Bỏ lương 5000 USD để đi bán hương

Thứ hai, 25/06/2012, 16:28
Đang làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương mà đa phần người Việt Nam mơ ước nhưng Phương Anh đột ngột xin nghỉ việc để chuyển sang làm… hương.

Trần Phương Anh bên những nén nhang tâm huyết.

Ban đầu, bạn bè, người thân đều phản ứng lại quyết định này, thế nhưng chàng trai 8X này đã chứng minh được con đường mình chọn không sai.

Bỗng dưng thích làm hương
 
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Trần Phương Anh sớm được nhận vào làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương cứng là 3.500 USD/tháng; cộng các khoản thưởng lại thì trung bình 1 tháng thu nhập của anh cũng không dưới 5.000 USD. Phương Anh đã khá hài lòng với công việc và mức lương của mình lúc ấy.

Thế nhưng, cuộc đời của chàng trai trẻ này đã có một bước ngoặt không ngờ. Trong lần ghé thăm một ngôi chùa cổ - nơi có cách làm hương truyền thống đã tồn tại mấy trăm năm, bỗng nhiên Trần Phương Anh thấy quyến luyến lạ thường với hương thơm toả ra.

Anh được sư trụ trì ở đây chỉ bảo tận tình về các công đoạn làm hương cũng như nguyên liệu làm ra hương truyền thống. Hoá ra, hương truyền thống khác hoàn toàn với những loại hương mà bấy lâu nay Phương Anh vẫn biết. Ở các loại hương truyền thống, nguyên liệu đều từ những loại cỏ cây hoa lá tạo mùi thơm tự nhiên; cách làm hương cũng rất cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải thực sự có tâm.

Mang những băn khoăn về nén hương truyền thống, Trần Phương Anh đến gặp nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử… để tìm hiểu. Dần dà, Phương Anh bỗng trở nên “mê” cách làm hương truyền thống. Anh thấy tiếc cho nghề làm hương đang mất dần đi những nét văn hoá đặc sắc.

Thay vào bột quế, bột trầm… giờ nhiều người sản xuất hương bằng mùn cưa trộn hoá chất, dầu luyn. Những bó hương ồ ạt được xuất xưởng mà không mấy ai để tâm hương thực sự có ý nghĩa thế nào trong đời sống tâm linh và văn hoá.

Thế nhưng, chỉ mang theo sự trăn trở về hương truyền thống chưa đủ hành trang để giúp Phương Anh đến được với nghề làm hương. Trong những chuyến đi công tác hoặc tranh thủ ngày cuối tuần, bao giờ Phương Anh cũng tìm đến với những làng nghề làm hương trên khắp đất nước để tìm hiểu.

Phương Anh cho biết, đây là giai đoạn rất khó khăn bởi các làng hương truyền thống hầu như đều chuyển sang làm theo hướng công nghiệp, sản xuất ồ ạt chứ rất hiếm người còn nặng lòng với nén hương vốn có.
 

Công đoạn làm nhang truyền thống rất cầu kỳ và đòi hỏi người làm phải có cái tâm.
 
Để có thêm những trải nghiệm thực sự về nghề làm hương, Phương Anh bỏ tiền ra đặt hương ở nhiều gia đình và xin được xem cách của họ làm ra nén hương truyền thống. Ở mỗi gia đình, anh lại có thêm một sự trải nghiệm mới. Đến một ngày, tự tin rằng mình có thể tự tay pha chế nguyên liệu và làm thành hình được nén hương… Phương Anh quyết định nghỉ việc để toàn tâm toàn lực vào làm hương. Hãng hương Phụng Nghi ra đời! Phương Anh lý giải: “Phụng Nghi là nghi lễ thờ cúng! Tôi muốn được làm một điều gì đó để tôn vinh điều này!”.
 
Ai cũng cho là “bất thường”

Với quyết định của con trai, bố mẹ của Phương Anh không thể hài lòng. Họ nhiều lần phản đối trước quyết định “kỳ quặc” của người con mà họ từng dành nhiều kỳ vọng. Không chỉ thế, anh em, bạn bè cũng không có mấy người ủng hộ việc làm hương của Phương Anh.

Phương Anh kể, thời kỳ đầu khi làm hương có lẽ là thời kỳ anh không bao giờ quên. Có được chút tiền dành dụm, anh dành cả cho công việc nghiên cứu cách làm hương và tìm nguồn nguyên liệu.

Phương Anh tâm sự: “Vào đúng thời điểm đó, đất đai đang “sốt xình xịch”.Tôi có một người bạn kiếm được hơn tỉ đồng chỉ trong “nháy mắt” nhờ buôn đất. Lúc ấy bạn gái tôi bảo: “Anh xem thế nào chứ chẳng lẽ thế này mãi, nhìn họ kiếm tiền mà sốt ruột!". Quả thật, tôi cũng buồn và suy nghĩ nhiều. Khi ấy, mới bắt đầu làm nên còn nhiều khó khăn. Tiền nong còn phải đi vay lãi ngân hàng trong khi hương làm ra nhiều khi phải đổ đi vì sai công thức”.

Bù lại, Trần Phương Anh lại được nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử như Nhà sử học Lê Văn Lan, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhà giáo Vũ Khiêu… ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ động viên tinh thần, họ còn giúp Phương Anh về các kiến thức liên quan đến nghề làm hương và nén hương truyền thống.

Phương Anh kể, những ngày đầu làm hương, việc học được công thức là một chuyện nhưng khi thực tế lại hoàn toàn khác. Người làm hương phải nhìn thời tiết để pha bột, pha nước theo các tỉ lệ khác nhau. Trong điều kiện người làm hương không chú tâm, bột hương có thể sẽ quá khô hoặc quá nhão hoặc có tỉ lệ không tương thích. Điều đó có thể dẫn tới hương không thể tạo hình hoặc tạo hình được mà không cháy.
 
Những bài học nhớ đời
 
Các nghiên cứu về mặt văn hoá và lịch sử vẫn chưa có sự thống nhất về nguồn gốc của việc thắp hương cũng như vì sao con người lại sử dụng hương như một phương tiện để liên hệ với thế giới tâm linh.

Có ý kiến cho rằng việc thắp hương xuất xứ từ Ấn Độ nhưng cũng có tài liệu cho rằng nó xuất xứ từ Ai Cập hoặc châu Âu… Có tài liệu cho rằng, loài người bắt đầu biết dùng hương với mục đích dùng hương thơm xua đi tà khí khi có sự chết chóc của cộng đồng.

Dần dần, họ sử dụng hương trong những dịp có tang ma, nghi lễ. Cũng có ý kiến cho rằng việc thắp hương xuất phát từ quan niệm thờ thần lửa.

Mong thần lửa luôn ngự trị nên con người tìm cách giữ chúng lại bằng những vật liệu tự nhiên lại tạo ra mùi thơm để dâng lên thần lửa...
 
Các giả thiết đều tập trung quan điểm cần dùng các mùi hương tự nhiên được trời đất ban tặng cho con người để dâng cho thế giới tâm linh.
Với quyết tâm làm cho được, Trần Phương Anh đã thành công. Những nén hương đầu tiên bắt đầu bén lửa, mùi ngào ngạt toả bay. Bắt đầu bằng cách đem cho bạn bè người thân thắp thử rồi dần dần hương Phụng Nghi xuất hiện trên thị trường.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó, Phương Anh cho biết, với những nguyên liệu độc đáo lại làm theo phong cách thủ công nên hương Phụng Nghi có giá thành khá đắt.

Lúc đầu, muốn gia nhập thị trường, đích thân anh đi đến nhiều đền chùa xin được mở quầy bán hương trong chùa. Rất may, nghe anh trình bày, nhiều chùa đã rộng lòng đón nhận ý tưởng này và tạo điều kiện cho Phụng Nghi có được một quầy hương nhỏ trong khuôn viên.

Không chỉ bỏ việc với mức lương hấp dẫn đi làm hương, cách làm hương của Trần Phương Anh cũng… khác người. Những người làm hương hiện giờ chỉ mong tìm được cách làm nào mới cho ra nhiều sản phẩm với giá thành hạ… trong khi đó Phương Anh tìm hướng đi ngược lại. Anh tìm về các phương pháp làm hương thủ công với các yêu cầu kỹ thuật khắt khe nhất để tạo ra nén hương.

Với các loại hương truyền thống, người làm hương đều sử dụng các loại nguyên liệu có từ tự nhiên như trầm hương, quế, thảo quả, hoa hồi, gỗ tùng…. Với từng loại hương phải chọn nguyên liệu cho phù hợp. Trong mỗi loại nguyên liệu lại phải chọn kỹ lưỡng hơn, ví dụ như nguyên liệu gỗ tùng phải chọn đúng phần gốc của cây tùng chứ không thể chọn phần ngọn.

Để hương tự kết dính với nhau, người ta phải dùng cây bời lời xay nhỏ, còn để có chất dẫn cháy, nhiều người dùng mùn cưa thay thế trong khi chất dẫn cháy truyền thống lại phải là tro cốt của lá và thân cây đậu tương.

Với cách làm hương cầu kỳ như thế, Trần Phương Anh mong muốn khi con người liên hệ với thế giới tâm linh thông qua nén hương thì họ cần dâng những mùi hương tinh tuý mà trời đất ban tặng. Đó chính là một cách tỏ lòng thành kính với thế giới tâm linh.

Không chỉ có thế, việc Phương Anh bỗng lái “con thuyền cuộc đời” về phía nghề làm hương bởi anh mong muốn gìn giữ được nghề làm hương cổ truyền đang dần mai một trước dòng xoáy của thị trường. Vì thế, anh không muốn tạo ra một khu xưởng hoành tráng với những máy móc lớn để thực hiện các công đoạn.

Anh chọn con đường đưa nghề làm hương đến các gia đình ở nhiều làng quê. Theo anh, đó là những nơi hội tụ đủ các yếu tố để nghề làm hương tồn tại theo đúng nghĩa của văn hoá cổ truyền. Dường như, trong anh vẫn đang nhen nhóm ý tưởng tạo nên những vùng làm hương cổ truyền len lỏi trong các vùng quê Việt Nam….

Mặc dù tính đến giờ, doanh thu từ việc làm hương vẫn gần như chưa cho lãi nhưng Phương Anh vẫn tự tin với những gì mình tâm huyết, những nén hương đặc biệt của mình sẽ có ngày được vinh danh như một sản phẩm văn hoá độc đáo của dân tộc.

Anh chỉ băn khoăn một điều là mong sao những nén hương của mình được lan toả ở nhiều vùng quê hơn, để mỗi khi có một ai đó được thưởng thức mùi hương này trong khung cảnh của các làng quê, họ sẽ cảm nhận được sâu lắng hơn về những gì mà đất trời ban tặng, cũng như cảm nhận được không gian văn hoá lắng đọng qua những mùi hương ấy.


Theo Giadinh

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích