Thương lái Trung Quốc "khuynh đảo" thị trường nguyên liệu hải sản
Thứ năm, 28/06/2012, 08:02
Ngành chế biến thủy hải sản BR-VT đang đứng trước một nghịch cảnh trớ trêu là trong khi các DN chế biến hải sản của tỉnh “đói” nguyên liệu triền miên thì hàng ngày, hàng giờ, một lượng nguyên liệu lớn lại “chảy máu” sang Trung Quốc thông qua một đội ngũ thương lái khá hùng hậu và tinh xảo.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh và các chủ DN chế biến hải sản cho biết, hiện có nhiều thương lái Trung Quốc vào tận các cảng cá trên địa bàn tỉnh BR-VT thuê các chủ vựa thu mua hải sản tươi sống xuất ra nước ngoài. Bằng nhiều chiêu thức, đội lái này đang gây sóng gió cho thị trường nguyên liệu hải sản ở BR-VT.
Núp bóng nậu, vựa
Bà Hồ Thị Hồng, chủ DNTN Thương mại Hồng Phú, một đầu mối thu mua hải sản cho các DN chế biến ở phường 12 cho biết, trước đây mỗi ngày bà thu mua hàng trăm tấn hải sản, nay sản lượng giảm từ 30 – 50%.
“Bây giờ mua bán khó khăn lắm vì phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các mối lái từ nơi khác đến. Họ dẫn mối cho thương lái Trung Quốc hoặc người lạ từ TP HCM xuống trả giá rất cao, lại trả tiền liền. Chủ ghe thấy có lợi nên đổ xô bán cho họ. Trong khi đó, mình mua cho các DN phải đợi họ xuất được hàng rồi thanh toán thì mới có tiền trả cho chủ ghe. Hiện một số chủ nậu vựa thấy thương lái Trung Quốc mua giá cao cũng quay sang bán cho họ, bỏ mặc các DN chế biến trong tỉnh chịu cảnh đói hàng”, bà Hồng cho biết.
Khối lượng lớn nguyên liệu bạch tuộc đang “chảy” sang Trung Quốc mỗi ngày.
Tại bãi tập kết hải sản ở Hải Đăng, “chỗ làm ăn” của các chủ vựa chuyên gom hàng cho thương lái Trung Quốc, người dân cho biết đây là nơi tập kết hải sản của Cty TNHH H.P. Tuy nhiên khi được hỏi về việc mua bán nguyên liệu hải sản, hai vợ chồng ông chủ Cty TNHH H.P đều tỏ thái độ khó chịu: “Chúng tôi có mua bán gì lớn đâu, chỉ làm gia công cho người ta thôi”.
Thế nhưng, khi hỏi gia công cho Cty nào thì bà chủ gạt phắt : “Mấy người có muốn tìm hiểu gì thì đi nơi khác, ở đây không làm ăn gì đâu”.
Cũng tương tự như vậy, nhiều tốp thanh niên tham gia thu mua, vận chuyển hàng tại bãi tập kết hàng đều lảng tránh các câu hỏi liên quan đến chủ, Cty và địa chỉ DN….
Theo nguồn tin riêng, được biết ở khu vực cảng Phước Tỉnh có một số nậu vựa chuyên thu mua hải sản cho các DN, giờ chuyển hẳn sang gom nguyên liệu cho thương lái Trung Quốc.
Phải mất hai ngày với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đội Quản lý thị trường số 6, chúng tôi mới tiếp cận với Cty TNHH Ngọc Thủy, DN duy nhất thừa nhận hoạt động thu mua hải sản cho thương lái Trung Quốc. Khi chúng tôi đến, Cty Ngọc Thủy có hai xe hàng vừa mới về, nhóm công nhân xúm lại xé từng bao nilon bạch tuộc cho vào giỏ đưa đi rửa.
Bà Đào Thị Thủy, chủ DN cho biết, số nguyên liệu này chỉ cần rửa sơ qua là cho vào hầm cấp đông, đông xong xuất liền. Mỗi ngày phía Trung Quốc đặt mua 4-5 tấn. Cách thức mua bán của họ là ứng trước tiền cọc và đặt hàng, khi nào chủ vựa gom đủ số lượng thì gọi điện báo, lập tức họ cho xe xuống chở đi. “Xuất đi đâu chúng tôi không biết, miễn sao họ thanh toán đầy đủ là được”, bà Thủy quả quyết.
Bà Thủy còn cho biết, thương lái Trung Quốc không đứng ra thu mua mà chỉ thuê nậu vựa lo từ A đến Z, thế nhưng theo nhiều nguồn tin khác, họ thường sang và ở lại ngay trong nhà của các chủ vựa để giám sát quá trình thu mua đóng gói và sơ chế hải sản.
Mấy ngày trước đó, cũng với sự hướng dẫn của Đội quản lý thị trường số 6, chúng tôi đã giáp mặt một thanh niên người Trung Quốc đang “cắm” tại cơ sở thu mua sơ chế hải sản Tú Trinh (xã An Ngãi, huyện Long Điền). Người này nói được chút ít tiếng Việt và tự xưng là A Quân, quê ở Hồ Nam, Trung Quốc, thường xuyên sang VN thu mua hải sản bằng visa du lịch. A Quân cho biết, anh đã làm ăn với các cơ sở thu mua hải sản được ba năm. Cách thức mua hàng là giao cho cơ sở người Việt đứng ra thu mua về sơ chế rồi mới xuất đi.
Ông Trần Văn Quế Quang, chủ cơ sở Tú Trinh cho hay, mỗi tháng ông bán cho khách hàng Trung Quốc được khoảng 30 tấn cá mắt kiếng đã sơ chế và phơi khô. “Cá này họ đưa về bên đó rồi chế biến lại thành nhiều loại thức phẩm khác nhau”, ông Quang nói.
Cái lợi trước mắt và những câu chuyện “dở khóc dở cười”
Theo các chủ DN chế biến hải sản và Chi cục Quản lý thị trường, trên địa bàn tỉnh có nhiều chủ vựa cá đứng ra gom hàng cho thương lái Trung Quốc. Các mặt hàng hải sản họ thường mua gồm các loại cá thịt trắng để làm surimi, bạch tuộc, mực các loại.
Thương lái Trung Quốc không kén chọn hàng chất lượng cao như các DN chế biến xuất khẩu. Đa số các mặt hàng họ thu mua đều cao hơn giá của các DN chế biến hải sản từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, thậm chí các loại hàng khô họ còn mua cao hơn đến 20.000 đồng/kg. Như vậy, có thể hiểu tại sao hiện tượng “chảy máu” nguyên liệu ngày càng trở thành vấn nạn khó kiểm soát.
Thời gian qua, nhiều địa phương ở khu vực phía Nam đã từng xảy ra những chuyện “dở khóc, dở cười” và những hậu quả đáng tiếc trong chuyện làm ăn với một số thương lái Trung Quốc.
Còn trên địa bàn tỉnh BR-VT, chuyện thua thiệt khi mua bán hải sản với thương lái Trung Quốc cũng không mới. Vấn đề nghiêm trọng hơn là những thiệt hại về lâu dài khi nguồn nguyên liệu hải sản cạn kiệt.
Việc các thương lái Trung Quốc đổ xô vào các địa phương ven biển để thu mua nguyên liệu hải sản không thể không cảnh giác. Bởi, trên thực tế đã từng xảy ra những chuyện “dở khóc, dở cười”. Câu chuyện của ông Nguyễn Tuấn Dũng, chủ DNTN Hoàng Thắng Lợi, ấp An Thạnh, xã An Ngãi (huyện Long Điền) là một bài học cay đắng về chuyện làm ăn với thương lái Trung Quốc.
Đội thương lái Trung Quốc ngày càng “khuếch trương” hoạt động nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý được hoạt động buôn bán cũng như việc cư trú của họ.
Ông Dũng kể, từ năm 1996 ông bắt đầu thu mua, sơ chế các loại cá khô cho một thương lái Trung Quốc. Thời gian đầu, họ làm ăn rất sòng phẳng, hàng lên xe là thanh toán tiền mặt ngay.
Giá mua hàng của thương lái Trung Quốc rất cao, có những mặt hàng cao gấp đôi so với giá nội địa. Đến năm 2005, khi hai bên đã tạo được mối quan hệ thân tín, thì phía đối tác đột ngột yêu cầu xuất một lúc ba chuyến hàng với tổng sản lượng hơn 22 tấn.
Ông Dũng vét hết vốn liếng đập vào chuyến hàng này với hi vọng kiếm được khoản lời kha khá. Thế nhưng, không ngờ xuất hàng xong, phía đối tác “một đi không trở lại” và cũng không để lại dấu tích gì. Cú lừa này khiến ông kiệt quệ vì bị mất trắng 1 tỉ đồng.
Một chủ DN chuyên mua bán hải sản tại TP Vũng Tàu (đề nghị giấu tên) cho biết, vài năm trước làm ăn với thương lái Trung Quốc ông cũng bị một vố rất đau.
“Đang xuất hàng ngon trớn, bỗng dưng phía đối tác yêu cầu tăng sản lượng gấp đôi, khi chuyến hàng này ra tới cửa khẩu thì họ kiểm tra hàng hóa rồi “chê ỏng chê eo”, buộc tôi phải hạ giá bán. Đến nước này nếu không bán thì biết đưa hàng đi đâu, để lâu thì nguyên liệu hư hỏng, nên tôi đành bấm gan chịu lỗ. Từ đó đến nay tôi “cạch” luôn chuyện làm ăn với thương lái Trung Quốc” - chủ DN này chia sẻ.
Theo phản ánh của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trong năm 2011, trên địa bàn huyện Long Điền đã có một số nậu vựa bị thương lái Trung Quốc dùng chiêu lừa tương tự khiến họ trở nên điêu đứng.
Như vậy, việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nguyên liệu đưa về nước chế biến về lâu dài không những gây “chảy máu” nguồn nguyên liệu, mà còn làm mất thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Trường hợp xuất hải sản dưới dạng thô (mới qua sơ chế) cho dù có đầy đủ các chứng từ hợp pháp cũng là phương thức làm ăn cần hạn chế, vì tiêu tốn nhiều nguyên liệu, giá trị gia tăng thấp và để lại vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi tại các cơ sở sơ chế nguyên liệu hải sản gần các cảng cá, hầu như không có nơi nào đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Người dân sống gần các cơ sở này luôn phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên thường xuyên, đặc biệt là vào những ngày mưa bão.