Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: "chúng ta có một đống tiền nằm chết"

Thứ ba, 26/06/2012, 10:05
Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân phá sản hoặc rơi vào tình trạng thoi thóp vì không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Tôi thấy toàn bộ khu vực tư nhân đang khó tiếp cận tín dụng, dù lãi suất đã giảm đôi chút. Bởi trên thực tế ngoài những thứ như ma túy thì lợi nhuận có thể thu được từ kinh doanh hay sản xuất thông thường dao động trong khoảng từ 15 – 30% trừ chi phí rồi. Nhưng tính riêng chi phí cho lãi suất đã tới 20% lượng đầu tư thì làm thế nào mà ai đuổi kịp được.

Mất cân đối vĩ mô biểu hiện dưới hình thức tài chính chính là lãi suất. Nhưng lãi suất cho vay cao đến như thế thì không ai vay, mà không ai vay thì ngân hàng làm gì? Ngân hàng chân chính sống bằng lãi suất cho vay mà không ai vay thì anh huy động làm gì? Ngân hàng lại quay qua mua vàng. Bản thân vàng bạc cũng là một cách để các ngân hàng tồn tại trong điều kiện trì trệ về sản xuất hay nói cách khác là suy thoái về phát triển.

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt

Đấy là một căn bệnh mà ai cũng nhìn thấy, không có gì thật là phức tạp cả. Chính sách của ngân hàng nhà nước chẳng hạn, để đề phòng các ngân hàng sụp đổ thì anh bắt nó phải dự trữ. Dự trữ ấy là dự trữ có tính chất bảo hiểm đối với các hiện tượng khủng hoảng.

Nhưng dự báo khủng hoảng thì không chính xác cho nên bắt nó có một lượng tiền dự trữ lớn hơn nhu cầu thực tế khủng hoảng cần. Cho nên chúng ta có một đống tiền nằm chết. Gần đây các ngân hàng thương mại đã phải họp với thống đốc ngân hàng nhà nước để giải tỏa kho dự trữ mà kích thước của nó lệ thuộc vào tính chính xác của các dự báo.

 
Có một vấn đề của nền kinh tế mà Việt Nam không có lối thoát ở chỗ là nếu mình muốn chống lạm phát thì mình phải tăng lãi suất cao hơn nữa. Bởi tăng lãi suất có nghĩa là rút tiền về để chống lạm phát. Nhưng ở mình thì lại muốn giảm lãi suất bởi lãi suất cao quá cho nên sản xuất không phát triển được, sản xuất bị đình đốn, có nghĩa là mình vừa đình đốn sản xuất lại vừa lạm phát cao, mà người ta gọi là hiện tương đình lạm. Liệu có giải pháp nào không?
 
Không có cách nào cả bởi vấn đề đặt ra là bản thân hệ thống ngân hàng ấy đã tiêu tốn một loại năng lượng mà không có một nền sản xuất nào thỏa mãn được nó. Bởi vì ngân hàng cũng là một vùng kinh tế, nó thu được những lợi nhuận lớn hơn hay nó nuốt chửng những phần lợi nhuận mà đáng ra phải phục vụ sản xuất. Đấy là một tai họa.

Có thể ví ngân hàng giống như hệ thống dẫn điện, mà điện trở của hệ thống dẫn ấy lớn đến mức nuốt chửng toàn bộ năng lượng vận chuyển trong nó thì còn gì nữa.

 
Kinh tế là ra giá trị gia tăng chứ không phải trấn lột và gom tiền

Có phải vì mình quản lý bằng mệnh lệnh hành chính cho nên đạo đức kinh doanh ngân hàng rất thấp?
 
Vì mệnh lệnh hành chính cho nên đạo đức ngân hàng thấp thì không phải. Bởi vì đạo đức của ngân hàng thấp đến mức mà chính phủ buộc phải dùng mệnh lệnh hành chính chứ không phải là vì dùng mệnh lệnh hành chính mà đạo đức nó thấp. Bởi để chờ cho nó hồi phục lại các trạng thái đạo đức lành mạnh thì đất nước nguy rồi, cho nên chính phủ buộc phải sử dụng các biện pháp hành chính.

Tại sao lại như thế, bởi chúng ta không quan niệm được hoạt động kinh tế về cơ bản là tạo ra giá trị gia tăng chứ không là sự trấn lột và gom tiền của nhau.

Có lần nói chuyện ở trường đảng Nghệ An có người hỏi tôi, thế nào là làm ăn lành mạnh. Tôi trả lời, làm ăn lành mạnh là khi anh nhìn thấy một đồng chui vào túi anh thì anh phải lườm xem đồng ấy có chạy ra từ túi người bên cạnh không. Nếu như sự có tiền trong túi mình là kết quả của sự nhảy dù của tiền bạc của người khác vào túi mình mà không phải là kết quả của sự gia tăng các giá trị nằm trong túi mình thì chúng ta không kinh doanh mà chúng ta trấn lột.

 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích