Đổi phương án xây cảng 30.000 tỷ: Các chuyên gia nói gì?
Thứ tư, 27/06/2012, 14:20
Chúng tôi không đề xuất để chúng tôi làm nhưng dự án cảng Lạch Huyện sẽ “lãng phí kinh khủng” nếu dùng vốn ODA như đã được phê duyệt và sẽ “cực kỳ nguy hiểm” nếu sử dụng liên doanh với Vinalines, Giám đốc công ty TNHH Sơn Trường Tạ Quyết Thắng nhấn mạnh tại tọa đàm khoa học do Tổng hội xây dựng Việt Nam tổ chức sáng 26/6.
Sơn Trường, công ty TNHH có trụ sở tại Hải Phòng mới đây đã đề xuất phương án đầu tư hai cảng nước sâu và hạ tầng kỹ thuật cho cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - Lạch Huyện, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt tại quyết định 476 của Bộ Giao thông - Vận tải.
Nhằm xem xét phương án của Sơn Trường với trọng tâm là thay đổi địa điểm xây dựng cảng từ liền bờ ra xa bờ, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải đến từ nhiều cơ quan, trường học khác nhau tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm.
Bảng so sánh một số tiêu chí của hai phương án được Công ty Sơn Trường đưa ra tại buổi tọa đàm.
Cho rằng phương án mà công ty đề xuất có thể chưa phải là tốt nhất, song ông Thắng nhấn mạnh nhiều lần rằng dự án đã được phê duyệt thì "thực sự không ổn" khi càng nghiên cứu càng thấy nhiều bất cập. Như thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án đền bù hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản với số tiền lên tới cả ngàn tỷ đồng...
Đặc biệt, khối lượng nạo vét lên tới gần 40 triệu m3 bùn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Hơn nữa để duy trì được cao độ luồng tàu và khu nước thì hàng năm phải duy tu, nạo luồng với số lượng nạo vét không nhỏ (theo một tính toán có thể lên tới 2,62 triệu m3 mỗi năm). Liệu lợi nhuận của cảng có đủ bù đắp cho việc duy tu nạo vét hàng năm hay không?, ông Thắng đặt câu hỏi.
Ở bảng so sánh một số tiêu chí của hai phương án, ông Thắng cũng đưa ra khá nhiều con số cùng nhận định khẳng định ưu điểm của phương án mới. Theo đó thì tổng dự toán cho hai bến giai đoạn khởi động của phương án cũ là 25.200 tỷ đồng, còn phương án mới giảm 79,4%, chỉ 5.192 tỷ đồng.
Rủi ro đầu tư của phương án cũ là rất cao, phương án mới không rủi ro, trong khi ảnh hưởng đến ngân sách của phương án cũ là chi quá lớn, phương án mới là thu rất lớn...
Đánh giá rất cao tấm lòng của Sơn Trường với quê hương, đất nước, song hầu hết các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng sự so sánh này là khập khiễng.
Tự giới thiệu là đã tham gia nhiều công trình cảng lớn của Việt Nam và đọc kỹ cả hai phương án, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Công trình thủy (Đại học Xây dựng) Dương Văn Phúc cho rằng do thiếu tài liệu đối chứng nên phương án mới chưa đủ độ tin cậy. Song, dự án của Bộ cũng chưa nên khởi công mà nên được tiếp thu, hoàn thiện thêm.
Chủ nhiệm Khoa công trình thủy (Đại học Hàng Hải) TS. Nguyễn Văn Ngọc quả quyết, điều kiện địa hình tại vị trí dự kiến xây dựng không đáp ứng được yêu cầu xây dựng cảng nước sâu, vì vậy việc thay đổi chuyển sang xây dựng vị trí mới là cần thiết.
Về đầu tư, dự án chia làm hai hợp phần, hợp phần đầu tư nhà nước do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, hợp phần đầu tư tư nhân do liên doanh giữa Tổng công ty Hàng Hải (Vinalines) và 3 công ty Nhật Bản.
Theo TS Nguyễn Văn Ngọc, hợp phần tư nhân nên để các doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư là tốt nhất. Vì, Vinalines nắm giữ phần góp vốn tương ứng 51%, với mô hình hoạt động tổng công ty như hiện nay việc quản lý bảo toàn vốn là khó khăn.
Lo ngại của Chủ nhiệm Ngọc còn ở thực tế, các công ty liên doanh nước ngoài thường có chủ trương đầu tư đồng bộ ngay từ đầu (đặc biệt với các thiết bị do họ cung cấp được) không có sự phân kỳ đầu tư hợp lý, do đó trong thời gian đầu khai thác cảng sẽ không hiệu quả dẫn đến thua lỗ. Trong khi đó, Vinalines không có khả năng tài chính, vì vậy 51% vốn góp sẽ bị mất dần và quyền quyết định trong liên doanh sẽ không phải là tổng công ty này nữa.
Như vậy, kinh doanh khai thác cảng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, ông Ngọc nhấn mạnh đây là điều đã nhìn thấy trước nên sẽ "rất tiếc" nếu biết mà vẫn làm.
Trưởng khoa Kỹ thuật biển (Đại học Thủy lợi) Vũ Minh Cát đồng tình với một số ý kiến khác, đề nghị tạm dừng phương án đã được Bộ phê duyệt, nên có nghiên cứu tiếp theo để có thể xây dựng công trình phục vụ sự phát triển lâu dài.
Ghi nhận toàn bộ các ý kiến góp ý, một vị Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) nhấn mạnh rằng "cái gì có lợi cho nhân dân cho đất nước thì sẽ tiếp thu đầy đủ", tuy nhiên đây là dự án đã được hai Chính phủ Việt - Nhật cam kết, hiện đang triển khai phần nhà nước đầu tư, không thể nói đình hoãn là đình ngay được.
Gói lại buổi tọa đàm, lãnh đạo Tổng hội Xây dựng nêu lại ý kiến chung đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu kỹ hơn dự án cảng Lạch Huyện, nếu có thể được thì cũng nên dừng lại một thời gian, Tổng hội sẽ có ý kiến gửi đến cấp có thẩm quyền nghiên cứu lắng nghe thêm.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có tới 3 vị đại biểu Quốc hội chất vấn bằng văn bản, đề xuất của Công ty Sơn Trường đã được gửi đến Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Giao thông Vận tải.
Trong văn bản trả lời đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, “phương án của công ty mới dừng ở bước ý tưởng, tài liệu do công ty cung cấp chưa được lập bởi đơn vị, cá nhân có tư cách hành nghề tư vấn chuyên ngành, không được thực hiện theo quy trình, quy phạm chuyên ngành và quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, không có cơ sở đảm bảo tính khả thi về kinh tế - kỹ thuật”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng và thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hàng hải Nguyễn Hồng Trường đều khẳng định: đề xuất của Sơn Trường mới chỉ là ý tưởng, Bộ rất trân trọng và rất mong có thể nhận được các ý kiến đề xuất có chất lượng, được thực hiện nghiêm túc bởi các cơ quan có năng lực tư vấn chuyên ngành, góp phần cho sự thành công của dự án.