TPP với cải cách doanh nghiệp nhà nước: lực cản hay lực đẩy?

Thứ sáu, 29/06/2012, 09:22
Để trở thành thành viên của TPP, các nước tham gia đàm phán phải cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh để chúng hoạt động theo quy luật thị trường, giảm sự kiểm soát của Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá. Thêm nữa, TPP sẽ có cam kết về mua sắm chính phủ, tức là những vấn đề liên quan đến đấu thầu nhà nước, đầu tư công…
 
Kết thúc vòng đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lần thứ 12 tại Dallas (Texas – Mỹ tháng 5.2012), một trong những yêu cầu mà Mỹ đưa ra là để trở thành thành viên của TPP, các nước tham gia đàm phán phải cải cách các công ty, tập đoàn quốc doanh để chúng hoạt động theo quy luật thị trường, giảm sự kiểm soát của Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá.

Thêm nữa, TPP sẽ có cam kết về mua sắm chính phủ, tức là những vấn đề liên quan đến đấu thầu nhà nước, đầu tư công…, lĩnh vực mà xưa nay tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có đặc quyền nhất định.

 
Yêu cầu trên là một thách thức cho Việt Nam bởi số lượng các DNNN ở nước ta vẫn còn nhiều, mức chi phối nền kinh tế còn cao.
 

Vinashin là điển hình của việc đầu tư không đúng chuyên ngành của các tập đoàn nhà nước 
 
Tuy nhiên, từ một góc độ khác, TPP có thể xem như một “lực đẩy” từ bên ngoài khi việc cải cách DNNN trở thành một trong những đòi hỏi khách quan và cấp bách trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Các thống kê cho thấy, chỉ tiêu hệ số thu nhập trên tài sản và hệ số thu nhập vốn cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 20,8%, thấp hơn nhiều so với khu vực đầu tư nước ngoài. Lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại. Có đến 80% tổng lợi nhuận trước thuế đến từ bốn tập đoàn: Dầu khí, Viễn thông quân đội, Bưu chính viễn thông và Cao su. Các tập đoàn và tổng công ty còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu còn thấp hơn.

 
Mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, được rót vốn nhiều hơn so với doanh nghiệp ở các khu vực khác nhưng hiệu quả đầu tư của các DNNN còn thấp.

Việc đầu tư tràn lan nhiều lĩnh vực không phải là thế mạnh của tập đoàn để chạy theo lợi nhuận ngắn hạn của thị trường (được tạo ra từ những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng…), và phát triển theo hướng khép kín (ít giao thương với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mà tự xây dựng hệ thống các công ty con sản xuất ra sản phẩm trung gian cung cấp đầu vào cho tập đoàn), đã phần nào phá vỡ cấu trúc và các quan hệ cơ bản của nền kinh tế, triệt tiêu cơ hội tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 
Những yêu cầu về mặt kinh tế mà phía Mỹ đưa ra đối với các nước thành viên TPP, trong chừng mực nào đó, có thể xem như một rào cản với các nước này. Nhưng trái lại, đối với Việt Nam, đó lại là một động lực trực tiếp, thúc đẩy quá trình cải cách các DNNN từ bên ngoài.
Chính việc đầu tư không đúng chuyên ngành của các tập đoàn nhà nước đã tạo ra những mối quan hệ sở hữu phức tạp (như sở hữu chéo giữa doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp – ngân hàng và ngân hàng – doanh nghiệp) mà Nhà nước đôi khi không thể can thiệp mạnh tay. Điển hình cho việc đầu tư dàn trải, ngoài ngành, xao lãng đầu tư trong lĩnh vực chính có thể kể đến những cái tên lớn như Vinashin hay EVN.

Sự đổ vỡ của “quả đấm thép” Vinashin là sản phẩm của một quá trình nhiều bất cập bao gồm việc đầu tư ngoài quy hoạch, trái quy định của pháp luật, sử dụng nguồn vốn vay kém hiệu quả, và nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

 
Thêm vào đó, quá trình cổ phần hoá các DNNN diễn ra không đều đặn và bị chi phối không ít bởi sự xung đột lợi ích giữa các đối tượng có liên quan. Tốc độ cổ phần hoá đạt đỉnh điểm trong giai đoạn 2003 – 2006. Từ 2008 – 2011, việc cổ phần hoá đã giảm tốc – chỉ 117 DNNN được cổ phần hoá – tương đương với con số thống kê trong năm 2007, và còn thấp hơn nhiều lần so với các năm trước đó.

Chương trình cổ phần hoá cũng không tạo ra nhiều thay đổi trong cơ cấu sở hữu DNNN. Đến năm 2011, chỉ có khoảng 30% sở hữu của DNNN được đưa vào cổ phần hoá, nhưng trong đó Nhà nước vẫn giữ tới hơn 57%.

Tức là trong suốt 20 năm từ khi bắt đầu chương trình này, chưa đến 15% sở hữu nhà nước được chuyển sang các chủ sở hữu khác.

 
Sự dùng dằng, chưa thể phân tách rạch ròi vai trò quản lý với hoạt động kinh doanh do Nhà nước làm chủ nếu còn kéo dài thì khó có khả năng xử lý triệt để vấn đề. Những chuyện như mua tàu, ụ nổi cũ nát với giá cao ở Vinalines sai phạm rất rõ nhưng trong quá trình mổ xẻ, truy cứu trách nhiệm không tìm đâu ra đối tượng chịu trách nhiệm chính. Quản lý thiếu hiệu quả đến vậy nên hậu quả là dù sai phạm, tham nhũng liên tục bị phát hiện, chúng vẫn lặp đi lặp lại ở nhiều đơn vị như hiện nay, thậm chí ngày càng tinh vi hơn với quy mô ngày càng gia tăng.
 
Vì vậy, việc cải tổ khu vực DNNN trên thực tế, ngoài mục tiêu tiến đến đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe do các nước đề ra trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế quốc tế – như TPP, còn là nhu cầu khách quan nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Cải cách cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực DNNN, đến thời điểm này không chỉ là chuyện chẳng đặng đừng, trước nhiều bài học lớn rút ra từ những vụ bê bối gần đây như Vinashin và sau đó là Vinalines, mà còn là vấn đề cấp bách đối với mục tiêu phát triển, vì sự sống còn của nền kinh tế nhằm thoát khỏi tụt hậu và gia tăng tính cạnh tranh.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn