Thời tiền mặt là vua: “Đại gia” cũng khất nợ cổ tức

Thứ sáu, 29/06/2012, 08:17
Khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu, ngoài việc hưởng chênh lệch do mua đi bán lại, nhà đầu tư còn mong muốn nhận được cổ tức nhận  từ công ty ít ra sẽ bằng lãi ngân hàng. Tuy nhiên do tình hình khó khăn hiện tại, việc trả cổ tức lại là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp.  

>> Phận cổ đông, tùy người “bóp, nặn…”!
>> Bí tiền, nhiều doanh nghiệp quyết "lờ" cổ tức
>> Vinamilk chia cổ tức “khủng”
>> Tiền chi cổ tức của ACB dự kiến lớn hơn cả lợi nhuận 9 tháng

Việc HPG lùi thời hạn trả cổ tức không liên quan đến tình trạng tài chính của HPG do cổ tức trả bằng cổ phiếu, SD7, APC nợ cổ tức do thiếu hụt vốn lưu động.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố lùi thời hạn chi trả cổ tức năm 2011 từ Quý II năm 2012 sang 6 tháng cuối năm 2012.
 

Không muốn pha loãng cổ phiếu
 
Nghị quyết của HPG đưa ra là trả cổ tức năm 2011 tỷ lệ 20% nhưng bằng cổ phiếu, do đó việc lùi thời gian trả cổ tức không phải do HPG gặp khó khăn về tiền như các doanh nghiệp khác mà có lẽ vì TTCK thời gian này quá ảm đạm. Việc chốt danh sách thời điểm này đồng nghĩa sẽ có thêm hơn 69.840.000 cổ phiếu HPG sẽ được niêm yết bổ sung và làm pha loãng giá cổ phiếu thời điểm này.
 
Cơ cấu nguồn tiền của HPG hiện vẫn khá ổn định, tính đến 31/3/2012, HPG có gần 720 tỷ tiền và tương đương tiền, vốn lưu động khoảng hơn 3.000 tỷ.
 
 
Tiền và tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn của HPG tại 31/3/2012

Tuy nhiên, danh sách “nợ”cổ tức của các doanh nghiệp khác lại đa phần do chưa cơ cấu được nguồn tiền hoặc do chưa đòi được nợ đối tác như: PTL (CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí PVC), APC (CTCP Chiếu xạ An Phú), MEC (CTCP Someco Sông Đà), TXM (CTCP Vicem Thạch cao Xi măng), SD7 (CTCP Sông Đà 7), MCF (CTCP Xây lắp Cơ khí và Lương thực Thực phẩm), CTN trong đó, SD7 sau 2 lần lùi thời gian trả cổ tức đành kéo dài hẳn…nửa năm.
 

Nợ cổ tức do thiếu hụt vốn lưu động
 
Trong danh sách các công ty lùi thời hạn trả cổ tức, có 2 doanh nghiệp bị hụt vốn lưu động (nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn) là SD7 và APC.
 
SD7 chốt danh sách từ tháng 2/2012, trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 16%, thời gian thanh toán lần đầu dự kiến ngày 26/03/2012, sau đó dời sang 29/6. Tuy nhiên mới đây SD7 lại lùi thời hạn trả cổ tức đến nửa năm, dự kiến ngày 28/12 mới trả do việc thu hồi tiền bán hàng, thu hồi công nợ tại các công trình Công ty tham gia thi công không thực hiện được theo đúng kế hoạch nên Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
 
Tại thời điểm 31/3/2012, nợ ngắn hạn của SD7 vượt tài sản ngắn hạn 154 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 25,4 tỷ đồng, trong đó nếu phải trả cổ tức (đúng hạn) thì khoản tiền chi ra là 14,4 tỷ. Có lẽ do thiếu hụt vốn lưu động nên thời điểm này SD7 bắt buộc phải lùi thời hạn thanh toán cổ tức.
 
Đối với APC, công ty trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10% bằng tiền mặt (tương đương 11 tỷ đồng), tuy nhiên tại thời điểm 31/3/2012, tiền và các khoản tương đương tiền của APC còn lại 5,64 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 47,3 tỷ, vượt quá tài sản ngắn hạn 7,6 tỷ. Do thiếu hụt vốn lưu động nên APC đã thông báo chia việc thanh toán cổ tức cho cổ đông làm 2 đợt, đợt 1 trả 5% (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng) vào ngày 25/6/2012 và đợt 2 trả nốt 5% còn lại sau 3 tháng vào ngày 25/9.
 

Nợ cổ tức do chưa đòi được khách hàng
 
Đối với PTL, công ty chốt danh sách trả cổ tức năm 2011 bằng tiền mặt tỷ lệ 4%/cp (tương đương phải trả 39,54 tỷ đồng) vào tháng 12/2011, thời gian thực hiện dự kiến tháng 2/2012. Sau đó, PTL lại lùi thời gian lần đầu xuống 20/6 và tiếp tục lùi lần 2 đến 20/9/2012 mới thanh toán cho nhà đầu tư.
 
Theo PTL, do một số khoản nợ khách hàng chuyển trả cho Công ty chưa về tài khoản kịp thời như cam kết của khách hàng nên Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.

Tại thời điểm 31/3/2011, tài sản ngắn hạn của PTL đạt 1.900 tỷ đồng nhưng trong đó hơn 1.500 tỷ là hàng tồn kho, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn lại 52,7 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 1.154 tỷ đồng do đó PTL sẽ gặp khó khăn nếu trả cổ tức 39,5 tỷ đồng cho cổ đông.

 
Đối với MEC, công ty điều chỉnh thời gian trả cổ tức năm 2010 bằng tiền tỷ lệ 15% từ 20/6/2012 xuống 02/10/2012 do một số khoản nợ khách hàng chuyển trả cho công ty chưa về tài khoản theo như cam kết của khách hàng nên Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Năm 2011 tỷ lệ cổ tức được đưa ra là 9% bằng tiền mặt.
 
Hết quý I/2012, vốn lưu động của MEC gần như “về mo”, tài sản ngắn hạn của công ty là 498,47 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn là 497,39 tỷ, tiền và các khoản tương đương tiền là 16 tỷ đồng, trong khi nếu trả cổ tức cho cổ đông (cổ tức của năm 2010, năm 2011 chưa trả) thì công ty sẽ phải “xuất quỹ” 10,5 tỷ đồng.
 
TXM điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2011 bằng tiền tỷ lệ 3% (2,1 tỷ đồng) lần thứ 2 từ ngày 31/05/2012 sang ngày 31/08/2012 do hiện nay Công ty chưa có nguồn chi trả vì đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi công nợ từ bán thạch cao do khách hàng (là các công ty sản xuất xi măng) gặp khó khăn trong tiêu thụ xi măng từ nhiều tháng nay.
 
Trước đó, lý do TXM đưa ra là chưa thu hồi được vốn đầu tư Dự án Trạm nghiền Xi măng Quảng Trị đã chuyển nhượng cho CTCP Xi măng Vicem Bỉm Sơn.
 
MCF lùi ngày thanh toán cổ tức năm 2010 bằng tiền tỷ lệ 4,96%/cp thêm 3 tháng từ ngày 20/6 sang ngày 2/10/2012. Lý do điều chỉnh do một số khoản nợ khách hàng chuyển trả cho Công ty chưa về tài khoản theo như cam kết của khách hàng nên Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.
 
CTN giãn thời gian thanh toán cổ tức năm 2010 tỷ lệ 8% lần thứ 2 từ 28/06/2012 sang 12/07/2012 do Công ty đang tập trung nguồn vốn cho một số dự án trọng điểm nên nguồn tiền Công ty dự định dùng để chi trả cổ tức bị chậm so với kế hoạch.
 
Nếu theo kế hoạch, CTN sẽ phải trả cổ đông tiền cổ tức là 5,5 tỷ đồng, tuy nhiên tại thời điểm 31/3/2012, CTG chỉ còn lại 3,63 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tài sản ngắn hạn của công ty đạt 548 tỷ nhưng các khoản phải thu là 319 tỷ và hàng tồn kho là 214 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn là 140 tỷ đồng.
 
Kết luận
 
Vấn đề cổ tức luôn là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp. Nhà đầu tư khi bỏ vốn mua cổ phiếu, do tình hình TTCK ảm đạm nên mong muốn cổ tức nhận được từ công ty ít ra sẽ bằng lãi ngân hàng. Tuy nhiên do tình hình khó khăn hiện tại, việc cân nhắc trả cổ tức tỷ lệ bao nhiêu, bằng cổ phiếu hay bằng tiền luôn là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp.
 
Nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông sẽ không chấp nhận bởi hiện tại giá cổ phiếu xuống thấp, việc pha loãng cổ phiếu không hấp dẫn NĐT như thời điểm năm 2007 hay 2008.
 
Nếu trả cổ tức bằng tiền cao, doanh nghiệp sẽ thiếu hụt vốn lưu động, trong khi vẫn phải đang đi vay lãi suất ngân hàng 18-20%/năm thì khả năng doanh nghiệp nợ cổ tức của cổ đông sẽ là tình trạng phổ biến diễn ra trong thời gian này. Một số doanh nghiệp đặt kế hoạch trả cổ tức năm 2011 khá cao, 15-20% nhưng kết thúc năm bị lỗ, HĐQT đã xin ý kiến cổ đông không trả cổ tức hoặc nếu lãi ít sẽ chuyển phần thặng dư sang năm sau.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn