Đang là chuyên viên lĩnh vực cơ khí chế tạo máy tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thanh Chung quyết định trở về làm nông dân với tâm nguyện khôi phục danh tiếng dâu tây Đà Lạt.
Sau một chuyến về thăm quê và được nghe "dâu tây Đà Lạt hết thời", anh Chung (phường 9, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) quyết định không vào TP.Hồ Chí Minh nữa mà ở lại "liều một phen" với dâu tây.
Anh Chung trong khu vườn dâu tây siêu sạch.
Quyết lấy lại thương hiệu dâu Đà Lạt
Anh Chung kể, khi đó, những vườn dâu tây Đà Lạt thường xuyên bị nấm bệnh và các loại tuyến trùng phá hoại trên diện rộng. Những vườn dâu xanh tốt, đến kỳ cho trái đột nhiên chuyển sang màu tím và chết dần mà không có cách nào khắc phục. Người trồng dâu bắt đầu phá bỏ dâu, chuyển qua canh tác rau, hoa các loại. Theo đó, dâu tây Đà Lạt mất dần thương hiệu.
Mày mò trên các trang mạng chuyên về trồng và chăm sóc dâu tây của các nước Mỹ, Nhật, New Zealand… anh Chung thấy họ có những mô hình trồng thủy canh trên giàn rất hay. Nghe người mách ở Đà Lạt đang có một mô hình trồng dâu thủy canh, anh đến xin vào xem nhưng bị chủ vườn từ chối thẳng thừng. Một chút tự ái và lòng quyết tâm đã thôi thúc anh phải làm bằng được cách trồng này.
Anh về xin gia đình một diện tích nhà kính đang trồng hoa cúc làm giàn trồng dâu theo mô hình thủy canh. Khi vừa nói ra ý tưởng, anh bị gia đình phản đối kịch liệt, cho rằng "bị khùng" khi chọn trồng dâu tây trong giai đoạn dịch bệnh không thể kiểm soát này. Nhưng anh đã thuyết phục và cuối cùng được “cấp” 450m2 diện tích nhà kính trồng thử nghiệm.
Bắt tay vào công việc là anh bắt đầu vào một cuộc chạy đua với muôn vàn khó khăn từ khâu chọn giống đến cách làm giàn, chăm sóc... vì nó khá mới mẻ. Ngoài tự tìm hiểu các tài liệu trên mạng, anh Chung tìm đến những vườn dâu bị dịch bệnh, bị thất bại để tìm hiểu và rút kinh nghiệm.
Anh nói vui: "Mình đã tốn rất nhiều học phí vào vườn dâu này, vì thương hiệu dâu quê nhà đang bị mất mà mình quyết làm cho được".
Mô hình "dâu tây siêu sạch"
Dâu tây rất khó tính nên phải thường xuyên dùng các loại thuốc kích thích, thuốc diệt nhện, nấm… Theo cách nghĩ của anh Chung, việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng gây hại cho người dùng.
Chính vì vậy, quy trình trồng dâu của anh được kiểm soát dịch bệnh ngay từ đầu bằng mô hình trồng thủy canh trên giàn.,Việc trồng dâu trên giàn sẽ hạn chế được rất nhiều mầm bệnh như phấn trắng, nấm lông chuột, thối trái…
Bên cạnh đó, nó còn giúp hạn chế được sự lây lan khi có mầm bệnh. Việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn và năng suất đạt gấp đôi vì mật độ cho phép trồng dày hơn. Nguyên liệu để trồng dâu theo mô hình thủy canh trên giàn hoàn toàn bằng xơ dừa đã được vô trùng và nước, nên hạn chế tối đa mầm bệnh có thể sản sinh như trồng trực tiếp dưới đất.
Đặc biệt là phương pháp này có thể hạn chế được 80% nhện dâu- một loại côn trùng rất nguy hiểm, khi xuất hiện chỉ cần 3 ngày có thể phá hủy (gây héo) một vườn dâu. Khi phát hiện nhện trên giàn chỉ cần phun nước, nhện sẽ rớt xuống chết mà không cần bất kỳ một loại thuốc nào.
Hiện nay, trung bình vườn dâu thủy canh của anh Bình cho 10kg quả/ngày, giá bán 110.000 đồng/kg nhưng không có đủ cung cấp cho bạn hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng… Thành công bước đầu, nhưng anh khiêm tốn nói mình chỉ mới đi được khoảng 70% quãng đường.
Thời gian tới, anh sẽ cho ra đời một vườn dâu siêu sạch rộng 700m2. Với tâm huyết cho ra đời những trái dâu an toàn tuyệt đối cho người dùng, anh đã tự nghiên cứu và lưu trữ được rất nhiều tài liệu.
Anh dự định khi mô hình của mình hoàn toàn thành công sẽ tổng hợp và cho ra đời "giáo trình" sản xuất dâu sạch cho mọi người để lấy lại thương hiệu dâu Đà Lạt.