TS Lê Thẩm Dương. |
Chính sách tiền tệ năm 2011 được cho là chặt chẽ và linh hoạt. Đây cũng là chính sách được áp dụng trong năm 2012. Xin ông cho một số nhận xét về chính sách của năm vừa rồi.
- Nghị Quyết 11 có 6 luận điểm nòng cốt với 3 giải pháp về thắt chặt tiền tệ. Bởi lạm phát VN có nguyên nhân chủ yếu từ lạm phát tiền tệ, có nghĩa là tiền được bơm ra lưu thông quá nhiều, vì thế giải pháp này về mặt lý thuyết là đúng.
Khi thắt chặt tiền tệ lại thì phải dựa vào thực tế chứ không chỉ dựa vào chủ trương. Đầu tiên là giảm đầu tư công, nhưng việc giảm này đang bị giật cục và giảm không đúng ý đồ. Giảm được 81.500 tỷ, nhưng phần đầu tư thêm tới 270.000 tỷ, có nghĩa là phần đầu tư thêm vẫn còn nhiều lắm. Nhưng đổi lại là mình cũng giảm được rất nhiều công trình mặc dù cũng chưa phải là xuất sắc lắm.
Kế đó, để thắt chặt tiền tệ phải giảm tài khóa lại, tài khóa năm qua đã giảm được còn 4,9%, đây là lần đầu tiên đạt dưới 5% nhưng dù sao vẫn còn rất cao. Theo đó lượng tiền cung ứng và tín dụng giảm xuống. Tín dụng mọi năm trung bình là 30%, năm nay đặt chỉ tiêu là giảm 20% và kết quả cuối năm là tăng trưởng 12%. Có thể nói đây là những hành động rất quyết liệt.
Và trong giai đoạn 2011, chính phủ đã áp dụng các biện pháp hành chính, mà hành chính thì thường không khớp với thị trường làm lộ ra những mặt trái của các công cụ này.
Ví dụ như lãi suất đầu vào 14%, hoàn toàn là hành chính vì theo cơ chế cung cầu thì không phải 14%. Làm cho người dân, doanh nghiệp hay ngân hàng đều phải lách, đầu tiên là lách vượt trần, chặn vượt trần, lách cách tính, chặn cách tính,… Rối là vậy, nhưng nếu đổi sang công cụ thị trường thì không khống chế được chính sách thắt chặt.
Nếu không có công cụ này thì lạm phát năm nay phải là 22 - 24%, thay vì 18,3%. Nhưng mình cũng phải trả giá là sự lộn xộn, quyền lợi nhóm bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, lỗi trong phân bổ dòng vốn cũng là một khuyết điểm trong điều hành. Nguồn tài chính tung ra thì hết 60% tín dụng rơi vào tay doanh nghiệp nhà nước trong khi các doanh nghiệp này là đơn vị hoạt động kém hiệu quả nhất.
Tóm lại vấn đề của năm 2011 là đánh đổi giữa thành công và rắc rối do các biện pháp hành chính gây ra.
Vậy liệu năm 2012 có tiếp tục xảy ra những bất ổn về tiền tệ (chạy đua lãi suất, huy động vượt trần, mệnh lệnh hành chính, không nhất quán các chính sách, lãi suất cho vay tăng cao liên tục…) như năm 2011?
- Nghị quyết 11 chỉ là biện pháp mang tính tình thế trong thời gian ngắn thôi. Thế nhưng nếu sau 8 tháng thực hiện không có kết quả, thời gian áp dụng sẽ dài ra. Như vậy thì đầu 2012 vẫn phải dùng công cụ hành chính. Và dứt khoát sẽ có những lộn xộn do công cụ sinh ra cho đến khi CPI ổn định, thì lúc đó sẽ dùng công cụ thị trường. Dự kiến là tháng 2 tháng 3, nếu chậm là quý 2.
Năm 2012 có mấy điểm khác 2011 thế này:
Thứ nhất, tổng lượng thắt chặt không như năm ngoái, năm nay chủ trương đẩy tín dụng lên 15 – 17% chứ không phải là 12%. Ngân sách sẽ giảm bội chi xuống 4,8% so với 4,9%, coi như cố định ngân sách lại. Đồng thời, năm nay sẽ cắt giảm đầu tư công, ngăn dòng FDI không chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2012 đang trong đà thắng lợi của năm 2011. Do đó, bối cảnh sẽ rất khác.
Thứ hai, năm 2012 là năm của tái cấu trúc cho doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công. Kèm theo đó là độ nới của Chính Phủ cho thị trường chứng khoán (TTCK) và BĐS, vì tái TTCK thì các mặt trận sẽ ổn hơn do các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có khả năng tiếp cận vốn hay là lãi suất đều thuận lợi hơn năm 2011. Cho nên 2012 những bất ổn như chạy đua lãi suất, vượt trần, rối ren trong giải pháp hành chính vẫn sẽ còn, nhưng ở cường độ khác vì rất nhiều yếu tố khác nhau.
Dựa trên cơ sở nào để ông cho rằng chính sách tiền tệ 2012 sẽ ổn định hoặc không ổn định?
- Những con số thực tế đã chứng minh sự thành công của chính sách tiền tệ và tài khóa. Mình thắt về tốc độ tăng trưởng tín dụng có 12%, mà GDP tăng 5,98%, gần 6% hay đơn giản là cứ 2 đồng tín dụng đạt được 1 đồng tăng trưởng. Trong khi mọi năm thì tăng trưởng tín dụng 30%, mà GDP cũng chỉ tăng 6%. Điều đó cho thấy nếu nâng chất lượng đầu tư lên thì chúng ta có thể giải quyết hoàn toàn bài toán thắt chặt tiền tệ mà GDP vẫn tăng. Thắng lợi lớn nhất của năm 2011 là hiệu suất đầu tư cao hơn năm 2010, chứng minh một điều rằng, thắt chặt tiền tệ mà biết cách làm thì cái giá phải đổi không đắt, đắt ở chỗ mình không biết cách làm chứ không phải do chính sách.
Trong việc tái cấu trúc như đã đề cập phía trên thì ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, việc xử lý các doanh nghiệp sai phạm vẫn được đẩy mạnh. Nói tóm lại để đạt được sự ổn định trên thị trường trong năm 2012 thì cần phải tái cấu trúc toàn hệ thống. Kết hợp với việc giải được bài toán làm thế nào để nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất lên, chắc chắn những bất ổn sẽ không xảy ra nữa.
Tình hình kinh tế toàn cầu và riêng Việt Nam trong năm 2011 đã gặp rất nhiều khó khăn và theo dự đoán thì năm 2012 sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức hơn nữa. Thế nhưng với các bước đi vững chắc như hiện nay như CPI giảm liên tục trong những tháng cuối năm, tỷ giá và lãi suất giữ được sự ổn định cần thiết thì năm 2012, việc thực hiện ổn định, phát triển kinh tế sẽ được tiến hành chuyên nghiệp hơn.
Theo nhìn nhận của ông, thị trường lãi suất năm 2012 sẽ diễn biến như thế nào?
- Định hướng của NHNN về lãi suất năm 2012 sẽ cố gắng giảm xuống 10% và cho vay ở mức 13 – 15%. Cơ hội để giảm lãi suất là hoàn toàn có thể khi mà chúng ta đã đánh đổi 8 tháng đầu năm để thực hiện thắt chặt tiền tệ, hệ lụy kéo theo rất nhiều vấn đề bất ổn, nhưng kết quả 4 tháng vừa qua là CPI giảm đáng kể. Nhưng lãi suất thì chưa thể giảm ngay được vì lạm phát kỳ vọng trong suy nghĩ của người dân còn cao và họ tin rằng với đà này thì 3 tháng nữa CPI sẽ còn 10%.
Với bối cảnh đang thực hiện việc sáp nhập ngân hàng, thanh khoản kém và lạm phát kì vọng thì trong ngắn hạn, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc nhiều vào biến động. Trong suốt quá trình hoạt động sẽ có những điểm dừng kỹ thuật mà tại đó nó đạt được yếu tố thuận lợi là người ta sẽ làm.
Về cơ sở để hạ lãi suất là có rồi, vấn đề là chọn thời điểm nào mới khôn ngoan. Theo tôi, ngay bây giờ là thời điểm tuyệt vời rồi, nhưng mà còn vướng những yếu tố trên, nên chưa thể hạ lãi suất được. Bây giờ chỉ cần thêm 1 tháng hoặc 2 tháng nữa thôi mà CPI vẫn giữ được đà này thì lãi suất sẽ hạ ngay. Lúc ấy lạm phát kì vọng cũng sẽ khác đi.
Với lãi suất hiện nay thì công cụ hành chính vẫn chưa thể buông được, nhưng với CPI dự kiến thì công cụ thị trường sẽ được bung ra. Tức là khi đó, lãi suất sẽ không bị khống chế nữa và buộc lãi suất phải điều chỉnh giảm. Nên xu hướng 2012, lãi suất chắc chắn sẽ giảm. Nhưng phải chú ý, giảm ở đây chưa chắc là giảm đạt mức kỳ vọng.
Riêng về lạm phát không thể cao như 2011. Nó có thể đạt 9% hay không, phải cực kì nỗ lực. chỉ có một điều duy nhất là phải nâng được hiệu suất đầu tư thì mới làm được điều này thôi và tái cấu trúc cực kì mãnh liệt.
Bằng cách nào để hạ lãi suất mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát (ở 1 con số)?
- Chỉ có một cách thôi, đó là năm nay phải tái cấu trúc, phân bổ nguồn vốn dòng thật tốt, phân bổ nguồn lực đúng hướng mà nó tạo ra của cải nhiều nhất.
Xin cảm ơn ông.
S.N.A