Xử lý nợ xấu ở Việt Nam như... “kiến leo cành đa”

Thứ hai, 25/06/2012, 10:34
Việc xử lý một món nợ xấu như thế nào cho hiệu quả là bài toán mà lâu nay ngành ngân hàng chưa đưa ra được lời giải hợp lý. Chính vì thế, trong lúc thị trường mua bán nợ "rối như canh hẹ", đề án công ty mua bán nợ quốc gia chỉ càng làm tăng thêm sự nghi hoặc của dư luận vào vấn đề này.

 
May mắn hay rủi ro?
 
Nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng chưa quên câu chuyện liên quan đến các vụ án Tamexco, Minh Phụng - Epco. Ngày đó, số nợ xấu của ngân hàng cũng lớn so với tổng dư nợ, nhưng quy mô không thể so với bây giờ, và giá trị của tài sản thế chấp là bất động sản “thực” hơn so với hiện tại. Thế nên, giá trị tài sản thế chấp đã thay đổi theo hướng gia tăng, đem lại lợi ích không nhỏ cho ngân hàng 5 – 6 năm sau đó.
 
Thế nhưng, cũng là tài sản thế chấp là bất động sản, hiện giờ, ngân hàng sẽ phải gánh chịu rủi ro khi thị trường đi xuống, nhiều khu đất thậm chí giá chuyển nhượng nhỏ hơn định giá của ngân hàng, nhỏ hơn khoản vay mà ngân hàng đã đưa ra. Việc “giữ giá” khiến tài sản không thể giao dịch cũng khiến khoản nợ “ì” ra, không giải quyết được.
 
DN được thành lập để chuyên trách việc mua bán nợ -  Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN thuộc Bộ Tài chính (DATC) - có nhiệm vụ hỗ trợ các DNNN cơ cấu lại tài chính, bảo đảm cho DN có vốn tiếp tục hoạt động, đủ điều kiện để chuyển đổi sở hữu thông qua việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ và chuyển nợ thành vốn góp tại DN.
 
Việc lập  công ty mua bán nợ quốc gia thuộc NHNN chỉ càng làm tăng thêm sự nghi hoặc của dư luận vào vấn đề này.

Tuy nhiên, với phương thức mua nợ thông qua tiến hành thương thảo riêng biệt với từng chủ nợ và thanh toán nợ mua bằng tiền theo giá thỏa thuận, DATC không thể loại trừ được hết các rủi ro.
 
Trong trường hợp không tìm kiếm được các nhà đầu tư hỗ trợ góp vốn hoặc không vận động được các tổ chức tín dụng tham gia, DN không được phép vay tín dụng để tái khởi động đầu tư kinh doanh, DATC đối diện với rủi ro là khoản nợ được DATC bỏ vốn ra mua có nguy cơ không thể thu hồi. Còn DN vẫn đứng trước khả năng phá sản. Nhà máy Gạch granite Long Hầu hay Công ty Kiveco -  những đơn vị đã được DATC can thiệp tài chính, nhưng do thiếu vốn nên DN vẫn ngày càng khó khăn hơn.
 
AMC – “đồ trang sức”
 
Hiện nay, các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) được xử lý bằng hai cách cơ bản:

Cách thứ nhất là bán đấu giá các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã xử lý.

Cách thứ hai là bán nợ xấu cho các TCTD khác hoặc các công ty quản lý tài sản (AMC).

 
Đối với phương thức bán đấu giá, quy trình này mất rất nhiều thời gian do TCTD phải hoàn thành nhiều thủ tục pháp lý, định giá tài sản, bán đấu giá… Mỗi khi cần bán nợ hoặc bán tài sản siết nợ, TCTD phải thành lập hội đồng xử lý nợ và còn phải mất nhiều công sức hơn để tìm kiếm người mua, chào bán với giá hợp lý để đảm bảo TCTD không bị thiệt hại.
 
Tại Việt Nam đang có 18 công ty quản lý tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng làm nhiệm vụ mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Lâu nay các tổ chức tín dụng vẫn mua bán nợ vòng vèo lẫn nhau, sôi nổi nhất là trước các kỳ chốt sổ sách kế toán của quý hay năm tài chính. Mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng trên thực tế không giải quyết được các khoản nợ xấu vì chúng vẫn nằm lại trong hệ thống ngân hàng dưới một hình thức khác. Việc mua bán nợ chỉ giúp ngân hàng đánh bóng số liệu.
 
Có thể thấy, cách xử lý đối với nợ xấu và tài sản đảm bảo/tài sản liên quan đến nợ xấu đã xử lý của các TCTD hiện nay thiếu hẳn định hướng và mang tính tự phát. Thay vì phải có một giải pháp tổng thể cho nền kinh tế nói chung và cho hệ thống ngân hàng nói riêng, thì việc giải quyết nợ xấu của ngân hàng chỉ nhằm đối phó với việc che đậy khoản nợ dưới một hình thức khác hay giải quyết tình thế.
 
Sao không phát triển DATC?
 
Như vậy, tại sao không phát triển DATC mà phải thành lập công ty mua bán nợ của NHNN, bởi vì chức năng kinh doanh của hai công ty đó cơ bản là giống nhau? Từ năm 2004 đến hết năm 2011, DATC đã thực hiện 6 phương án mua bán nợ theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ và 112 phương án theo phương thức thỏa thuận để tái cơ cấu DN và thu hồi nợ. Giá trị sổ sách của các khoản nợ là 7.427,9 tỷ đồng, đã xử lý thu hồi được 2.323,6 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần là 453,9 tỷ đồng), tỷ lệ thu hồi đạt 99,4 % giá vốn.  Trung bình mỗi năm DATC xử lý được 366,67 tỷ đồng.
 
Ông Phạm Mạnh Thường - Phó tổng giám đốc DATC, nói rằng, ý chí ban đầu thành lập DATC không phải để giải quyết con số nợ xấu lớn tới trăm ngàn tỷ như vậy, thế nhưng nếu nhà nước muốn làm những việc lớn thì cần có những điều chỉnh. DATC đã có khung có sẵn và chỉ cần điều chỉnh là có thể làm tốt, hơn là việc đưa cho một công ty chưa làm vấn đề đó bao giờ.
 
Thay vì lập công ty mua bán nợ mới, Chính phủ hoàn toàn có thể tăng vốn điều lệ cho DATC (đang là 2.481 tỷ đồng) lên để đảm nhận việc này. “Tăng quy mô vốn là điều cần, nhưng tôi nghĩ rằng DATC không cần đến số tiền nhiều tới 30.000 – 40.000 tỷ đồng” – ông Thường nói – “Tôi cho rằng, nên thành lập một quỹ của Nhà nước nắm giữ và giao cho DATC vận hành để giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay. Sau khi hoàn thành sứ mềnh của mình quỹ đó sẽ giải thể và DATC vẫn hoạt động bình thường”.
 
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, DATC là DNNN, phạm vi hoạt động không chỉ gói gọn trong hệ thống NHTM mà còn của cả nền kinh tế, nhưng tiềm lực của DATC lại khá hạn chế so với quy mô các khoản nợ xấu trong hệ thống tín dụng hiện nay. Trong khi đó, quy trình từ khi mua lại tài sản xấu, tái cấu trúc và khai thác tài sản loại này để bán lại sinh lời là rất phức tạp. Không phải tất cả các giao dịch tái cấu trúc đều thành công.
 
Hơn nữa, bản chất của việc mua bán nợ xấu là hoạt động kinh doanh mang tính mạo hiểm, có khả năng mang lại lợi nhuận cao trên cơ sở rủi ro cao. Trong khi đó, theo cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, giám sát của DATC với tư cách là DNNN, sẽ rất khó để DATC chấp nhận các hoạt động mang tính mạo hiểm kiểu này.
 
Thực tế cho thấy, nếu như một khoản nợ hoặc tài sản đảm bảo của khoản nợ đó, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, có giá bán dễ dàng tham chiếu và đáng tin cậy thì người vay đã tự xử lý để thu hồi tiền và trả nợ cho ngân hàng, chứ không để ngân hàng siết nợ.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Sẽ lập công ty mua bán nợ quốc gia
 
Về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, số liệu của nhiều bên đánh giá khác nhau, nhưng theo số liệu của NHNN, nợ xấu của ngân hàng tính chung trong toàn hệ thống tăng từ 6% đến mức 10%. Nợ xấu lớn như vậy làm cho chi phí vốn các ngân hàng thương mại phải gánh vẫn còn cao.

Do vậy, chiều hướng chung có giảm nhưng chưa thể giảm được như mong muốn của các DN cũng như của chúng ta. Những giải pháp chúng ta sẽ làm trong thời gian tới là:

 
Thứ nhất, phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa. Từ ngày 11/6 vừa qua, ta đã giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống còn 9%. Giảm lãi suất phù hợp với diễn biến của lạm phát.

 
Theo đánh giá của chúng tôi, lạm phát tháng 6 sẽ ở mức khoảng 0,2%, như vậy lạm phát quá khứ sẽ ở mức 7,3% và lạm phát kỳ vọng ở mức 7 - 8%. Như vậy mặt bằng lãi suất huy động ở mức 9% là phù hợp, vừa đảm bảo cực dương cho người gửi tiền, vừa đảm bảo tương quan với đô la Mỹ và để đảm bảo rằng đồng Việt Nam vẫn có vị thế tốt nhất so sánh giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam.
 
Trên cơ sở giảm mặt bằng lãi suất này chúng tôi sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm một bước mạnh nữa về lãi suất cho vay. Đó là về phía chính sách.
 
Chúng tôi đã bàn trong Chính phủ, NHNN sẽ thành lập và dự kiến sẽ phối hợp với các bộ, ngành thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý trên dưới 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc là bảo toàn vốn. Nói cách khác tạo ra một thanh khoản nhất định cho  hệ thống các tổ chức tín dụng, để trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết cho vay.                                                                              
 
Theo Pháp Luật VN

Các tin cũ hơn