Nguyên nhân nào khiến Eximbank quyết định bỏ ra số tiền tương đương hơn 15,6% vốn điều lệ để sở hữu 9,6% cổ phần của STB?
Ngày 5/1/2012, Ngân hàng ANZ Việt Nam công bố đã nhận được phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước cho phép bán toàn bộ 9,6% cổ phần tại Sacombank (STB) cho Eximbank (EIB).
Theo ANZ, việc tập trung hơn nữa vào phát triển kinh doanh hữu cơ của ngân hàng và bán toàn bộ 103.256.415 cổ phần tại STB là phù hợp với chiến lược phát triển chung của ANZ tại Việt Nam.
Theo kết quả giao dịch ngày 9/1, Eximbank đã mua xong số lượng cổ phiếu STB của ANZ với giá 16.000 đồng/CP. Như vậy, EIB đã chi một khoản tiền lên tới 1.652,102 tỷ đồng, tương đương hơn 15,6% vốn điều lệ của ngân hàng này để sở hữu 9,6% cổ phần của STB.
Trên TTCK, hoạt động chuyển nhượng cổ phần là bình thường. Tuy nhiên, không ít NĐT đặt câu hỏi, vì sao EIB quyết định bỏ ra một lượng tiền lớn đến như thế để “ôm vào” STB, trong khi một số cổ đông lớn tại STB lần lượt thoái vốn (xem bảng dưới)?
Cổ đông lớn |
Số CP bán ra |
Tỷ lệ nắm giữ |
Thời gian |
Dragon Financial Holdings Limited |
61.104.697 |
6,66% |
04/08-04/10/2011 |
ANZ |
103.256.415 |
9,61% |
9/1-28/2/2012 |
REE |
42.139.266 |
3,924% |
6/1-6/3/2012 |
BHS |
1.442.100 |
1,134% |
5/1- 5/3/2012 |
Các cổ đông EIB cũng thắc mắc, tại sao Eximbank không mua vào cổ phiếu quỹ để đỡ giá cổ phiếu EIB như cách làm của STB, bởi giá cổ phiếu EIB hiện lại đang “rẻ hơn” một cách tương đối so với STB (xem đồ thị), mà EIB lại có kết quả kinh doanh tốt hơn?
Kết thúc năm 2011, STB ước đạt 2.740 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đây cũng là một ngân hàng mạnh trong khối cổ phần khi có vốn chủ sở hữu đạt tới 14.224 tỷ đồng; tổng tài sản đạt khoảng 140.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,56% tổng dư nợ.
EIB cũng có một năm thành công khi có lợi nhuận trước thuế năm 2011 ước đạt 4.056 tỷ đồng. Sự kết hợp giữa 2 ngân hàng này sẽ đem lại sức mạnh gì cho cả 2 trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng đang được tái cấu trúc, nhiều ngân hàng TMCP đang phải sáp nhập?
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc EIB, đây là một hoạt động đầu tư bình thường. EIB cần đa dạng hơn sự phân bổ vốn, thay vì chỉ tập trung cho tín dụng, nhất là sau khi năng lực tài chính của Ngân hàng đã được nâng cao trong hai năm gần đây. Quyết định đầu tư vào cổ phiếu STB được đưa ra trước hết từ định hướng lựa chọn lĩnh vực, bên cạnh đó là EIB đánh giá cao tiềm năng hoạt động và phát triển của STB.
Tại ĐHCĐ diễn ra tháng 4/2011, kế hoạch kinh doanh năm 2011 của EIB đã được thông qua không ghi nhận thông tin nào về việc EIB sẽ đầu tư vào một tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Tuy nhiên, trong báo cáo phương án kế hoạch sử dụng vốn năm 2011, EIB có ghi nhận sẽ tuân thủ đúng các quy định về chỉ tiêu an toàn vốn, trong đó có việc góp vốn vào TCTD không vượt quá 11% vốn điều lệ của TCTD đó.
Theo ĐTCK