảm thuế trong TPP còn tác động tới thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với các ngành sản xuất xuất khẩu, đây sẽ là cơ hội để tận dụng được nguồn nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn với chất lượng tốt hơn để xuất khẩu, thay thế cho các đối tác truyền thống trước đây. Việc tăng xuất khẩu của các ngành và doanh nghiệp này sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp sản xuất khác thì việc mở rộng thị trường với Hoa Kỳ với một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh từ Hoa Kỳ sẽ tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp nên sẽ có tác động giảm thu do sản xuất của các doanh nghiệp này có thể bị thu hẹp.
Các ngành nhập khẩu sẽ bị tác động do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và do giảm thuế gồm: các mặt hàng nông sản hoa quả, sữa, sản phẩm sữa, thủy sản, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, ngũ cốc, dầu mỡ động thực vật, thức ăn chăn nuôi, nước hoa quả, hóa chất, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, nhựa, cao su, sắt thép, sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị, phụ tùng, động cơ...
Tuy nhiên, ngoài mặt hàng thịt gà và thịt lợn là các mặt hàng Hoa Kỳ có tiềm năng nhất, các mặt hàng khác ta cũng đã sẵn sàng mở cửa cho các đối tác trước đây như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN do vậy, tác động tới các ngành sẽ chủ yếu là chuyển hướng đối tác hơn là cạnh tranh trực tiếp.
Theo BizLIVE