Thông tin lãi suất trần huy động giảm xuống còn 9%/năm với hi vọng sẽ mở ra một cơ hội tốt cho những động thái mới của thị trường bất động sản.
Nhưng niềm tin đó lại đặt hết trong sự mong chờ từ các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn cứu vớt thị trường bất động sản khỏi chạm đáy bằng việc rút tiền ngân hàng chuyển sang đầu tư các dự án nhà đất.
Đồng thời các sàn bất động sản cũng đang "ngoi ngóp" trông chờ vào nhu cầu thực sự của người dân sẽ có tiền mua nhà ở để phần nào khuấy động lại thị trường. Nhưng xét toàn diện, khi ngân hàng hạ lãi suất thì có rất nhiều ngành ngóng trông vào "đồng tiền thời bão giá" này không chỉ riêng ngành bất động sản. Hạ lãi suất nghiễm nhiên như một "cứu cánh" lớn cho nền kinh tế hiện tại. Và từ đó nguồn vốn ngân hàng được xem là cơ hội cho tất cả các ngành kinh tế với mong muốn "trở mình".
Doanh nghiệp trông chờ sự "mạnh dạn" giảm lãi suất từ ngân hàng.
Tình trạng lãi suất giảm liên tục dễ dẫn đến tâm lí người dân sẽ bị tác động và chuyển nguồn vốn sang đầu tư khác có lãi hơn là điều khó tránh khỏi. Khi đó để chọn cách chống đỡ tốt nhất với thời kì khủng hoảng kinh tế thì việc các doanh nghiệp tìm đến nguồn tín dụng ngoài ngân hàng sẽ thúc đẩy cho tín dụng đen trỗi dậy. Đồng nghĩa với hiện trạng này thì các ngân hàng vừa phải "đua nhau" tranh giữ khách hàng vừa phải "gồng mình" đề phòng ngăn chặn nguồn nợ xấu xảy ra để làm lợi tư cho một số người.
Đứng trước tình hình này, các chuyên gia kinh tế dự đoán xu hướng tiền sẽ đổ vào chứng khoán. Theo lí luận của các chuyên gia, khi thị trường chứng khoán phát triển thì có thể sẽ là một sự khởi đầu tốt cho sự vực dậy "sáng sủa" của nền kinh tế đất nước. Nhưng trước biến động khó lường của thị trường chứng khoán thế giới thì khó có thể có những bước đầu tư thông minh cho những "ảnh hưởng không ngờ" đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Và trước những nghi ngờ này thì nhiều ý kiến khác lại cho rằng dòng tiền rất dễ chuyển sang vàng. Một loạt các tình trạng bấp bênh như: Khủng hoảng từ nợ công ở Châu Âu, sự tăng trưởng "nhỏ giọt" của Trung Quốc và sự chậm chạp của nền kinh tế Mỹ dẫn đến sự dè chừng đầu tư vào thị trường kinh tế Việt Nam. Điều này khiến cho người đầu tư có những bước đi thận trọng hơn trước để tránh những tình huống bi quan có thể xảy ra.
Và cũng vì thế mà dòng tiền bị phân tán khi các nguồn cổ phiếu niêm yết mới và nguồn cổ phiếu niêm yết bổ sung liên tục tăng để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng nhiều từ thị trường chứng khoán. Tiếp đó các dòng tiền đầu cơ cũng "chạy" không ngừng khiến cho thị trường biến động và dòng tiền chuyển sang vàng là chiều hướng an toàn hơn cả.
Mỗi lần giảm lãi suất, không chỉ ngân hàng mà các doanh nghiệp gần như phải "đau đầu" để phân tích, đánh giá các thị trường kinh tế thế giới cho dòng tiền "xuôi đi" có lợi đôi bên. Vì trên thị trường kinh tế thì sự hỗ trợ lẫn nhau của hai đối tượng này góp phần thúc đẩy cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Nhưng trên thực tế thì ngân hàng "không mấy hào hứng" tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp trước sự ra đi lần lượt của các công ty bất động sản. Ngân hàng tìm đến những khách hàng có tiềm năng hơn là khách vay tiêu dùng, chào vốn giá mềm hơn trước 1% cho khách hàng mua nhà, mua xe ...
Tình trạng dòng tiền của ngân hàng đang nghiêng về phía khách vay tiêu dùng như một hình thức "chọn mặt gửi vàng" để cho dòng tiền chảy không bị "tắc ứ". Nhưng không vì thế mà các ngân hàng ồ ạt giải ngân và câu chuyện ngân hàng "ưu ái" khách vay tiêu dùng là chuyện hiếm thấy trong thời gian 1 năm trở lại đây.
Nguyên nhân chính là tín dụng tăng trưởng âm, hầu hết mọi ngành kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng không thể giữ mãi mức lãi suất cũ để chờ nhu cầu vay của các doanh nghiệp. Ngân hàng bắt buộc phải hạ lãi suất vừa để cứu nguy cho các doanh nghiệp vừa tạo cơ hội cho mình có nguồn lợi nhuận thu từ việc kích thích sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Mặc dù trong thời gian gần đây, ngân hàng liên tục giảm lãi suất nhưng mức độ giảm vẫn còn "nhỏ giọt" nên vẫn không đủ để có thể phá tan sự im ắng cho nền kinh tế hiện tại. Và dòng tiền ngân hàng vẫn chưa xác định dạt vào bến đỗ nào cho bài toán hồi phục của nền kinh tế khủng hoảng.