Cước vận tải vẫn "bất động" khi giá xăng dầu đã giảm
Thứ sáu, 29/06/2012, 07:57
Giá xăng dầu đã giảm lần thứ tư liên tiếp với tổng mức giảm 2.600 đ/lít, nghĩa là chỉ kém đợt tăng giá hồi tháng 3, 4 vừa qua 400 đ/lít, thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có động thái giảm giá cước.
Lý do các doanh nghiệp này đưa ra là vì: Giá xăng, dầu có giảm nhưng mức giảm vẫn còn ít, cộng với các yếu tố khác như tiền lương nhân viên, phí bến bãi, dịch vụ… đều tăng nên chưa thể giảm giá. Tuy nhiên, có một thực tế là khi giá xăng, dầu tăng thì giá cước vận tải lại tăng ngay.
Vào tháng 3, tháng 4 vừa qua, khi giá xăng, dầu tăng thêm 3000 đồng/lít, công ty TNHH TM vận tải Quê Hương chuyên phục vụ hành khách tuyến TPHCM - Ninh Thuận đã tăng giá cước vận tải từ 130.000 lên 140.000đồng/chuyến, nghĩa là tăng thêm 10.000đồng/chuyến.
Cước vận tải vẫn chưa chịu giảm mặc dù giá xăng đã giảm
Hiện nay, giá xăng, dầu đã giảm 2.600 đồng/lít thì công ty vẫn chưa hề có ý định giảm giá vé. Lý giải về điều này, đại diện công ty cho rằng, dù giá xăng, dầu có giảm nhưng mức độ giảm còn quá ít.
Bà Lê Thị Thu Hạnh, GĐ công ty TNHH vận tải Quê Hương nói: “Khi giá xăng, dầu tăng thì tăng lên 7%, khi giảm thì giảm được 8,2%, nhưng khi giá xăng dầu tăng thì nhiều thứ khác cũng tăng, khiến chi phí tăng theo như lương nhân viên… Cho nên khi giá xăng, dầu giảm, vẫn không đủ để giảm giá cước vận tải”.
Không chỉ công ty Quê Hương, mà nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng không hề giảm giá cước. Bến xe Miền Tây hiện có 130 hãng xe khách đang hoạt động nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp đã giảm giá cước, còn các doanh nghiệp khác thì lại tỏ ra thờ ơ với việc này.
Ông Trần Văn Phương, Phó TGĐ CTCP bến xe Miền Tây cho biết: “Khi xăng tăng, 43/130 doanh nghiệp tăng giá vé, nhưng khi xăng giảm, chỉ có 4/130 doanh nghiệp giảm giá”.
Theo các doanh nghiệp vận tải, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 35 đến 40% chi phí cấu thành nên giá cước, còn nhiều yếu tố khác như tiền lương nhân viên, bến bãi, dịch vụ cũng đều tăng, cho nên chưa thể giảm giá cước được. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM lại cho rằng, lý do trên là không thoả đáng.
Theo ông Nguyễn Tường Minh, Hiệp hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM: “Lý do các hãng xe đưa ra nói rằng, không giảm giá vé do chi phí đầu vào cao là không thoả đáng, bởi vì chúng tôi đã làm những nghiên cứu độc lập và có thể chứng minh rằng, giá cả nói chung đang giảm, nên không thể vin vào việc giá cả tăng để áp đặt cho việc tăng giá của mình”.