Tồn khó tăng cao
Sáng 29/12/2011, Tổng cục Thống kê (GSO) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thông kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó có đưa ra chỉ số hàng tồn kho đầu tháng 12 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của GSO, đây là một mức chưa phải là cao vì cùng kỳ năm trước chỉ số này là 127,9%.
Dự báo về năm 2012, Tổng cục Thống kê cho rằng, với tình hình kinh tế được dự báo là tiếp tục khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ do đó doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị trước.
Thực tế, có thể thấy, bối cảnh hiện nay khác nhiều so với cuối năm 2012. Khác là bởi vì nền kinh tế đối mặt với lạm phát rất cao và bất thường từ đầu năm 2011. Đó cũng là lý do mà Chính phủ đã buộc phải quyết liệt đưa ra Nghị quyết 11 để kiềm chế lạm phát. Thành công của Nghị quyết được các chuyên gia trong và ngoài nước công nhận, nhưng một quyết quyết định bao giờ cũng có hai mặt. Tác dụng phụ của việc thắt chặt tín dụng và tài khóa hẳn là rất nhiều người cảm nhận được.
Cho biết về tình hình buôn bán dịp sát Tết, chủ một cửa hàng quần áo tại Thành Công, Hà Nội cho biết, sức mua năm nay chỉ bằng 30-40% so với năm ngoái. Ngay cả cửa hàng ăn uống nhiều nơi cho biết khách ăn cũng giảm 50%.
Cho dù các cửa hàng quần áo, giày dép, đồ thể thao, vàng mã... đua nhau giảm giá, xả hàng nhưng vẫn ế ẩm. Tệ hại nhất là nhiều siêu thị điện máy tại Hà Nội, trong ngày thường nhân viên đông hơn khách hàng. Thứ bảy, Chủ nhật thì nhân viên và khách hàng... ngang nhau!
Có thể thấy, sức mua giảm mạnh (mà theo đánh giá của một chuyên gia thì chưa bao giờ tổng cầu sụt giảm như vậy) thì con số hàng tồn kho tăng 23% so với cùng kỳ quả là một vấn đề lớn.
Trong khi tồn doanh nghiệp kho lớn, các đơn vị phân phối như các đại lý đầu mối các tỉnh lại không có tiền mua hàng trữ bán trong dịp Tết do lãi suất ngân hàng cao, vay khó. Đây là hoàn cảnh chung và nó góp phần khiến các doanh nghiệp vốn đã khốn khó càng khốn khó hơn.
Con số 49.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa trong 9 tháng đầu năm 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cũng có thể nói lên sự khó khăn thực tại.
Nguy cơ đình đồn đã hiện rõ
TS. Vũ Đình Ánh - Viện Khoa học tài chính - giá cả, là tồn kho tăng cao và tổng cầu sụt giảm. Lạm phát cao và thu nhập giảm khiến người dân hạn chế chi tiêu và cảnh báo mà chuyên gia này đưa ra là năm 2012 kinh tế Việt Nam không chỉ đối mặt với lạm phát mà còn đối mặt với đình đốn. Nếu thực sự kinh tế rơi vào lạm phát đình đốn thì rất đáng sợ. Năng lực sản xuất bị phá hủy, thị trường hoảng loạn.
Hàng hóa không bán được sẽ khiến sản xuất giảm. Thiếu hàng có thể sẽ dẫn tới nhập khẩu tăng và nhập lậu hoành hành.
Trên thực tế, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng vay nợ quá mức, tồn kho lớn trong khi lại khan hiếm tiền (do lãi suất cao và tín dụng thắt chặt) cho nên việc co gọn sản xuất là lựa chọn hàng đầu, chứ nói gì tới việc mở rộng sản xuất.
Thống kê tới hết quý III/2011 cho thấy số hàng tồn kho của các doanh nghiệp niêm yết tăng tới hơn 30% so với cùng kỳ. Về nợ, nhiều doanh nghiệp có tổng nợ/tổng tài sản lớn hơn 90%.
Thực tại khó khăn nói trên khiến các doanh nghiệp và giới đầu tư đặt ra một câu hỏi là nên chăng các cơ quan chức năng có những động thái bớt thận trọng hơn như giảm lãi suất huy động, đưa ra trần mới, hoặc áp trần lãi suất cho vay. Trong bối cảnh ngân hàng lãi lớn, chênh lệch giữa huy động và cho vay cao thì xem ra áp trần cho vay cũng là một lựa chọn? Hạ lãi suất chậm, rất có thể doanh nghiệp không có cơ hồi phục.
Đón đầu lạm phát giảm để tiếp sức cho DN
Một trong những cơ sở để có thể thực hiện việc giảm lãi suất (huy động hoặc/và cho vay) là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5-6 tháng gần đây đã được kéo về mức khá thấp. Nhiều khả năng Chính phủ có thể kiềm chế được lạm phát cả năm 2012 ở mức một con số.
Hiện tại, nguồn cung hàng hóa vẫn khá dồi dào và sức mua thấp là những chỉ báo cho thấy có thể không có đột biến CPI trong tháng Tết và sau Tết.
Giá thực phẩm ổn định, trong khi giá đường có xu hướng giảm 1.000-1.500 đồng/kg.
Một mặt hàng có tác động đáng kể tới CPI là vật liệu xây dựng cũng đang có xu hướng giảm. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép trong tháng 12 tăng, trong khi tiêu thụ chậm. Hiện tồn kho đã lên đến 370.000 tấn (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước).
Trên thế giới, xu hướng hàng hóa cũng được dự báo giảm.
Việc giá dầu quay đầu giảm về dưới 100 USD/thùng trong phiên hôm qua và cú rớt giá ngoạn mục từ trên 1.600 USD về gần 1.520 USD/ounce của vàng từ hôm 28/12 cho tới buổi chiều 29/12 (giờ Việt Nam) là một tín hiệu cho thấy xu hướng khó chinh phục các đỉnh cao cũ của các mặt hàng nhạy cảm này.
Hiện tại, lo lắng nhất là một số mặt hàng chủ chốt như điện, than, xăng dầu được điều chỉnh tăng tiếp trong năm 2012 và sự đi xuống của VND so với USD. Tăng hay không phụ thuộc vào cân nhắc của các cơ quan chức năng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ đầu năm 2012. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, không có lý do gì không hạ được lãi suất cho vay khi liên tục 6 tháng qua, CPI tăng không quá 1%.
Về quan điểm của mình, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cũng rằng, đây là thời điểm thích hợp để khống chế lãi suất cho vay. Theo ông Kiêm, lãi suất hiện nay thì các doanh nghiệp không chịu nổi. Nếu như vẫn kéo dài thêm 5 - 6 tháng nữa, hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản, đình trệ.
Theo VEF