Bí ẩn báo cáo thua lỗ của chứng khoán Sacombank

Thứ sáu, 29/06/2012, 13:24
Vay nợ và đầu tư tài chính thiếu thận trọng, tự doanh quá lớn đã đẩy SBS từ một công ty chứng khoán đình đám tới chỗ thua lỗ với con số không ai theo kịp, thậm chí ở ranh giới phá sản, nguy cơ hủy niêm yết.
 
Giới đầu tư những ngày qua thực sự sốc khi Công ty chứng khoán Sacombank công bố kết quả kinh doanh 2011.

Từ một công ty ăn nên làm ra với mức lãi hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng giai đoạn 2007-2010, đã quay ngoắt 180 độ trong năm 2011, lỗ tới 788 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được công ty đưa ra là chi phí lãi vay và dự phòng quá cao, gần 1.000 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ đạt 953,28 tỷ đồng. Nếu tính gộp toàn bộ lãi SBS làm ra từ 2007 đến 2010 cũng chỉ bằng hai phần ba khoản thua lỗ của năm 2011.

 
Đây cũng là công ty niêm yết duy nhất trên thị trường thua lỗ nặng nề như thế. Chỉ mới một năm trước đó, công ty này vẫn lãi 101 tỷ đồng và được xếp ở "chiếu trên" cùng những công ty chứng khoán có thị phần cao trên sàn chứng khoán.
 
Sang quý I/2012, SBS tiếp tục thua lỗ tới 3 con số, đưa mức lỗ lũy kế hơn 1.400 tỷ đồng. Như vậy, nếu so sánh với vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng, SBS đã không còn một đồng vốn nào.

Từ quý II, công ty đặt mục tiêu giảm bớt lỗ chỉ còn 9 tỷ đồng và bắt đầu từ quý III sẽ có lãi. Dự kiến cả năm chỉ còn lỗ 663 tỷ.
 
Cổ phiếu SBS có khả năng bị hủy niêm yết trong thời gian tới.

Nhiều người nghi ngờ ban lãnh đạo đã cố tình giấu lỗ nên khi không thể giấu được nữa, số lỗ mới nặng đến vậy.

Trao đổi với PV, một chuyên gia chứng khoán giấu tên tại TP HCM cho biết: "Có gì đó mờ ám trong sự việc này mà nhà đầu tư chưa biết được, bởi tại sao lại đột ngột lỗ quá lớn. Khả năng lãnh đạo SBS đã cố tình ém nhẹm việc làm ăn thua lỗ cũng nên được đưa ra".

 
Những bất ổn trong hoạt động kinh doanh bộc lộ từ năm 2009 khi SBS vay nợ lớn. Đây cũng là thời điểm công ty liên tục phát hành trái phiếu riêng lẻ để có vốn. Năm 2010, cơ cấu tài sản của SBS rủi ro cao độ khi khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 83% trong tài sản ngắn hạn.
 
Dấu mốc tệ nhất sau gần 7 năm hoạt động của SBS chính là khi ngân hàng mẹ Sacombank giảm tỷ lệ sở hữu từ 56,4% xuống còn 11% vào năm 2011, ngay thời điểm thị trường chứng khoán khó khăn, giá cổ phiếu tuột dốc. Việc giảm tỷ lệ sở hữu ở công ty con đã được Sacombank lên tiếng trước đó. Tuy nhiên, giảm mạnh mức nắm giữ xuống còn 11% khiến thị trường sốc, vì trước đó chủ trương của ngân hàng mẹ chỉ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 50%.
 
Cựu Chủ tịch SBS Nguyễn Hồ Nam từng thừa nhận: "Giữa năm 2011, SBS đi vào khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ phá sản đến 60-70%".
 
Tháng 3/2012, SBS phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và tuyên bố thanh toán hết nợ, tiền mặt còn dư 600 tỷ và gửi ngân hàng. Đây là nguồn duy nhất hiện nay hỗ trợ hoạt động của công ty. Tuy nhiên, việc chuyển đổi trái phiếu còn phải chờ Ngân hàng Nhà nước xét duyệt vì theo quy định một tổ chức tín dụng không được đầu tư quá 11% vốn của một công ty. Nếu không được chấp thuận, SBS phải trả lại tiền cho Sacombank.
 
Nhìn thực trạng công ty hiện tại, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT SBS, nguyên là Vụ trưởng Vụ các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang kiểm toán lại toàn bộ để xác định nguyên nhân thua lỗ do đâu. "Không loại trừ khả năng hủy niêm yết cổ phiếu này", ông khẳng định.
 
Thời gian qua, SBS phải bán bớt các danh mục, đặc biệt là thanh toán hết các danh mục đầu tư tài chính để dồn tiền trả nợ . Chính vì thế, hiện tổng tài sản của công ty còn khoảng trên 1.700 tỷ đồng so với gần 9.000 tỷ đồng hồi đầu năm 2011. Hàng loạt chi nhánh đã phải đóng cửa, nhân sự xáo trộn mạnh. Nếm trái đắng từ thua lỗ tự doanh nên năm nay công ty tuyên bố hạn chế tối đa khoản đầu tư này.
 
Chưa hết sốc với những khoản lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này, vào giữa tháng 6, dàn lãnh đạo cao cấp của SBS gần như thay đổi toàn bộ. Đại hội cổ đông miễn nhiệm 4 trong 5 thành viên HĐQT.
 
Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam - người gắn bó với công ty từ những ngày đầu đã từ nhiệm ở thời điểm công ty đối mặt với vô vàn khó khăn. Nguyên Vụ trưởng Vụ các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Thành viên HĐQT độc lập Sacombank Kiều Hữu Dũng tiếp quản vị trí Chủ tịch. Tân tổng giám đốc của SBS là ông Võ Duy Đạo, người từng là Phó tổng giám đốc Chứng khoán Rồng Việt.
 
Song hành cùng những biến cố tại SBS, giá cổ phiếu công ty này lao dốc mạnh, đặc biệt là năm 2011. Đầu năm, cổ phiếu này 33.000 đồng nhưng cuối năm chưa tới 5.000 đồng. Nhiều nhà đầu tư đã gom cổ phiếu SBS trên 30.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay số tiền đầu tư của họ có nguy cơ mất trắng bởi giá cổ phiếu SBS giờ còn không bằng số lẻ 5.000 đồng của giá mua trước đây.
 
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng cần thiết phải đặt ra vấn đề về đạo đức của người tham gia thị trường. Theo ông, lãnh đạo không thể cầm hàng nghìn tỷ đồng của cổ đông, nhà đầu tư rồi quăng vào đâu đó và giờ chỉ nói là thua lỗ là xong, trách nhiệm kiểm toán, kiểm soát ở đâu. "Đúng ra khi thấy dấu hiệu bất thường họ phải can thiệp rồi, bây giờ mới nói thì quá muộn", vị chuyên gia này bức xúc.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích