Bao giờ lãi suất giảm?

Thứ năm, 05/01/2012, 15:55
Công ty Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế (Inlaco Saigon) vừa tiếp nhận một tàu mới và đang lo lắng sẽ lỗ khi đưa vào vận hành. Năm 2011 là năm thứ tư liên tiếp các doanh nghiệp vận tải biển trong tình trạng khó khăn.


 

Giá cước vận tải giảm, giá cho thuê tàu còn giảm mạnh hơn. Nhiều công ty phải bán tàu, cho thuê tàu với giá thấp, dù biết rằng kinh doanh như vậy là lỗ. Nhưng lỗ thì vẫn còn có dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Còn ngừng kinh doanh lấy gì trả nợ?

Vận tải biển không phải là lĩnh vực duy nhất trông chờ lãi suất giảm. Cả nền kinh tế ngóng lãi suất. Khi nào lãi suất giảm?

Ngân hàng hy sinh lợi ích riêng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Khó nhất hiện nay là giảm lãi suất”. Yếu tố tiên quyết để có thể hạ lãi suất trước tiên là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng đã có ba tháng giảm dần đều là 9, 10, 11. Cả ba tháng đó giá xăng, giá điện giẫm chân tại chỗ. Giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục được bình ổn. Nhưng CPI tháng 12 đã tăng nhẹ trở lại. Ba tháng đầu các năm do tác động của lễ Tết, hầu như chưa bao giờ giá tiêu dùng giảm. NHNN, do đó khó lòng mà điều hành lãi suất theo chiều hướng giảm trong quí 1 năm nay.

Trên thực tế gần bốn tháng qua lãi suất đầu vào được thực hiện nghiêm chỉnh ở mức 14%/năm và các ngân hàng đã có đủ thời gian để trung hòa lượng vốn huy động lãi suất cao trước đó. Ngân hàng nào cũng sử dụng một lượng vốn nhất định, ít thì 3.000 tỉ đồng, nhiều 5.000-10.000 tỉ đồng, để cho vay với lãi suất ưu đãi 16-17%/năm. Tuy nhiên, một phần do hạn mức tăng trưởng tín dụng đã hoặc gần cán đích, mặt khác chỉ cho vay ưu đãi xuất khẩu, nông nghiệp-nông thôn, nên tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với lãi suất hạ khá thấp. Còn lại những đối tượng khác đều phải vay lãi suất cao.

Cho vay với lãi suất nào, hay nói cách khác là mặt bằng lãi suất chung có giảm hay không, phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng. Nếu các ngân hàng chấp nhận một mức chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra hợp lý, khoảng 2,5 điểm phần trăm/năm, thì khả năng hạ lãi suất là có thể. Nhìn lại kết quả kinh doanh năm ngoái, nhiều ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Đã đến lúc ngân hàng nên san sẻ lợi nhuận, hy sinh một phần lợi ích riêng của mình cho cả nền kinh tế.

Trông chờ quí 2?

Thông thường từ sau Tết, nhất là tháng 2-3 hàng năm, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng bớt đi. Đó có thể là thời điểm thuận lợi để giảm lãi suất. Sự thuận lợi ấy cần phải được tận dụng và nó đòi hỏi NHNN mạnh dạn thay đổi cách nhìn bấy lâu nay là đợi CPI hạ xuống rồi mới điều hành lãi suất theo chiều hướng giảm.
NHNN đề ra mục tiêu đưa lãi suất cuối năm 2012 về mức 10%/năm. Đây được hiểu là lãi suất huy động. Từ 14% về 10%/năm là một khoảng cách không nhỏ. Trong suốt mười năm qua, hầu như có rất ít thời điểm lãi suất tiết kiệm ở mức 10%/năm. Những năm tổng phương tiện thanh toán ở mức cao, lãi suất tiết kiệm cũng khoảng 11-12%/năm.

 

Nếu các ngân hàng chấp nhận một mức chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra hợp lý, khoảng 2,5 điểm phần trăm/năm, thì khả năng hạ lãi suất là có thể. Đã đến lúc ngân hàng nên san sẻ lợi nhuận, hy sinh một phần lợi ích riêng của mình cho cả nền kinh tế.

Chúng tôi cho rằng lãi suất giảm là quá trình tất yếu phải xảy ra. Không chỉ vì mặt bằng lãi suất Việt Nam hiện cao nhất nhì thế giới, mà còn vì doanh nghiệp không thể sản xuất, làm ăn với lãi suất hiện tại. Nhưng mức giảm tới 4 điểm phần trăm/năm là khó khả thi, nhất là trong điều kiện sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán bị hạn chế ở tầm 14-16% cho năm 2012.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét rằng mức giảm trên của lãi suất chỉ xảy ra trong trường hợp giá vàng quốc tế giảm rất mạnh và sau đó đứng ở mức thấp, dẫn đến giá vàng trong nước giảm sâu, kéo theo sự dịch chuyển tài sản của người dân từ vàng sang tiền đồng. Song, một khi giá vàng giảm, đồng đô la Mỹ lên giá, áp lực lên tỷ giá hối đoái sẽ được nâng lên. Giải bài toán ổn định giá trị tiền đồng có thể gặp trở ngại.

Giới tài chính dự đoán với sự thận trọng lãi suất có khả năng giảm từ quí 2, mức giảm khoảng 0,5-1 điểm phần trăm/năm/lần. Việc giảm này có thể là bước tiếp theo sau khi tỷ giá hối đoái được điều chỉnh. Nhiều ý kiến đang nghiêng về giả thuyết tỷ giá sẽ được điều chỉnh như trong thời gian vừa qua, tức là từ từ, có lên có xuống, chứ không giật cục một lần ngay vài điểm phần trăm.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất phải được chuẩn bị trước bằng việc quản lý cho được thị trường vàng. Cho đến nay nghị định về quản lý vàng vẫn chưa được ban hành và giá vàng trong nước vẫn đang chênh lệch hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Việc bán vàng bình ổn liệu có thể kéo dài khi kết quả chưa như mong muốn? Và nếu kéo dài thì đến bao giờ? Nhà nước nắm quyền kiểm soát thị trường vàng càng sớm chừng nào, thì tỷ giá cũng như lãi suất càng được hỗ trợ để đạt mục tiêu đề ra.

Theo TBKTSG

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn