Vốn vay lãi suất thấp: Có thật, hay chiêu đánh bóng tên tuổi?

Thứ sáu, 29/06/2012, 10:32
Câu chuyện Eximbank tung ra chương trình cho vay tiền đồng với lãi suất chỉ còn 7%/năm tiếp tục thổi bùng mối hoài nghi về khả năng thực tế tiếp cận nguồn vốn giá rẻ được các ngân hàng ồ ạt tung ra thời gian qua và phải chăng, đây chỉ là chiêu thức đánh bóng tên tuổi của các nhà băng?
Điểm mặt tín dụng ưu đãi

Để giải đáp mối hoài nghi này, con số vốn giải ngân thực tế cho khách hàng tại các ngân hàng sẽ là một câu trả lời ngắn gọn và chuẩn xác nhất.

Xin được bắt đầu với câu chuyện lãi vay 7% của Eximbank. Sử dụng nghiệp vụ chuyển đổi ngoại tệ để cho vay, Eximbank từ hai tuần nay bắt đầu cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) được vay vốn VND lãi suất chỉ còn 7%/năm kèm theo một thỏa thuận về bù đắp biến động tỉ giá. Cụ thể khi có biến động tỉ giá VND/USD, người vay đến hạn thanh toán chỉ phải trả lãi vay theo tỉ giá tối đa không vượt quá 3% so với tỉ giá tại thời điểm giải ngân. Phần vượt trên mức 3% này sẽ do Eximbank chịu rủi ro thay cho khách hàng.

 
Với mức lãi suất cho vay thậm chí còn thấp hơn cả trần lãi suất huy động ngắn hạn (tối đa 9%/năm), chương trình cho vay của Eximbank ngay lập tức gặp phải nhiều hoài nghi về khả năng tiếp cận thực tế và thậm chí xuất hiện một vài chỉ trích về việc nhà băng này đang lách luật cho vay ngoại tệ. Song chỉ sau một tuần triển khai cho vay lãi suất 7%, lượng vốn giải ngân của Eximbank đạt tới 1.200 tỉ đồng.
 

Nhiều NHTM đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn mặt bằng thị trường

Đến đầu tuần này, con số giải ngân được nâng lên 1.500 tỉ đồng và cho đến hết ngày 27.6, số liệu được Eximbank công bố ngày 28.6 cho thấy có 234 khách hàng vay được gần 2.700 tỉ đồng. Trong số này có 35 khách hàng cá nhân và 199 khách hàng DN. Với kỳ vọng biến động tỉ giá được giữ không quá 3% trong suốt cả năm 2012, khả năng tỉ giá biến động ở mức này trong 1-2 tháng tới là rất khó và đây là cơ sở để khách hàng chỉ phải trả lãi suát 7%/năm khi vay kỳ hạn ngắn.

Thực tế trước khi Eximbank tung ra gói cho vay nói trên, hàng loạt NHTM từ rất sớm đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn nhiều mặt bằng thị trường. Vietcombank tuần qua cho biết vừa hoàn tất giải ngân hơn 2.000 tỉ đồng hỗ trợ các DN để tạm trữ thóc, gạo và ổn định nguồn hàng cho xuất khẩu; đồng thời triển khai hỗ trợ 9.000 tỉ đồng và 269,3 triệu USD cho vay sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu.

Nhà băng này hiện cũng đang cho vay 2.000 tỉ đồng phục vụ kinh doanh, mua và sửa chữa nhà với lãi suất 12%/năm. Nhờ một loạt các gói tín dụng hỗ trợ DN, kinh tế hộ gia đình và cá nhân, dư nợ tín dụng của Vietcombank đến hết tháng 6.2012 ước đạt hơn 215.000 tỉ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2011.

Trong lúc đó, hàng loạt nhóm khách hàng thuộc đối tượng ưu tiên và trong chương trình nhà ở thu nhập thấp hiện có thể vay vốn tại BIDV với lãi suất 12%/năm. Đáng lưu ý, NH này còn dành tới 4.000 tỉ đồng cho khách hàng vay vốn mua nhà với lãi suất 12%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên. Dù chưa có số liệu thống kê chi tiết song với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi, giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho DN vay vốn, tổng dư nợ của BIDV tính đến ngày 31.5 tăng tới 8,39% so với đầu năm.

Trong bối cảnh tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng vừa vượt qua mức tăng trưởng âm, BIDV hiện là NH có mức tăng trưởng dư nợ thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống.

Ngân hàng sụt giảm lợi nhuận

Thực tế, việc phải điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay của các NH xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thị trường và đây cũng là cách các nhà băng tự cứu mình. Dù rằng các đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa và gắn liền với sự sụt giảm lợi nhuận của chính các nhà băng.

Theo tính toán của Agribank, chỉ riêng đợt điều chỉnh giảm 1,5% lãi suất cho vay trong tháng 2.2012 đã làm giảm lợi nhuận của NH khoảng 1.300 tỉ đồng. Đến đợt điều chỉnh giảm trong tháng 3.2012 tiếp tục làm giảm lợi nhuận của Agribank khoảng 639 tỉ đồng. Chưa kể việc giảm lãi suất đối với các hợp đồng cũ cũng làm giảm lợi nhuận của Agribank xấp xỉ 2.000 tỉ đồng. “Như vậy, chỉ qua 3 lần giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận của Agribank đã giảm luỹ kế xấp xỉ 4.000 tỉ đồng” – một lãnh đạo của Agribank cho hay.

 
Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích