Phải bán dưới giá thành chăn nuôi, chịu lỗ thê thảm suốt thời gian dài, nay dịch heo tai xanh lại xảy ra và có dấu hiệu lan rộng, nhiều người chăn nuôi bán tháo đàn heo để chạy dịch. Người cầm cự cũng đang rất hoang mang, lo lắng.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giá thịt heo hơi xuất chuồng tại miền Nam khoảng hơn 39.000 đồng/kg, giảm đến 19% so với đầu năm. Tương tự, giá gà thịt công nghiệp cũng giảm từ 23 - 27%.
Theo tính toán của ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá thành chăn nuôi hiện nay trung bình khoảng 46.000 đồng/kg heo hơi nhưng giá heo xuất chuồng chỉ 38.000 - 40.000 đồng/kg. Người nuôi đang chịu lỗ 600.000 - 800.000 đồng/con heo.
Ông Phạm Văn Bộ - chủ trang trại heo Hải Hà (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tính toán, trang trại ông đang nuôi 300 heo nái, mỗi tháng xuất chuồng 500 heo thịt, trung bình chịu lỗ từ 150 - 200 triệu đồng/tháng. Còn theo ông Nguyễn Kim Đoán - chủ trại heo Kim Đoán (H.Thống Nhất, Đồng Nai), riêng địa phương này có khoảng 60-70% trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn từ 1.000 con heo trở lên. Trong tình cảnh khốn khó, người nuôi heo còn bị thương lái chèn ép, trả bao nhiêu cũng phải bán.
Đến nay đã có hơn 30% người nuôi heo trên địa bàn Đồng Nai thu hẹp đàn heo, hơn 30% bỏ chuồng, nhiều người chăn nuôi phá sản, “mất tích”.
Theo ông Bộ, hộ chăn nuôi nhỏ đang bán heo chạy dịch, tâm lý thu được đồng nào hay đồng đó. Trên địa bàn có đến 70% trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có vốn đầu tư ít, không có biện pháp bảo hiểm rủi ro nên đã kiệt quệ, bị sập luôn không còn vốn để tái đàn. Đặc biệt, các hộ vay vốn ngân hàng chắc chắn chết vì phải gánh lãi ngân hàng, lãi suất (LS) thức ăn chăn nuôi mua nợ.
Cùng nhận định, ông Đoán cho biết: “Nhiều hộ bán cả heo giống vẫn không đủ trả nợ nên bán đất, cầm sổ đỏ trả nợ. Dân trong nghề chúng tôi gọi là heo “ăn” đất, “ăn” sổ đỏ”.
Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ đã bán heo, tháo chạy
Nguy cơ khan hiếm
Theo phân tích của ông Đoán, vấn đề hiện nay là người chăn nuôi phải tiếp cận được nguồn vốn LS ưu đãi để bớt lỗ, bớt thiệt hại, còn sức cầm cự. Nếu không các trang trại lớn cũng nối gót người chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản. “Dù LS đã giảm so với năm 2011 nhưng tôi vẫn phải vay với LS 18%/năm”, ông Đoán cho biết. “Tôi chưa thấy người chăn nuôi nào vay được vốn LS ưu đãi. Nhà nước cần giúp người chăn nuôi tiếp cận đồng vốn ưu đãi để cầm cự”, ông Công bức xúc.
Theo giới chăn nuôi, dịch heo tai xanh đang xảy ra thực sự là hiểm họa. Ông Công phân tích, nếu không khống chế dịch heo tai xanh hiệu quả và không nhận được hỗ trợ về vốn ưu đãi chắc chắn người dân bán treo chuồng. Đây là hạ sách, bởi đã bỏ đàn heo nái, heo giống phải mất 2-3 năm sau mới gầy lại được. Trong khi đó, các bộ ngành cũng đã có dự báo, chỉ 3 - 4 tháng sau thị trường lại thiếu heo thịt, phải cho nhập thịt để bình ổn thị trường.
Còn theo đại diện Bộ NN-PTNT, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, nhiều khả năng cuối năm và tết Nguyên đán năm nay có nguy cơ thiếu thịt gia súc gia cầm. Vậy tại sao không tích cực hỗ trợ ngay từ bây giờ để người chăn nuôi duy trì đàn heo?