Sau Tết, cửa hẹp với tín dụng cho BĐS

Thứ ba, 10/01/2012, 16:31
Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau Tết, cửa vẫn hẹp với tín dụng bất động sàn(BĐS). Sẽ chỉ có một số phân khúc BĐS được chính sách tiền tệ ưu ái hơn trong năm 2012.


 

Ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia, kinh tế cao cấp của WorldBank

Nguồn vốn của các DN BĐS đại bộ phận dựa vào hệ thống ngân hàng, vì thế,   trong sự khó khăn của thị trường hiện nay, rất nhiều ý kiến cho rằng cần nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, bối cảnh khó khăn buộc chúng ta phải có sự đánh đổi, hoặc là ổn định kinh tế vĩ mô hoặc nới lỏng tín dụng để cứu DN. Tôi cho rằng, có thể nới tín dụng nhưng cần có sự chọn lọc, nên chọn DN thực sự cần vốn và có khả năng sử dụng đồng vốn đó một cách hiệu quả, chứ không nên hỗ trợ dàn trải.

Việc giảm lãi suất theo những mệnh lệnh hành chính theo tôi khó thực hiện được. Cứ nhìn vào việc Ngân hàng Nhà nước đặt mức trần lãi suất huy động 14%/năm rất lâu mà lãi suất cho vay không hạ, thậm chí cuối năm, lại có chuyện lách trần lãi suất để huy động, sẽ thấy không thể thực hiện hạ lãi suất bằng mệnh lệnh hành chính.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên hạ lãi suất để tăng cung hàng hóa giá rẻ ra thị trường, giảm lạm phát. Điều đó có thể phù hợp trong bối cảnh lạm phát do cầu cao hơn cung, nhưng ở Việt Nam, lạm phát có nguyên nhân là kinh tế tăng trưởng quá nóng nên phải hạ nhiệt nền kinh tế trước đã. Điều này có nghĩa là không thể nới lỏng tiền tệ, tất nhiên DN BĐS nói riêng và DN nói chung vì lợi ích của mình đều muốn giảm lãi suất. Tôi cho rằng, sau Tết lãi suất khó giảm và khó có thể có chính sách tiền tệ thoáng hơn.

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Khối thị trường toàn cầu, HSBC Việt Nam

HSBC vẫn quan tâm đến tín dụng BĐS, song chúng tôi tập trung chủ yếu cho khách hàng cá nhân vay để mua nhà để ở. Họ vay tín chấp, trả dần bằng lương và không mua nhà nhằm mục đích đầu cơ. Với các ngân hàng hiện nay, mỗi khi cho vay, họ nắm chắc phương án để thu hồi, chứ không phải mục đích đẩy mạnh cho vay hay chú trọng vào kiểm tra xem mục đích sử dụng BĐS của khách hàng thế nào.

Ngoài ra, yếu tố tác động rất lớn đến tín dụng BĐS là chi phí vốn quá cao, trong khi sức cầu của thị trường suy giảm. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12% khi trần tăng trưởng lên tới 20%. Lãi suất vay cao quá thì người có nhu cầu cũng không có cơ hội tiếp cận.

Liệu các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có cơ hội cho vay với chi phí thấp hơn các ngân hàng trong nước bởi có nguồn vốn hỗ trợ giá thấp từ ngân hàng mẹ? Câu trả lời là có nhưng không nhiều. Hơn nữa, HSBC cũng chịu quy định về trần tín dụng như các ngân hàng trong nước. Năm 2012, chúng tôi chỉ tập trung cho vay các khách hàng kinh doanh truyền thống như cho vay xuất nhập khẩu và tài trợ tín dụng xuất nhập khẩu.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Năm 2012 sẽ là năm kinh tế tiếp tục khó khăn. Vì thế, với các DN BĐS, cần kiên quyết đẩy nhanh tiến độ các dự án gần hoàn thành. Ngành BĐS nên quay về phương châm “đánh nhỏ, thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc” và đặc biệt, nên điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với cầu thị trường. DN cần chọn mảng thị trường nào có nhu cầu thực sự thì cố gắng thu xếp với ngân hàng để có một phương án sử dụng vốn rõ ràng.

Tôi nghĩ, trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo cung ứng tín dụng BĐS linh hoạt, cụ thể hơn, loại sản phẩm nào có khả năng tiêu thụ, có thị trường tiêu thụ sẽ được vay vốn.

Nếu như năm 2010, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,52% thì năm 2011 chỉ đạt 5,53%, mức thấp nhất từ năm 1994 đến nay. Tuy vậy, một sự nới lỏng tín dụng BĐS rộng rãi, tôi nghĩ là khó xảy ra.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích