Chính sách tài khóa, tiền tệ 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm
Thứ tư, 27/06/2012, 09:53
Cung tiền qua OMO tăng ồ ạt trong quý I, lên đến gần 285.000 tỷ, nhưng trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 3, NHNN hút tiền với tổng lượng hút lên đến trên 187.000 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 và Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua đã cùng song hành trong mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, giảm lãi suất theo và ổn định thị trường tiền tệ.
Thị trường vốn đã được cải thiện
Thị trường vốn cải thiện
Trong 6 tháng đầu năm 2012, thị trường vốn đã có những cải thiện đáng kể so với năm 2011. Tính đến ngày 13/6/2012, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP), TPCP bảo lãnh huy động được đạt 95.535 tỷ đồng (đạt 60,1% so với kế hoạch), trong đó: Kho bạc Nhà nước huy động 62.895 tỷ đồng (đạt 62,9% so với kế hoạch); Ngân hàng Phát triển huy động được 19.960 tỷ đồng (đạt 59,4% so với kế hoạch); và Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 12.680 tỷ đồng (đạt 48,8% so với kế hoạch).
Lãi suất tiếp tục giảm trên tất cả các thị trường
Trên thị trường huy động vốn, lãi suất phát hành TPCP từng bước được điều hành theo xu hướng giảm và tiếp tục mang định hướng dẫn dắt để giảm mặt bằng lãi suất chung của cả thị trường. Tính đến ngày 21/6/2012, lãi suất phát hành TPCP đã giảm khoảng 2,6 - 3% so với thời điểm đầu năm 2012, ở mức 8,5% đối với tín phiếu 364 ngày, 8,89% đối với kỳ hạn 2 năm, 9,00% đối với kỳ hạn 3 năm và 9,45% đối với kỳ hạn 5 năm.
Trên thị trường huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư, kể từ đầu năm, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động, theo đó lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 6%/năm xuống còn 2%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống còn 9%/năm;
Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm gần đây ở hầu hết các kỳ hạn, dao động quanh mức 1,3-2% đối với kỳ hạn qua đêm, 1,3-2% với kỳ hạn 1 tuần, 2-3% kỳ hạn 2 tuần và 3,5-4% cho kỳ hạn 1 tháng.
Trên thị trường mở, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày lần lượt là 3,8%/năm, 5,7%/năm và 7,45%/năm, đây là mức giảm đáng kể so với thời điểm 15/3 khi lãi suất tín phiếu các kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày lần lượt là 11,5%, 12% và 12,5%/năm.
Với mức lãi suất tín phiếu điều hành theo xu hướng giảm hiện nay sẽ giảm bớt áp lực trong việc phát hành TPCP tạo điều kiện giảm lãi suất TPCP qua đó góp phần định hướng giảm lãi suất chung trên thị trường.
Giao dịch trên thị trường tiền tệ sôi động
Quy mô cung tiền qua cửa sổ OMO được NHNN tăng ồ ạt trong quý I (lên đến gần 285.000 tỷ đồng) để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của hệ thống. Tuy nhiên, nhằm trung hòa lượng tiền đưa ra thị trường để mua 9 tỷ USD, trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 3, NHNN liên tiếp hút tiền với tổng lượng hút lên đến trên 187.000 tỷ đồng.
Trong những ngày gần đây, giao dịch tín phiếu đang giảm dần cả về khối lượng giao dịch và kỳ hạn của tín phiếu. Tính đến ngày 13/6, giao dịch tín phiếu chỉ có giao dịch kỳ hạn 28 ngày với khối lượng 59 tỷ đồng, giao dịch “mua kỳ hạn” cũng khá nhỏ giọt trong tuần qua.
Thị trường ngoại hối ổn định
Tỷ giá VND/USD tiếp tục duy trì ổn định kể từ đầu năm. Các Thông tư số 03/2012/TT-NHNN và số 07/2012/TT-NHNN về ngoại tệ bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 5 nhưng hầu như không có nhiều tác động lên tỷ giá.
Tuy nhiên, tỷ giá được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới do lãi suất huy động VND liên tục giảm và nhiều khả năng sẽ giảm sâu hơn nữa khiến tiền đồng mất giá so với USD. Hơn nữa, xuất khẩu và FDI giảm trong tháng 5 cũng khiến cho cung ngoại tệ giảm và làm tăng tỷ giá VND/USD.
Tổng tài sản hệ thống giảm và nợ xấu tăng cao là những điểm tối của CSTT 6 tháng đầu năm
Theo NHNN, tính đến 30/4/2012: tổng tín dụng trong toàn hệ thống là 2.617.320 tỷ đồng, giảm 0,59% so với cuối năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ: (i) vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện nhiều, do đó các NHTM thận trọng trong việc giải ngân do lo ngại về nợ xấu; (ii) mặt bằng lãi suất vẫn còn cao so với nhu cầu của DN (75% DN chấp nhận mức lãi vay 14% - 15%) trong khi rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được điều kiện để vay với mức lãi suất ưu đãi.);
Tổng huy động từ dân cư và doanh nghiệp là 2.533.858 tỷ đồng tăng 3,6%, trong đó huy động từ dân cư có mức tăng mạnh 11,78% trong 4 tháng, lên 1.449.453 tỷ đồng trong khi tiền gửi của doanh nghiệp lại giảm 5,6% xuống 1.084.405 tỷ đồng.
Tổng tài sản toàn hệ thống cuối tháng 4 giảm 1,83% xuống còn 4.868.649 tỷ đồng. Mức giảm diễn ra ở cả ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng mức giảm của ngân hàng thương mại Nhà nước thấp hơn (-1,74%) so với mức giảm (-2,3%) của ngân hàng thương mại cổ phần.
Nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,18 nghìn tỷ đồng (35%) với tốc độ tăng trung bình 8,6%/tháng, cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước.
Dự báo chính sách tài khóa, tiền tệ 6 tháng cuối năm
Tổng khối lượng TPCP huy động cả năm 2012 ước khoảng 80.000 tỷ đồng. Dự kiến tăng trưởng tổng tài sản của hệ thống NHTM năm 2012 đạt khoảng 200.000 tỷ đồng và tỷ lệ phân bổ để mua TPCP khoảng 15–20%, khối lượng vốn có thể sử dụng để mua mới TPCP trong năm 2012 là khoảng 30–40.000 tỷ đồng. Khối lượng TPCP đáo hạn trong năm 2012 là 40.000 tỷ đồng.
Lãi suất có thế sẽ ít biến động. Với lạm phát dự kiến cả năm 2012 là dưới 9%/năm thì mức lãi suất huy động 9%/năm có thể sẽ được duy trì cho đến hết năm 2012.
Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ thắt chặt và sự tin tưởng của thị trường vào điều hành chính sách. Vì thế kịch bản lãi suất ổn định chỉ xảy ra nếu Chính phủ vẫn kiên quyết mục tiêu bình ổn vĩ mô và cam kết thực hiện với những hành động cụ thể và nhất quán.
Tỷ giá khó có khả năng biến động mạnh do: (i) Nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu chưa lớn do chưa bước vào chu kỳ sản xuất và nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đình trệ; (ii) NHNN sẽ thực hiện các biện pháp điều tiế để giữ ổn định cho VND nhằm phục vụ mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2012 là giảm lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong thời gian tới do mặt bằng lãi suất giảm và một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được thực hiện trong thời gian vừa qua sẽ phát huy tác dụng. Khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp có thể được cải thiện.
Nợ xấu vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại và có thể tiếp tục tăng cao nếu Chính phủ không quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu.