Mốc thời gian này được ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex khẳng định tại Cuộc họp tổng kết Vinatex hôm 5/1/2012 tại Hà Nội.
Tổng vốn đầu tư ngoài ngành của Vinatex chiếm 7% trên tổng nguồn vốn nhà nước mà Vinatex sở hữu, chủ yếu được thực hiện trước năm 2000, giai đoạn Vinatex còn hoạt động dưới mô hình Tổng công ty Dệt May Việt Nam.
Cho tới thời điểm này, Vinatex đã hoàn tất việc rút được phần vốn đầu tiên trị giá 30 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB).
Cần phải nói thêm, kế hoạch thoái 30 tỷ đồng vốn đầu tư tại ACB của Vinatex đã từng không thực hiện nổi vào thời điểm giữa năm 2011 do thị trường chứng khoán không thuận lợi.
“So với một số tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, mức đầu tư ngoài ngành của Vinatex rất thấp. Nhiều đơn vị khác có tỷ lệ % nhỏ hơn, nhưng số tiền tuyệt đối lớn hơn nhiều Vinatex. Bởi vậy, việc thực hiện rút dần nguồn vốn của Tập đoàn tại các đơn vị đã đầu tư không gặp nhiều khó khăn”, ông Trường cho biết thêm.
Ngay trong năm nay, Vinatex có kế hoạch thoái hết vốn đầu tư tại 6 ngân hàng còn lại và chỉ còn phần vốn góp tại Công ty cổ phần Chứng khoán Gia Quyền, do tham gia với vai trò là cổ đông sáng lập, nên bắt buộc phải có đủ thời gian theo quy định mới được thoái vốn.
Đại diện của Vinatex cũng cho biết, Vinatex xác định thoái hết vốn ngoài ngành trong thời gian nhanh và khẩn trương nhất. Tuy nhiên, tốc độ nhanh hay chậm cũng còn phụ thuộc vào các trình tự pháp lý của từng doanh nghiệp, ngân hàng cho phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo đề án tái cơ cấu Vinatex vừa được hoàn thành, số vốn đầu tư ngoài ngành rút về sẽ được tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đúng ngành nghề cốt lõi là đầu tư phát triển các dự án dệt, xơ sợi, may mặc xuất khẩu. Các dự án đầu tư phát triển ngành nghề cốt lõi được thực hiện theo chủ trương, nguyên liệu tập trung, gần các khu công nghiệp sản xuất sợi - dệt - nhuộm. Đối với các dự án ngành may sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư phân tán, kết hợp phát triển may gắn liền với công tác xóa đói giảm nghèo.
Vẫn theo ông Trường, Vinatex là đơn vị có số vốn nhà nước nhỏ nhất trong các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 2,4 tỷ USD, gấp 14 lần vốn chủ sở hữu. Xuất siêu đạt 1,3 tỷ USD, gấp 7,6 lần vốn chủ sở hữu, tạo công ăn việc làm ổn định cho 120.000 lao động với thu nhập trung bình 3,9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, mục tiêu của ngành xuất khẩu 15-16 tỷ USD, tăng 12-13% so với 2011, riêng Vinatex đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 14%.
Theo Báo đầu tư