Petrolimex được rót thêm vốn vào PG Bank

Thứ sáu, 29/06/2012, 06:12
Sau gần nửa năm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức được rót thêm vốn vào Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
 
>>
Từ tiết lộ bất ngờ của Petrolimex: Tại sao phải cho tạm nhập tái xuất xăng, dầu?
>> Petrolimex trần tình về khoản tiền bị coi là nợ thuế
>> Petrolimex bị truy thu thuế hơn 28 tỷ đồng
>> Chính phủ tăng cổ phần bán đấu giá ra ngoài của Petrolimex

Theo thông báo của PG Bank, ngày 16/7 tới là hạn cuối để các cổ đông nộp tiền mua cổ phần tăng vốn điều lệ.

Điểm đáng chú ý là việc nộp tiền này đã kéo dài suốt 6 tháng qua do vướng mắc về kế hoạch tiếp tục tham gia góp vốn của cổ đông lớn là Petrolimex.

Cụ thể, ngày 22/12/2011, Ủy ban Chứng khoán đã có giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho PG Bank. Ngân hàng này đã thông báo về việc tăng vốn tới các cổ đông và thực hiện việc nộp tiền ngày 30/12/2011.

 

Nếu giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 40% ứng vốn mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, lượng vốn Petrolimex rót vào PG Bank là 1.200 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

Tuy nhiên, việc tiếp tục tham gia góp vốn của Petrolimex, cổ đông đang nắm 40% cổ phần PG Bank, chưa thể thực hiện được do phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trở ngại này liên quan đến chủ trương hạn chế các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành.

Vì lý do trên, hầu hết các cổ đông khác cũng chưa thực hiện nộp tiền mua cổ phần tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng theo thông báo trên.

Đến ngày 16/5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ mới có công văn thông báo Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Petrolimex tiếp tục duy trì tối đa tỷ lệ góp vốn đang nắm giữ là 40% và được tiếp tục mua cổ phần của PG Bank trong đợt tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng.

Sau sự chấp thuận trên, Ủy ban Chứng khoán cũng đã có văn bản cho gia hạn thời gian nộp tiền góp vốn của cổ đông PG Bank đến hết ngày 30/7/2012. Còn theo nghị quyết của Hội đồng Quản trị PG Bank, hạn cuối là ngày 16/7/2012.

Như vậy, nếu thực hiện đùng thời hạn trên, phải sau nửa năm ngân hàng này mới có thể hoàn thành một bước quan trọng trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Đây cũng là mức vốn pháp định các ngân hàng phải đảm bảo tại thời điểm 31/12/2011, vốn đã được nới một năm từ thời hạn 31/12/2010.

Thời hạn nộp tiền tăng vốn 16/7/2012 nói trên cũng là ngày PG Bank thực hiện chi trả cổ tức tạm ứng đợt 1/2012 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 10,38%. Nguồn chi trả cổ tức là từ 205,1 tỷ đồng lợi nhuận 5 tháng 2012 và 39,9 tỷ đồng lợi nhuận còn lại các năm trước.

 

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn