Hàng giả không chỉ “đội lốt” quần áo, giày dép, túi xách mà nguy hiểm hơn, các loại thực phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, bột canh, nước ngọt…cũng bị “nhái” hoặc quá hạn… được làm mới.
Những năm gần đây, tình trạng sản xuất tiêu thụ và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng quá date (hạn sử dụng) ngày càng có chiều hướng giá tăng, khiến người tiêu dùng hoa mắt, chóng mặt.
'Loạn' hàng giả, nhái, quá date... Ảnh minh họa
Tại các con phố chuyên bán bánh kẹo ở Hà Nội như: Hàng Buồm, Hàng Giầy, chợ Đồng Xuân… thì bên cạnh những thương hiệu bánh kẹo quen thuộc và có uy tín trên thị trường, có tới 70% các loại bánh kẹo, mứt, ô mai được nhập lậu qua biên giới và hầu hết là hàng 3 không: không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và không đăng ký chất lượng sản phẩm.
Các loại thực phẩm sản xuất thủ công, như bò khô cũng được làm giả (hoặc pha thêm) thịt lợn nái chăn thả ở các vùng biên giới, khiến thịt nhạt và kém giòn. Điều này lý giải vì sao một kg bò khô thường có giá chỉ khoảng 300.000 đồng (đắt hơn thịt bò tươi 50.000 đồng/kg), trong khi 3kg thịt tươi mới cho ra 1 kg thịt khô (chưa kể gia vị).
Các loại bột nêm trên thị trường được quảng cáo là chế biến từ thịt, xương có tác dụng thay thế cho tất cả các loại thịt, cá, tôm, cua… và an toàn tuyệt đối.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thì thực chất, bột nêm chính là chất phụ gia siêu bột ngọt, có vị ngọt gấp 200 lần các loại bột ngọt khác. Hơn thế, trong bột nêm có chứa chất I & G, giúp đánh lừa cảm giác của người ăn, khiến họ luôn cảm thấy ngon miệng…
Nhằm lừa người tiêu dùng, nhiều con buôn còn đang tâm biến hàng cận date, hết date thành mới để tung ra thị trường.
Cụ thể, ngày 22/6 vừa qua, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với đội QLTT số 26, Chi cục QLTTHN đã tiến hành kiểm tra kho hàng của Cty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư An Phát (số 143 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, HN) và phát hiện một loạt các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu cận date, hết date được “phù phép” thành hàng trong hạn sử dụng, thay đổi nhãn mác xuất xứ.
Các loại bánh kẹo có nhãn hiệu như Crispy Crackers, Banana Cream, Luxist,… theo tem mác ghi xuất xứ hàng nhập khẩu đa số từ Indonesia, hạn sử dụng đều từ tháng 5 - 7/2012 nhưng đã được dập lại tới năm 2013, 2014…
Điều đáng nói là năm nào cũng có nhiều lượt kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng này nhưng vẫn tái diễn cảnh hàng nhập lậu, hàng giả… tràn ngập. Nhiều chủ cửa hàng còn chấp nhận bị phạt vài triệu và tiếp tục bán mặt hàng chứa nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng này vì lợi nhuận cao.
Vì vậy, cần có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc đối với những đối tượng kinh doanh những mặt hàng không đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.