Vụ việc công trình tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bị chậm trễ 2 năm, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng, thiệt hại do người quản lý thiếu trách nhiệm, dẫn đến lãng phí đôi khi còn lớn và nghiêm trọng hơn cả các vụ tham nhũng.
Tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội là một dự án nhóm A được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, là một công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục nhưng sau 9 năm triển khai nay đã “đắp chiếu” với 7 tầng xây thô.
Sau khi báo Dân trí nêu vụ việc “Tháp đôi đại học” nghìn tỷ “mình voi đầu chuột”, gần đây, Bộ Giáo dục &Đào tạo đã có động thái bước đầu “sửa sai”. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm người gây ra lãng phí như thế nào thì vẫn bị bỏ ngỏ. Tổng thiệt hại do thiếu trách nhiệm là bao nhiêu?
Lãng phí hơn 100 tỷ đồng do sự chậm trễ của dự án
Là Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, đơn vị quản lý cấp phát vốn cho dự án Tòa nhà trung tâm Trường ĐHKTQD, nên cơ quan này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc để công trình “đắp chiếu” suốt hai năm qua.
Tháng 9/2010, Trường ĐHKTQD đã có tờ trình số 925/TTr-KTQD/QTTB xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.160 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2012. Song, Cục trưởng Trần Duy Tạo không cho nhà trường ký gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36.
Dự án Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội vẫn chưa hoàn thành sau nhiều năm thi công
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Giang, Phó TGĐ Tổng công ty 36 thì việc gây khó khăn này là khó hiểu. Nếu chưa thể phê chuẩn tổng mức đầu tư điều chỉnh, ông Tạo vẫn có thể cho phép gia hạn hợp đồng để công trình được tiếp tục triển khai, hoàn toàn không vướng một khó khăn nào về cơ chế.
Việc không cho ký gia hạn không khác gì một kiểu “bức tử” công trình hết sức vô lý, thiếu trách nhiệm. Không cho gia hạn hợp đồng, ông Tạo với tư cách đại diện cho cơ quan chủ quản đã đẩy chủ đầu tư là Trường ĐHKTQD vào chỗ vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng đối với nhà thầu là Tổng công ty 36. Theo công văn số 686/CV-KTQD ngày 5/6/2012 của Tổng công ty 36 gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chỉ tính riêng những thiệt hại do vi phạm hợp đồng gồm những khoản tiền sau:
Một là, nhà thầu đã đầu tư gần 180 tỷ đồng (trong đó có phần đầu tư phát sinh năm 2011 do ông Tạo hứa với chủ đầu tư và nhà thầu sẽ gia hạn hợp đồng nhưng sau đó bị “bội tín”) nhưng mới được thanh toán 115 tỷ đồng, còn gần 65 tỷ đồng chưa được thanh toán, phải chịu lãi suất vốn vay 1,7 tỷ đồng/tháng; chưa kể 60 tỷ đầu tư trang thiết bị máy móc thi công phải chịu khấu hao và lãi vay hàng tháng 1,4 tỷ đồng/tháng. Tính tổng cộng hai khoản riêng tiền lãi ngân hàng là 3,1 tỷ đồng/tháng.
Tham chiếu theo các điều quy định trong hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì thời điểm kết thúc hợp đồng là 31/12/2010. Tới nay, số tháng chậm thanh toán đã lên tới 18 tháng thì số tiền lãi ngân hàng phát sinh phải trả do sự chậm trễ của ông Tạo đã lên tới 55,8 tỷ đồng. Số tiền này ngân sách Nhà nước sẽ hoàn toàn phải gánh chịu.
Hai là, thiệt hại do thời gian thi công kéo dài dẫn đến giá nhân công tăng cao. Lúc đấu thầu hệ số điều chỉnh nhân công là 1,138 nay lên tới 4,44, tăng gấp gần 4 lần chi phí nhân công. Theo tính toán của Tổng công ty 36, riêng giá trị phát sinh về nhân công do thanh toán chậm đã lên tới 25 tỷ đồng.
Ba là, thiệt hại do công trình chậm trễ khiến Trường ĐHKTQD đến nay vẫn không có phòng học cho sinh viên, phải đi thuê với chi phí 6 tỷ đồng/năm, tính ra sự chậm trễ sẽ kéo dài ít nhất khoảng 4-5 năm, đồng nghĩa với thiệt hại chi phí thuê phòng học lên tới 25-30 tỷ đồng.
Bốn là, việc làm trái nguyên tắc tài chính, điều chuyển 11,7 tỷ đồng kinh phí cấp cho dự án năm 2010 cho dự án khác, khiến nhà thầu không thể thi công, công trình bị đình trệ. Cộng với đó, chậm trễ cấp vốn 30 tỷ đồng của dự án năm 2012 suốt 6 tháng qua cũng gây ra thiệt hại lớn cho dự án.
Năm là, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nếu Bộ GD&ĐT áp dụng phương án “úp nóc”, phân kỳ thi công tòa nhà như đề xuất của ông Tạo tại công văn trình Bộ GD&ĐT, sau đó đã được một cuộc họp bàn về dự án của Bộ thông qua.
Tuy nhiên, phương án này đã bị các chuyên gia xây dựng cho rằng phản khoa học. trả lời báo chí gần đây, ông Trần Duy Tạo cho hay sẽ “sửa sai”, không áp dụng phương án này nên chúng tôi không bàn ở đây.
Tính sơ bộ những khoản tiền trên, lãng phí gây ra cho dự án đến nay đã là hơn 100 tỷ đồng, chưa kể nhiều thiệt hại khác như về thương hiệu của chủ đầu tư, nhà thầu, ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống của cư dân trên địa bàn, hiệu quả giáo dục và đào tạo…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chiều 23/6, trả lời báo chí, Cục trưởng Trần Duy Tạo cho biết: “Ngày 22-6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một cuộc họp để tiếp tục giải quyết các vướng mắc. Liên quan đến trách nhiệm của mình, ông Tạo cho hay sẽ “sửa sai”.
Ông đã trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký công văn cho phép chủ đầu tư gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36, có thể trong tuần cuối tháng 6 sẽ hoàn thiện ngay các thủ tục thanh toán công nợ cho nhà thầu.
Phần vốn 30 tỷ đồng cho dự án năm 2012 cũng sẽ được cấp ngay, cộng với gần 12 tỷ đồng bị điều cho dự án khác vào năm 2011 sẽ được ông Tạo “điều chỉnh hợp lý”. Ông Tạo cũng cho biết, phương án “phân kỳ, úp nóc” mới chỉ là “đề xuất”, nếu chưa hợp lý thì sẽ tìm phương án khác”.
Chiều 24/6, ông Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị thiết bị Trường ĐHKTQD cho biết thêm: “Trong ngày, Ban QLDA đã nhận được công văn của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, cho phép gia hạn gói thầu với Tổng công ty 36 đến hết năm 2013”.
Như vậy, những vấn đề mà báo Dân trí nêu đã phần nào được Bộ GD&ĐT tiếp thu, khắc phục, sửa sai. Tuy nhiên, còn hậu quả gây lãng phí lên tới hơn 100 tỷ đồng do một số cán bộ thiếu trách nhiệm, để công trình chậm trễ thì chưa được đề cập hướng xử lý.
Về vấn đề này, theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Hành vi có dấu hiệu sai phạm của các cán bộ để xảy ra vụ việc trên được xem xét tại Điều 144 của BLHS 1999 về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Theo đó, nếu gây thiệt hại trên 500 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 7-15 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước.