SaigonNews - Năm 2012 dự báo nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khả quan, cùng với những thách thức khó khăn trước mắt của ngành thủy sản Việt Nam, mục tiêu đặt ra kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành này sẽ đạt từ 6,5 – 6,7 tỷ USD, tăng 20- 25% so với năm 2011.
Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,35 triệu tấn, bao gồm khai thác hải sản đạt 2,2 triệu tấn và nuôi trồng thủy sản đạt 3,15 triệu tấn. Tại “Hội nghị Tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2011 và Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỷ USD”, 3 thách thức lớn đã được đề cập đến mà toàn ngành cần phải tập trung giải quyết.Đó là: (1) Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến XK; (2) vấn đề chất lượng VSATTP; và (3) phát triển thị trường.
Trong năm nay, dự báo nguồn nguyên liệu thủy sản nuôi sẽ còn bất ổn, mặc dù dự kiến giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm, người nuôi sẽ mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề vốn, thời tiết, con giống vẫn đang là thách thức lớn cho ngành. Để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, ngoài 2 giải pháp chính là: nâng cao sản lượng, mức độ trong nước và tăng cường nhập khẩu (NK) nguyên liệu thì đầu vào cũng sẽ được bù đắp một phần nhờ hoạt động NK từ các nước phục vụ cho gia công XK, thuế XK thủy sản hiện đang giảm xuống còn 10%, tuy vẫn ở mức cao nhưng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng cường NK nguyên liệu.
Bên cạnh đó, các thị trường NK ngày càng yêu cầu thêm nhiều quy định về VSATTP. Thế nên, đứng trước nan đề này cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, sự chung tay của nông, ngư dân và doanh nghiệp chế biến XK thực hiện các phương pháp như: Thiết lập hệ thống kiểm soát chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ của các tiêu chuẩn, quy phạm, quản lý chất lượng, VSATTP trong tất cả các khâu sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý chất lượng, VSATTP của doanh nghiệp và người nuôi trong chuỗi sản xuất.
Riêng về xu hướng thị trường, mặc dù thủy sản Việt Nam đang có mặt tại hơn 150 quốc gia và cùng lãnh thổ khác nhau trên toàn thế giới , nhưng những biến động kinh tế trong năm 2012 có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng tiêu dùng thủy sản trong tương lai.
Đối diện với cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thận trọng khi xem xét về nhu cầu NK của thị trường này. Còn thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số thị trường Châu Á khác vẫn là điểm đến an toàn và ổn định của các nhà kinh doanh thủy sản. Vì nhu cầu tại những nước này đang gia tăng, điều kiện XK thuận lợi và thanh toán linh hoạt hơn.
Năm 2012, theo định hướng của các cơ quan quản lý và sự linh hoạt của doanh nghiệp thủy sản, sản lượng XK sẽ có sự dịch chuyển cơ cấu theo hướng tăng hàng GTGT, giảm xuất hàng nguyên liệu để tăng giá trị XK trong bối cảnh đầu vào khan hiếm.
Xu hướng XK các mặt hàng chính bao gồm: Cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ đạt mức 1,8 – 2 tỷ USD vì nhu cầu đối với sản phẩm có giá hợp lý, chất lượng tốt vẫn cao, chi phí sản xuất có thể sẽ giảm vì dự báo giá thức ăn cá giảm, sản xuất con giống sẽ được cải thiện… Sản xuất tôm XK có chiều hướng tăng mạnh đối với tôm chân trắng và duy trì ổn định mặt hàng tôm sú. Dự báo XK tôm sẽ đạt 2,5 tỷ USD. Và tính chung, XK hải sản dự báo sẽ đạt khoảng 2 tỷ với nguồn nguyên liệu từ khai thác và NK.