Tới đây, hàng xuất khẩu sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các thị trường Mỹ, EU.
Cạnh tranh khốc liệt hơn
Đối với hàng xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU sẽ cắt giảm chi tiêu. Điều kiện chi tiêu của người tiêu dùng giảm tương đối rõ nên chắc chắn câu chuyện bảo hộ mậu dịch sẽ tăng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó hơn. Cụ thể, các hàng rào kỹ thuật mới sẽ được dựng lên trong khuôn khổ WTO. Những vấn đề liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ cũng sẽ được đặt ra nghiêm ngặt hơn.
Vì vậy, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Nếu không có bản quyền, không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, không tuân thủ các hàng rào kỹ thuật thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị chặn lại, nhất là trong điều kiện Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường thì nguy cơ các vụ kiện thương mại quốc tế, kiện chống phá giá, trợ cấp sẽ tăng lên.
Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn đối mặt với vấn đề cạnh tranh hàng hóa trong điều kiện gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Ở đây, gian lận xuất xứ có cả trường hợp gia công trá hình để lấy xuất xứ của Việt Nam nhằm né tránh các biện pháp bảo hộ mậu dịch, đảm bảo cho hàng hóa của họ có xuất xứ. Sẽ gia tăng tình trạng nước thứ ba mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu lại. Điều này sẽ làm tăng đột biến xuất khẩu của Việt Nam nhưng thực tế Việt Nam lại không hưởng được bao nhiêu. Điều quan trọng hơn là những hàng hóa như vậy thường là giá rẻ, dễ dẫn đến các vụ kiện chống phá giá.
Tranh chấp trong nước gia tăng
Vấn đề nhập khẩu của Việt Nam cũng gặp nhiều rủi ro lớn đối với hàng hóa Việt Nam sản xuất ngay trong nội địa. Do nhiều nước thắt chặt bảo hộ mậu dịch nên hàng hóa của một số nước sẽ mất thị trường và họ chuyển qua thị trường nội địa và một số thị trường lân cận khác dễ dàng hơn, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, mong muốn xuất siêu của các nước lớn như Mỹ sẽ tăng xuất khẩu lên 50%, trong đó nhắm đến thị trường các nước châu Á như Việt Nam. Đó mới là con đường chính ngạch, chưa kể hàng hóa đi bằng con đường tiểu ngạch không kiểm soát được, không đóng thuế, rất đáng lo ngại.
Hơn nữa, hàng hóa trong nước hiện nay cũng đang đối mặt với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn trên thị trường. Nguy cơ hàng giá rẻ trong điều kiện sức mua của người tiêu dùng Việt Nam giảm sẽ là một áp lực lớn đối với các nhà sản xuất trong nước.
Những vấn đề liên quan đến sản xuất hiện nay chịu ảnh hưởng không nhỏ của thị trường tài chính, bất động sản và chứng khoán. Các thị trường này lại đang có nguy cơ bất ổn, rủi ro nhất là thị trường bất động sản. Có thể nhiều hợp đồng bất động sản sẽ đổ bể, tình trạng tín dụng đen vỡ nợ đã bắt đầu lộ diện… Vì vậy, nguy cơ những tranh chấp trong nước cũng sẽ gia tăng.
Làm chính sách: Phải lắng nghe doanh nghiệp
Trước mắt, chúng ta không ngại cạnh tranh nhưng làm sao để đảm bảo cạnh tranh công bằng, kể cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu? Chúng ta phải kiểm soát được các tiêu chuẩn, xuất xứ của hàng hóa. Các cơ quan hải quan, thuế, quản lý thị trường cần kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, quy chuẩn của hàng hóa.
Nhìn toàn diện, kinh tế Việt Nam đang chững lại. Các cơ quan nhà nước cần can thiệp để khơi thông dòng chảy kinh tế. Số DN hoạt động cầm chừng đã gắng gượng nhiều trong năm 2011 nhưng nếu năm 2012 các chính sách của ta tiếp tục được ban hành đột ngột và thay đổi liên tục thì DN khó trụ tiếp.
Vì vậy, khi ban hành chính sách, Nhà nước cần minh bạch từ khâu dự thảo, công khai thông tin, tham vấn ý kiến của những người bị tác động để họ có phản biện và phải có phản hồi ý kiến phản biện. Nếu không thực hiện như vậy thì rủi ro lớn nhất nằm từ trong chính sách. Chính sách phải kiến tạo sự phát triển làm sao cho môi trường kinh doanh thông thoáng. Trước thực tế như vậy, để giúp DN thoát khỏi khó khăn, đòi hỏi Nhà nước phải có giải pháp đột biến.
năm 2012, Chính phủ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển bền vững, ổn định chứ không phát triển nhanh. Do đó, xu hướng can thiệp vào thị trường quá sâu, quá phi thị trường sẽ tiềm ẩn nhiều bất ổn về lâu dài. Nhà nước cần phải tuân thủ các quy luật cạnh tranh về giá cả, quy luật cung cầu của thị trường. Các giải pháp Chính phủ đưa ra như cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu DN cũng cần có phản biện của DN và các chuyên gia để nhận diện rõ những nhóm lợi ích, nhóm cản trở. Song song đó, DN cũng cần tự thân vận động chứ không nên nằm “chờ thời”, “kêu” nhiều rồi đợi Nhà nước hỗ trợ.
Theo PLTP