Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột: Có sân nhưng thiếu cầu thủ!
Thứ năm, 28/06/2012, 07:08
Mục đích là gia tăng giá trị cho nông dân trồng cà phê Dăk Lăk nhưng từ khi chính thức hoạt động (cuối năm 2008) cho đến nay, trung tâm Giao dịch càphê Buôn Ma Thuột hầu như vắng bóng nông dân.
Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột luôn trong tình trạng vắng hoe, và cổng chính luôn đóng.
Rắc rối luật chơi
Trong vụ mùa cà phê năm 2011 – 2012, ông Nguyễn Văn Sinh, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Dăk Lăk cho biết: theo thông báo của sở Công thương, lượng hàng giao dịch tại sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ước chừng 1.000 tấn, chỉ bằng 1/200 sản lượng cà phê của riêng tỉnh Dăk Lăk. Lượng hàng giao dịch trên cũng chỉ bằng sản lượng thu mua của một đại lý.
Theo quy định của sàn, muốn tham gia sàn, hàng hoá phải được các chuyên gia kỹ thuật của chi nhánh công ty giám định hàng hoá nông sản xuất khẩu tại Dăk Lăk (viết tắt là Café Control) thực hiện việc kiểm định chất lượng, phẩm cấp, chủng loại cà phê, sau đó cấp chứng thư hàng gửi kho. Nếu chốt được giá, chủ hàng mới xuất lệnh giao dịch.
Nông dân vốn chỉ quen với cách mua bán “xem hàng, chốt giá ngay tại chỗ”, và họ không chỉ thiếu hiểu biết về kỹ thuật giao dịch qua mạng. Trong trường hợp muốn bán hàng qua sàn, nông dân phải chở cà phê về sàn, tiếp tới phải qua các khâu kỹ thuật bắt buộc, rồi chờ có khách hàng mua mới chốt giá bán…
Nhiều nông dân tại thị xã Buôn Hồ, vựa cà phê lớn của Dăk Lăk cho biết, có nghe nói đến cách mua bán qua sàn nhưng qua tính toán, chỉ riêng tiền chở cà phê từ Buôn Hồ về Buôn Ma Thuột đã tốn khoảng 120.000đ/tấn, lại thêm chi phí ăn ở trong thời gian chờ chốt giá. “Chúng tôi có biết gì đâu mà đặt lệnh, chốt giá bán. Có cao hơn vài ba giá nhưng phức tạp nên không tham gia. Nếu cần tiền, cứ kêu đại lý là xong. Cân xong lấy tiền”, ông Trần Đức Thiện ở thị xã Buôn Hồ nói.
Vừa làm vừa học
Mục đích của trung tâm là giúp nông dân bán hàng được giá tốt nhất, tránh rủi ro khi bán hàng. Nhưng ông Võ Thanh Châu, phó giám đốc trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột thừa nhận: “Trên thực tế, còn nhiều khó khăn, nhất là khả năng giao dịch của nông dân”.
Cũng theo lời ông Châu, cách thức mua bán mặt hàng cà phê trên sàn còn quá mới nên cả nhà tổ chức và khách hàng còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc trong giao dịch. “Hoạt động đã bốn năm nhưng hiện nay vẫn vừa làm vừa học vì đây là mô hình giao dịch mới. Cả chúng tôi và khách hàng còn thiếu kiến thức về sàn giao dịch nông sản”, ông Châu thừa nhận.
“Trung tâm nên tổ chức những điểm đấu giá tại các vùng nguyên liệu lớn như Krông Năng, EaH’Leo, Buôn Hồ… Hàng hoá mua được tại những điểm này sẽ do người mua tự xử lý. Ngoài ra, nên có những chợ đấu giá nông sản theo hình thức đấu giá trực tiếp như mô hình chợ phiên ngày xưa, doanh nghiệp thu mua sẽ đấu giá trực tiếp hàng hoá của nông dân”, ông Nguyễn Văn Sinh gợi ý.