Đánh giá này dựa trên cơ sở là các yếu tố vĩ mô của Việt Nam đang cải thiện rõ rệt và đồng nội tệ được ổn định.
Trong khi chỉ số chứng khoán tại các thị trường đang lên chỉ tăng ì ạch thì chứng khoán Việt Nam, dù có dấu hiệu điều chỉnh trong những phiên gần đây, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 20% kể từ đầu năm và trở thành một trong những thị trường đáng đầu tư nhất châu Á. Nhận định này được đại diện của hầu hết quỹ đầu tư chia sẻ.
Theo đó, VN-Index có thể tăng khoảng 30% vào cuối năm nay, nhờ những chuyển biến về lãi suất thời gian qua.
Trả lời báo chí, chuyên gia David Roes - CEO của Quỹ quản lý đầu tư ASEAN cho biết: "Những thông tin được công bố trong đại hội thường niên vừa qua khiến chúng tôi phải nhìn nhận và đánh giá lại tốc độ tăng trưởng lãi của các công ty Việt Nam. Lãi suất hạ sẽ góp phần giảm chi phí và giúp lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 65% trong 3 năm tới".
Quỹ đầu tư ngoại tỏ ra lạc quan với triển vọng chứng khoán của Việt Nam
Chuyên gia Roes cũng tin rằng trong 3 năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực ASEAN với mức tăng 20-30% như hiện nay. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Thái Lan và Indonesia chỉ lần lượt tăng 12% và 1,4% trong năm qua. Chỉ số MSCI của các thị trường chứng khoán đang lên lại sụt 1,2%.
Theo Kevin Snowball, CEO của Quỹ quản lý tài sản PXP Vietnam Asset, khi lãi suất tiết kiệm giảm và giá nhà đất tại Việt Nam tăng cao, ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ đổ tiền vào chứng khoán và thị trường này đang dần lấy lại sức hấp dẫn.
Vị này còn khẳng định, ông đã nhìn thấy một dòng tiền lớn từ đầu tư vàng đang chảy mạnh vào chứng khoán cho dù tại Việt Nam vàng vẫn được xem là một kênh đầu tư truyền thống. Tuy nhiên, Kevin cho rằng, những diễn biến không có lợi của giá vàng gần đây khiến nhà đầu tư quay lưng với kim loại quý này.
Lý giải cho những nhận định lạc quan về thị trường Việt Nam, CNBC cho rằng đây là kết quả của những thay đổi và cải thiện đáng kể về các yếu tố vĩ mô. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ hợp lý với việc ổn định đồng nội tệ cũng góp phần giúp chứng khoán khởi sắc.
Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã qua thời khắc khó khăn nhất.
Bình luận về ý kiến này, một chuyên gia chứng khoán độc lập tại TP HCM thừa nhận: "Quả thật, có thể nói nền kinh tế đã qua đáy nhưng đó là nếu xét đến các yếu tố vĩ mô với những sự cải thiện đáng kể về lãi suất, chính sách thuế... như vừa qua. Còn nếu nói về các yếu tố vi mô, doanh nghiệp hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn".
Một trong những lý do khiến các quỹ ngoại lạc quan với triển vọng chứng khoán Việt Nam theo CNBC còn là ở chi phí vốn rẻ. Mark Mobius - chuyên gia của Templeton Emerging Markets Group phân tích: "Giá cổ phiếu hiện nay rất rẻ và chúng tôi cho rằng chúng sẽ còn rẻ hơn nữa. Đó là lý do tại sao các quỹ đầu tư ngoại như chúng tôi vẫn khoái đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Hiện tính thanh khoản của thị trường này chưa cao. Do đó, bất kể dòng tiền nào được đổ vào đây sẽ tạo nên sự khác biệt".
Tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải - lại cho rằng, nhận định trên của các quỹ ngoại có phần hơi lạc quan và cần làm rõ chứng khoán Việt Nam sẽ dẫn đầu về chất lượng công ty, về tính thanh khoản hay về giá cổ phiếu.
Ông Alan Phan thẳng thắn: "Theo tôi, trong 2-3 năm tới, nếu không có sự thay đổi thì thị trường chứng khoán Việt vẫn lình xình như hiện nay". Theo người đứng đầu quỹ đầu tư tại Hong Kong và Thượng Hải, không nên lấy giá rẻ là một ưu điểm. Ông lý giải: "Cổ phiếu rẻ không có nghĩa lý gì hết, quan trọng là chất lượng và chúng có sinh lời hay không".