Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý miễn, giảm, giãn thuế cho một số đối tượng. Theo ông, có nên miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho DN bất động sản?
Lĩnh vực xây dựng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu không có chính sách để vực lĩnh vực xây dựng, cụ thể ở đây là phát triển thị trường bất động sản, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2012.
Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, chúng tôi đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho khoảng 90% DN nhỏ và vừa trên địa bàn, với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng. Số tiền này rất có ý nghĩa đối với DN trong điều kiện khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, đáng tiếc là, DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản không được hưởng chính sách này.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có khoảng 100 DN lớn, hầu hết đang gặp khó khăn do tính thanh khoản trên thị trường rất thấp. Nếu chúng ta không có chính sách giúp họ vượt qua khó khăn thì sẽ tạo ra hiệu ứng không tốt cho nền kinh tế và hệ quả là thu ngân sách sẽ gặp trở ngại.
Để tăng thanh khoản, cần nới rộng tín dụng đối với lĩnh vực này? Như vậy sẽ tác động ngay tới lạm phát?
Đẩy mạnh tính thanh khoản không đồng nghĩa với việc nới rộng tín dụng với lĩnh vực bất động sản, mà phải tháo gỡ trong chính sách thuế. Hiện nay, chính sách thuế với lĩnh vực bất động sản có rất nhiều bất cập.
Cụ thể, khi DN bán sản phẩm, họ phải nộp thuế tính theo giá thị trường trong điều kiện bình thường, nhưng đầu vào của họ lại xác định theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, vì thế họ phải nộp thuế cao hơn thực tế do chênh lệch rất lớn giữa giá thị trường ở đầu ra (giá bán) và giá đất do UBND cấp tỉnh quy định (đầu vào). Vì DN phải nộp thuế cao, số tiền này bị đẩy vào giá bán, nên tính thanh khoản giảm.
DN phản ứng thế nào về chính sách này, thưa ông?
Họ cho rằng, chính sách thuế với lĩnh vực bất động sản là phi lý và tôi cũng đồng ý với quan điểm của họ.
Cụ thể, khi DN giải phóng mặt bằng để lấy đất xây dựng dự án, họ phải đền bù đất cho người dân theo giá thị trường, ngoài ra còn phải thực hiện hỗ trợ cho người dân có đất bị giải toả theo thoả thuận giữa DN và người dân. Sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng chung cư, DN bán cho người sử dụng theo giá thị trường và phải nộp thuế đối với phần chênh lệch giữa giá bán và giá thu hồi đất của người dân. Sự bất hợp lý ở chỗ, giá thu hồi đất chỉ được tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định và thường chỉ bằng 60-70% giá thị trường, nên DN phải nộp thuế cao hơn.
Tôi cho rằng, Nhà nước cũng phải sòng phẳng với DN, khi đã tính thuế chuyển nhượng bất động sản theo giá thị trường, thì giá đầu ra và đầu vào cũng phải tính theo giá thị trường.
Ông còn kiến nghị gì khác nữa không?
Hiện tại, khi phân khúc nhà cao cấp trên địa bàn TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung đang tạm “ngủ đông”, cần có chính sách đẩy thị trường bất động sản ở phân khúc nhà bình dân bằng biện pháp nới lỏng tín dụng đối với những DN đầu tư vào nhà giá rẻ và nới lỏng tín dụng với người dân vay tiền mua nhà giá rẻ để ở.
Thế còn ý tưởng giãn nợ thuế cho DN trong lĩnh vực bất động sản thì sao?
Số nợ thuế nợ đọng có khả năng thu trên địa bàn TP.HCM hiện khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong số DN nợ thuế có không ít doanh nghiệp bất động sản. Nếu ngành thuế thực hiện các biện pháp để thu thuế sẽ đẩy DN vào hoàn cảnh khó khăn hơn. Vì vậy, theo tôi, Bộ Tài chính nên xem xét cho phân kỳ trả nợ theo hướng: DN phải cam kết trả nợ trong thời hạn bao lâu, trả làm bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu tiền. Trong thời gian nợ thuế mà DN thực sự khó khăn thì có thể không tính tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo Báo Đầu Tư