Trong khi cả ngành sắt thép vẫn đang từng ngày chống chọi với những khó khăn, thì CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) lại công bố hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh chỉ sau 8 tháng đầu niên độ tài chính (NĐTC) 2011-2012 (1-10-2011 đến 31-5-2012). Điều này đã khiến không ít NĐT ngạc nhiên và đặt câu hỏi.
Cụ thể số lượng tiêu thụ sau 8 tháng đầu NĐTC 305,7 tấn sản phẩm, đạt doanh thu thuần 6.962,5 tỷ đồng và 250,81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương 104,5% kế hoạch (240 tỷ đồng).
Trước tiên, cần quay lại NĐTC 2009-2010 của HSG, khi đó công ty đề ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên đến 520 tỷ đồng, nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được 215 tỷ đồng, tương đương 41% kế hoạch.
Sang NĐTC 2010-2011, HSG lại đưa ra 3 phương án trong kế hoạch sản xuất kinh doanh với lợi nhuận lần lượt là 149,9 tỷ đồng, 190,6 tỷ đồng và 249,9 tỷ đồng. Phương án tốt nhất của HSG trong NĐTC này cũng chỉ bằng non nửa của kế hoạch NĐTC trước đó.
Việc doanh nghiệp tùy theo tình hình kinh tế cũng như khả năng của mình điều chỉnh giảm kế hoạch là điều dễ hiểu, nhưng về mặt cảm tính rõ ràng các cổ đông bên ngoài sẽ không ủng hộ. Nhưng kết quả HSG đạt được trong NĐTC 2010-2011 chỉ là 160 tỷ đồng, cao hơn đôi chút so với phương án thấp nhất công ty đã đề ra.
Trong kế hoạch lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng ở NĐTC 2011-2012 của HSG, mặc dù so với thực hiện của niên độ 2010-2011 (160 tỷ đồng) đã tăng 50%, nhưng không thể gọi là quá cao hay vượt trội.
Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Ảnh: LÃ ANH
Con số 240 tỷ đồng, thậm chí còn kém hơn cả phương án tốt nhất của NĐTC 2010-2011 và kém rất xa so với kế hoạch 2009-2010. Phải chăng, HSG đã quá tham vọng trong giai đoạn 2009-2010 và giờ đây đã biết mình biết ta hơn?
Trong trường hợp nếu HSG vẫn có tham vọng với mức lợi nhuận như 3 năm trước đây thì những kết quả đạt được hiện nay chỉ là bước khởi đầu và vẫn còn chặng đường rất dài để lấy lại phong độ.
Một lý giải cho việc vượt kế hoạch và do HSG chỉ công bố KQKD sơ bộ cho 8 tháng đầu năm 2012, trong khi tháng 6 (thời điểm kết thúc quý III theo NĐTC của HSG) cũng chưa kết thúc, nên chỉ có thể sử dụng BCTC bán niên của HSG đánh giá tình hình tài chính.
6 tháng đầu năm trong NĐTC 2011-2012 của HSG, lợi nhuận sau thuế đạt 153,5 tỷ đồng, tăng khoảng 155% so với cùng kỳ của NĐTC trước đó. Một trong những nguyên nhân chính theo giải trình của HSG bắt nguồn từ chi phí sản xuất kinh doanh của công ty trong NĐTC này đã giảm, cụ thể chi phí tài chính đã giảm 80 tỷ đồng.
Tháng 2-2011 (thuộc quý II trong NĐTC 2010-2011 của HSG), NHNN đã điều chỉnh tỷ giá từ 18.932 VNĐ/USD lên 20.693 VNĐ/USD (tăng 9,3%). Trong khi từ đầu tháng 10 năm ngoái đến hết tháng 3 năm nay (thuộc quý II trong NĐTC 2011-2012 của HSG), NHNN chỉ điều chỉnh tăng nhẹ từ 20.813 VNĐ/USD lên 20.828 VNĐ/USD.
Nhờ vậy những khoản vay bằng ngoại tệ của công ty (tại thời điểm 31-3 được quy đổi ra VNĐ là hơn 1.500 tỷ đồng) đã giảm đi áp lực thua lỗ từ biến động tỷ giá. Chẳng hạn 6 tháng đầu của NĐTC 2010-2011, HSG lỗ 82,5 tỷ đồng do đánh giá lại các khoản có gốc ngoại tệ cuối kỳ.
Trong khi 6 tháng đầu của NĐTC 2011-2012, HSG không bị lỗ từ nguyên nhân này; lỗ do chênh lệch tỷ giá 6 tháng của niên độ hiện hành là 48,2 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ niên độ trước đó. Tất nhiên, trong xu hướng lãi suất vay bằng tiền đồng đang được giảm dần, HSG cũng được hưởng lợi không ít.
Vẫn rủi ro
Trở lại diễn biến tích cực của mã CP HSG cách đây 2 tháng có thể xem như đã “nhìn” thấy trước được các thông tin tốt xuất hiện thời gian gần đây. Điều này cũng phù hợp với quy luật “đi trước” trên TTCK, khi tin tốt ra cũng là lúc chốt lời hoặc sức bật CP yếu dần.
Vấn đề quan trọng nhất là trong thời gian tới đây hoạt động của HSG có tiếp tục duy trì được sự tích cực như đã có trong thời gian qua hay không? Từ khi HSG lên sàn đến nay, không ít lần CP này đem lại lợi nhuận và niềm vui cho NĐT, nhưng bên cạnh đó cũng có những lần khiến cổ đông thất vọng.
Cũng chính vì vậy khi HSG tạm vượt qua những khó khăn để hoàn thành kế hoạch kinh doanh nhiều người tỏ ra khâm phục bản lĩnh của ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch HĐQT), nhưng ở một chiều khác cũng có những người tỏ ra bỡ ngỡ và sau đó là một cái nhìn cẩn trọng.
Cuối quý II NĐTC 2011-2012 của HSG, khoản mục “nợ phải trả” của HSG vẫn ở con số hơn 4.000 tỷ đồng, so với con số của cùng kỳ NĐTC trước (khoảng 4.133 tỷ đồng) thì không giảm bao nhiêu trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ mới hơn 1.000 tỷ đồng.
Mặc dù tỷ giá ổn định, lãi suất vẫn đang trong xu hướng giảm, nhưng chừng đó là chưa đủ để triệt tiêu hết những rủi ro mà HSG có thể gặp phải khi các khoản vay vẫn còn quá lớn.
Cuối tháng 5, HSG công bố chủ trương đầu tư bổ sung dây chuyền mạ công nghệ NOF công suất 120.000 tấn/năm với tổng giá trị đầu tư khoảng 200 tỷ đồng; triển khai giai đoạn 2 của dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ bao gồm 2 dây chuyền cán nguội đảo chiều và 2 dây chuyền mạ công nghệ NOF.
Nhưng vấn đề nguồn vốn cho chủ trương đầu tư lại chưa thấy công bố cụ thể. Từ đây sẽ xuất hiện câu hỏi: Nguồn vốn từ đâu? Vốn tự có, vay ngân hàng hay huy động trên TTCK?
Nếu HSG sử dụng vốn tự có của mình sẽ không có gì để nói vì nó cho thấy thực lực của công ty. Tuy nhiên nếu sử dụng vốn vay ngân hàng hoặc huy động trên TTCK, có vẻ như HSG cũng có không ít lợi thế: Tình hình kinh doanh khả quan của HSG có thể tạo ra hình ảnh tốt đẹp đối với các ngân hàng và từ đây có thể tiếp tục được hỗ trợ thêm vốn.
Còn với điều kiện lý tưởng để một doanh nghiệp niêm yết phát hành CP thường là tin tốt xuất hiện, giá CP tăng và triển vọng dài hạn khả quan. Trong khi đó, cũng nhờ những tin tốt liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây CP của HSG đang niêm yết trên HOSE là một trong những CP “hot” nhất trên thị trường trong năm 2012. Nếu bắt đầu tháng 4 ở mức giá 1.2, sau 1 tháng đã tăng lên 2.0 và từ đó đến nay luôn biến động rất mạnh với
thanh khoản lớn. Hiện tại, HSG đang dao động ở vùng giá 1.8. Giả sử HSG phát hành với giá 1.0 cộng với những tin tức tốt về KQKD ắt hẳn sẽ có nhiều NĐT chú ý. Như vậy, có thể nói tình hình của HSG hiện nay hoàn toàn "khớp lệnh" với những điều kiện lý tưởng vừa nêu.
Nhiều NĐT bắt đầu nghi ngờ "bài" trước khi phát hành CP, doanh nghiệp tìm cách "đánh lên" không lạ gì trên TTCK Việt Nam?