Liệu kinh tế Trung Quốc có bị đổ vỡ không?

Thứ sáu, 06/01/2012, 11:13
Hãy ngắm nhìn bức tranh sau : tỷ lệ tăng trưởng cao gần đây chủ yếu dựa vào sự bùng nổ của ngành xây dựng và lại được tiếp nhiên liệu bởi giá bất động sản dâng cao, thể hiện rõ nét các các dấu hiệu kinh điển của bong bóng kinh tế.


 

Một sự tăng trưởng nhanh về tín dụng , đa phần không thông qua kênh ngân hàng chính thống mà chủ yếu bằng con đường “ tín dụng đen” không ai kiểm soát nên không nằm dưới sự giám sát cũng như chẳng được bảo lãnh bởi chính phủ. Và giờ đây thì bong bóng đang nổ tung nên có đủ mọi lý do thực sự để lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính.

Liệu các bạn nghĩ tôi đang mô tả nền kinh tế Nhật cuối những năm 1980 ? Hay là tôi đang mô tả kinh tế Mỹ năm 2007 ? Tất nhiên tôi đã hoàn toàn có thể làm như  thế. Vậy mà tôi lại  đang nói về kinh tế Trung Quốc, một điểm mới nổi lên như  địa chỉ nguy hiểm trong nền kinh tế thế giới mà sự xuất hiện của nó, quả thật vào thời điểm này là rất không đúng lúc .

Tôi đã do dự khi đánh giá tình hình kinh tế Trung Quốc, cũng một phần vì  rất khó biết thực sự điều gì đang diễn ra nơi đây. Tất cả các số liệu thống kê kinh tế vốn dĩ vẫn là khuôn mẫu nhàm chán nhất mà khoa học nghĩ  ra, thể nhưng các con số của Trung Quốc lại mang tính hư cấu hơn cả những gì là hư cấu nhất. Tôi đã nhờ các chuyên gia thực thụ về Trung Quốc để được hướng dẫn, thế nhưng không có tới 2 chuyên gia nào nói về một điều giống nhau.

Chưa hết, ngay cả số liệu chính thức cũng có lắm điều không ổn và những tin tức gần đây đã đủ độ kịch tính để gióng lên những hồi chuông cảnh báo.

Điều đáng ghi nhận nhất trong nền kinh tế Trung Quốc mười năm qua là cách thức tiêu dùng của hộ gia đình, cho dù có tăng nhưng  vẫn luôn đi sau tốc độ tăng trưởng tổng thể. Tiêu dùng hiện chỉ chiếm khoảng 35% GDP, tức là một nửa của Hoa Kỳ.

Vậy thì ai sẽ là người mua hàng hóa và dịch vụ mà Trung Quốc làm ra ? Một phần của câu trả lời là chính chúng ta , nhưng do tỷ lệ của tiêu dùng trong  nền kinh tế đang suy giảm nên  Trung Quốc  lại càng phải dựa nhiều hơn vào thặng dư thương mại để giữ cho sản xuất hoạt động.Tuy nhiên câu chuyện lớn hơn theo nhãn quan của Trung Quốc lại là chi cho đầu tư là khu vực chiếm gần nửa GDP của quốc gia.

Một câu hỏi rất hiển nhiên là với nhu cầu tiêu dùng khá thấp, vậy lấy gì để thúc đẩy đầu tư ?  Câu trả lời là ở một phạm vi lớn, động lực của đầu tư nằm ở quả bóng bất động sản được bơm liên tục. Đầu tư vào bất động sản đã tăng gấp đôi trong GDP kể từ năm 2000 và hơn một nửa mức tăng trưởng  chung là do đầu tư mang lại.

Phần còn lại của tăng trưởng chắc chắn cũng lại do các công ty tăng lượng hàng bán phục vụ ngành xây dựng.

Liệu chúng ta có thực sự biết rằng bất động sản đã ở tình trạng bong bóng không ? Vâng, nó đã thể hiện rõ mọi dấu hiệu : đó không chỉ là tăng giá mà còn là cơn sốt đầu cơ mà ai ai cũng biết từ kinh nghiệm của chúng ta mấy năm trước ở vùng duyên hải Florida.

Có một sự song trùng  với những gì đã diễn ra với Hoa kỳ : khi tín dụng bùng nổ thì đa phần không từ ngân hàng xuất ra mà lại do hệ thống "ngân hàng đen" thiếu giám sát, không được bảo đảm thực hiện. Ở đây có những khác biệt rất lớn nếu xem xét một cách chi tiết : " ngân hàng đen" ở Mỹ có phong cách luôn tham dự vào các công ty  có uy tín ở phố Wall và những tổ hợp công cụ tài chính, trong khi đó " tín dụng đen " ở Trung Quốc lại có xu hướng đi theo các ngân hàng ngầm thậm chí là các cửa hàng cầm đồ. Còn hậu quả thì giống nhau : ở Trung Quốc cũng như Mỹ mấy năm trước, hệ thống tài chính đã bị tổn thương nhiều hơn là số liệu mà các ngân hàng chính thống công bố.

Giờ đây thì rõ ràng quả bóng đang nổ  và nó sẽ gây ra bao nhiêu sự tổn thương đối với nền kinh tế Trung Quốc và thế giới?

Một số nhà bình luận nói rằng không nên lo lắng vì Trung Quốc có những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và thông minh, họ sẽ làm mọi điều cần thiết để đối phó với sự suy thoái. Trong suy nghĩ của họ có một  hàm ý rằng Trung Quốc có thể làm mọi điều định làm vì không phải quan tâm đến những  tế nhị của dân chủ.

Tuy vậy, đối với tôi thì những lập luận đó vang lên như những lời có cánh cuối cùng. Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi còn nhớ rẩt rõ khi nhận được sự bảo đảm tương tự về kinh tế Nhật vào những năm 1980 , lúc đó các quan chức sáng láng của bộ tài chính dường như đang nắm chắc mọi thứ trong tầm tay. Và sau đó lại vẫn là những bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ lặp lại những sai lầm đã làm cho Nhật bản bỏ lỡ một thập niên , nhưng trên thực tế chúng ta đang làm còn kém hơn cả Nhật.

Dù gì đi chăng nữa, những tuyên bố về cải cách kinh tế từ miệng các quan chức Trung Quốc không làm cho tôi ngạc nhiên đến mức mất đi tính nhạy bén và tỉnh táo. Nhìn nhận một cách cụ thể thì cách thức mà Trung Quốc chỉ trích người nước ngoài -- mà một trong những biện pháp đó là  áp đặt mức thuế trừng phạt lên việc nhập khẩu xe ô tô sản xuất tại Mỹ , sẽ không có tác dụng hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc , trái lại chỉ đầu độc các mối quan hệ thương mại và cũng không chứng tỏ rằng đây là một chính phủ đã trưởng thành nên biết làm việc gì phải làm.

Một câu chuyện tiếu lâm kể lại rằng khi mà chính phủ Trung Quốc không bị ràng buộc bởi tính pháp quyền trong điều hành thì nó sẽ bị ràng buộc bởi tham nhũng tràn lan, điều đó có nghĩa là những gì thực tế đang diễn ra ở các địa phương có thể không giống với những gì mà Bắc Kinh chỉ thị.

Tôi hy vọng rằng ở đây tôi là một người cảnh báo thừa. Thế nhưng không thể không lo lắng : câu chuyện của Trung Quốc nghe rất giống với tình trạng kiệt sức mà chúng ta đã chứng kiến ở những nơi khác. Kinh tế thế giới đã gánh chịu sự hỗn loạn từ Châu Âu nên quả thực không cần thêm một tâm chấn của khủng hoảng nào nữa.

Theo TuanVietNam

Các tin cũ hơn