TTCK đã có một năm không thể tệ hơn. Khép lại năm 2011 có tới 80% công ty chứng khoán thua lỗ, 20% còn lại có lãi nhưng không hề dễ dàng. Đặc biệt, tại nhiều công ty, doanh thu chủ yếu lại đến từ những nghiệp vụ như: kinh doanh vốn, tư vấn tài chính, tư vấn tái cấu trúc hay tư vấn sát nhập,… Trong khi đó các nghiệp vụ chính của Công ty chứng khóan là môi giới hay tự doanh mang lại tỷ lệ doanh thu nhỏ trong cơ cấu doanh thu hoặc là so với những năm trước đây.
Ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay để có lãi thì CTCK đó phải có hướng đi riêng mình.
Với hướng đi riêng đó thì tình hình kinh doanh của IVS trong năm 2011 như thế nào, thưa ông?
Năm 2011, IVS tập trung vào các nghiệp vụ môi giới, tư vấn và kinh doanh vốn. Tuy nhiên vì thị trường giảm mạnh nên IVS nên kết quả hoạt động kinh doanh năm 2011 của Công ty có lãi, nhưng không nhiều.
Chúng tôi đã nhận thấy khó khăn từ năm ngoái (2010). Rất nhiều nhà phân tích cho rằng năm 2011 chứng khoán sẽ ổn định và hồi phục nhưng thực tế lại ngược lại. Năm vừa qua chúng tôi không đầu tư, chỉ tập trung vào các nghiệp vụ bảo toàn vốn cho Công ty như: Môi giới, kinh doanh vốn, triển khai các hợp đồng tư vấn. Đặc biệt cho đến thời điểm này IVS đã và đang triển khai hơn 200 hợp đồng tư vấn cho SCIC, vì vậy doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu.
Ông có nhận thấy xu hướng năm nay CTCK có lãi đều là các CTCK nhỏ trong khi các CTCK càng lớn thì lỗ nhiều?
Các CTCK lớn cho NĐT sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính với một tỷ lệ ký quỹ quá cao vượt quá quy định, hơn nữa họ cũng tham gia đầu tư nhiều nên khi TTCK giảm liên tục thì các CTCK lớn càng lỗ nhiều.
Đối với các CTCK nhỏ, vì các năm trước cũng đã mất nhiều vốn, nên năm 2011 không còn nhiều vốn nữa, vì vậy họ triển khai các hoạt đông nghiệp vụ cầm chừng nên nên các rủi ro cũng ít đi, đặc biệt có nhiều công ty chứng khoán còn có lãi.
Tuy vậy, năm nay mảng hoạt động đem lại lớn nhất cho các CTCK lại là mảng kinh doanh vốn và dịch vụ tài chính, nhiều CTCK cho nhà đầu tư thực hiện nghiệp vụ ký quỹ với lãi suất hơn 20%, một số CTCK đem gửi vốn tại ngân hàng để lấy lãi và mang lại nguồn thu đáng kể cho các CTCK.
Điều đó đồng nghĩa với việc CTCK càng triển khai thực hiện nghiệp vụ ký quỹ nhiều thì mới hấp dẫn được NĐT?
Không hẳn như vậy, bởi vì trong năm 2011 lãi suất mà các CTCK cho nhà đầu tư thực hiện nghiệp vụ ký quỹ quá cao, nhiều khách hàng cũng nhận thức được rủi ro, vì vậy tại IVS nhiều nhà đầu tư lớn không sử dụng nghiệp vụ ký quỹ này, vì trong tài khoản luôn có tiền mặt lớn.
Thị trường năm 2011, nhà đầu tư càng vay nhiều lại càng “chết” nhiều, hơn nữa cho vay ký quỹ không kiểm soát được rủi ro thì đối với CTCK tiền bị mất sẽ nhiều hơn rất nhiều so với phí môi giới thu được. Nhiều khi phí môi giới được 1 đồng thì tiền mất đến 100 đồng.
Vậy theo ông TTCK năm 2012 sẽ như thế nào?
Theo tôi năm 2012 vẫn sẽ là một năm rất khó khăn. Chúng ta không thể làm ngày một ngày hai để vực dậy lại niềm tin của thị trường. Tiền nhàn rỗi của NĐT không còn nhiều, năm vừa qua NĐT không mất tiền vì chứng khoán, thì cũng mất tiền do đầu tư BĐS, hoặc mạo hiểm cho vay lấy lãi suất cao, cuối cùng cũng bị chủ nợ trốn nợ hoặc không có khả năng trả nợ.
Trong khi đó TTCK quan trọng nhất là dòng tiền, năm nay có thể tín đụng đối với chứng khoán vẫn thắt chặt, bởi vì năm 2011 có nhiều ngân hàng cũng “méo mặt” vì cho vay chứng khoán nên năm nay tôi nghĩ họ sẽ rất thận trọng trong khi triển khai nghiệp vụ này.
Nhưng có ý kiến cho rằng TTCK sẽ hồi phục vào nửa sau năm 2012?
Tôi nghĩ khó khăn sẽ kéo dài cho đến khi nền kinh tế ổn định và phát triển trở lại. TTCK chỉ là tấm gương phản ánh nền kinh tế. Nếu nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh liên tục thua lỗ, lạm phát chưa kiểm soát được, niềm tin nhà đầu tư ngày càng giảm, thì TTCK vẫn chưa hồi phục được.
Còn mốc thời gian 6 tháng, tôi cho rằng từng đó thời gian chưa đủ để cho các doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề khó khăn nội tại của mình, trong khi đó TTCK đang bắt đầu giai đoạn tái cấu trúc, vì vậy khó để cho TTCK hồi phục sau nửa năm 2012.
Quan trọng nhất với thị trường lúc này là dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư, cả hai điều kiện này sẽ rất khó để thực hiện ngay được.
Vậy hướng đi nào cho các CTCK trong năm 2012, thưa ông?
Tôi nghĩ mỗi CTCK nên tự biết được ‘sức khỏe’ của mình để quyết định hướng đi trong thời gian tới. UBCK nên tạo mọi điều kiện cho các CTCK nếu họ quyết định dừng hoạt động một phần hoặc toàn phần, kể cả phá sản.
Có ý kiến cho rằng lãi suất huy động sẽ giảm xuống 10% trong năm 2012 và nếu điều đó xảy ra sẽ là một tin tốt cho TTCK?
Tôi không nghĩ lãi suất cho thể giảm xuống 10% trong 6 tháng tới. Bởi vì ngay từ đầu năm 2012, vẫn có hiện tượng ngân hàng huy động với lãi suất trên 20%, và lãi suất liên ngân hàng cũng đã tăng lên rất cao trong những ngày gần đây.
Vậy năm 2012 chứng khoán còn “cửa sống” không thưa ông?
Năm 2012 được đánh giá là năm rất khó khăn cho các CTCK, nếu việc tái cấu trúc TTCK không giải quyết được những khó khăn và những tồn tại của TTCK hiện nay, thì sẽ làm cho TTCK còn khó khăn hơn rất nhiều, bởi vì TTCK là thị trường của niềm tin, vì vậy trước mắt cần phải khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư.
Cần phải có một cú hích thực sự cho TTCK, các cơ quan quản lý phải triển khai kịp thời các nghiệp vụ mà thị trường đòi hỏi chính đáng. Nước Lào bên cạnh cũng đã triển khai thời gian thanh toán T+2, hay kể cả nghiệp vụ Short –sell (cho vay chứng khoán để bán) cũng nên cho triển khai sớm. Như vậy không thể nói chúng ta không thể làm được, cái chính là có quyết tâm làm hay không.
Theo ông năm 2012 có nhiều trường hợp như SME, Hà Thành bị mất thanh khoản không?
Tôi nghĩ năm 2012 các trường hợp giống như như chứng khóan SME và Hà Thành sẽ ít vì những gì khó khăn trong năm 2011 đối với các CTCK đã phản ánh và bộc lộ gần hết.
Các CTCK trước kia rất hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài nhưng bây giờ không còn nữa, theo ông vì sao?
Theo cam kết hội nhập WTO, đầu năm 2012 sẽ có CTCK 100% vốn nước ngoài được thành lập. Tuy nhiên để một CTCK 100% vốn nước ngoài được thành lập và đi vào hoạt động ở Việt Nam thì phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị nguồn nhân sự, công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng đó là chưa kể đến việc hòa nhập văn hóa kinh doanh.
Theo tôi các CTCK trong nước có thị phần lớn, hoạt động lành mạnh và có kết quả kinh doanh tốt vẫn được NĐT nước ngoài quan tâm.
Xin cảm ơn ông!
Theo TTVN