Tất nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng từ yếu tố khách quan đó nhưng cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh tác động. Người xưa có câu: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, các doanh nghiệp cũng nên xem xét lại chiến lược và mô hình của mình…
Giáo sư John Snpwn từng phát biểu: Đồng tiền chỉ đến với nơi nào được đối xử tốt. Và lẽ dĩ nhiên, muốn đồng tiền đến với doanh nghiệp mình, người chủ doanh nghiệp phải biết cách đối xử với đồng tiền khôn ngoan ấy |
Các doanh nghiệp đua nhau xin dự án, thành lập công ty con, góp vốn vào công ty liên kết, thành viên để vay vốn tín dụng đầu tư hay hút vốn từ thị trường chứng khoán làm dự án, thậm chí, cá biệt có những doanh nghiệp còn bán vốn trước khi thành lập. Có thể nói, thị trường chứng khoán lúc đó giống như phép tiên của ông bụt để có thể “khắc xuất” từ một doanh nghiệp với một ngành nghề thành vô số đơn vị trực thuộc, công ty con, liên kết… cũng giống như từ một cây tre cắm xuống đất mà phát triển thành một cánh rừng xum xuê tươi tốt…
Nếu câu chuyện chỉ có thế thì cánh rừng sẽ mãi xanh tốt; có điều, đất và nguồn dinh dưỡng không bao giờ là vô hạn, thế nên việc “luân chuyển” để “tráng” cho mỗi cây vừa đủ “dinh dưỡng” theo đúng luật định thì cũng là “chuyện thường thấy” rồi phần còn lại thì bù từ nguồn vay, nguồn huy động vốn. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp NẾU “hạn hán kinh tế” năm 2008 và đặc biệt những ảnh hưởng của nó năm 2011 không làm cho mọi chuyện thay đổi.
Để ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ngân hàng nhà nước buộc phải áp dụng thắt chặt tín dụng – nguồn dinh dưỡng của rất nhiều dự án giờ buộc phải thu hẹp để rồi đỉnh điểm là khi đầu tư chứng khoán và bất động sản không còn được vay tín dụng của ngân hàng.
Mọi chuyện bắt đầu như vậy khi cả cánh rừng rơi vào cơn khát oằn oại tìm mọi cách để tồn tại; cái bức tranh đẹp đẽ “trăm hoa đua nở”, “cây nào yếu ớt mục ruỗng thì tự đào thải” – từng được cho cốt lõi cùng với quản trị theo mục tiêu (Objective management) của một số doanh nghiệp – dần đổi màu sang sắc thái khác.
Giờ đây cả cánh rừng dường như được cào bằng, những cây cổ thụ từng là niềm mơ ước thì nay lại bộc lộ nhiều nhược điểm, trở nên yếu ớt nhất khi nguồn dinh dưỡng không còn đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi nữa. Nhiều cây to, cổ thụ phải viện nhờ vào phép màu của bụt để xin “khắc nhập” tăng cường sức đề kháng và tập trung mọi nguồn lực hòng tồn tại qua mùa hạn hán.
Năm 2011 cũng chứng kiến nhiều cây đại thụ gục ngã để lại di chứng nặng nề cho nền kinh tế – những khoản nợ khổng lồ kéo theo uy tín của đất nước khi những khoản tín dụng đó được bảo lãnh bởi chính phủ như trường hợp Vinashin, những cuộc ghép, chiết cành không thành mà nổi cộm là trường hợp của EVN Telecom.
Theo con số chính thức của hiệp hội doanh nghiệp, mới 9 tháng đầu năm 2011, cả nước ta đã có 48000 (bốn tám nghìn) doanh nghiệp phá sản; có thể thấy mùa khô này không còn dễ dàng với các doanh nghiệp giống như 2008.
Các doanh nghiệp hầu như không còn khả năng tài chính, đặc biệt vào những ngày cuối năm 2011, nhiều công ty đã buộc phải trả lương, thưởng cho cán bộ bằng sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn… có thể nói rất nhiều doanh nghiệp không còn nguồn dinh dưỡng để duy trì sự tồn tại.
Tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2011 đạt 15 – 18% (tức là những tháng cuối năm 2011, tăng trưởng tín dụng sẽ là con số âm để có thể bù cho nửa đầu của năm 2011), trong khi đó, có những lúc lãi suất vay vốn lưu động lên tới 23 – 25% và với lãi suất như vậy, có thể nói hầu như không có ngành nào có thể hoạt động hiệu quả với mức lãi suất này.
Với bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc tập trung điều chỉnh lại cơ cấu vào ngành nghề thế mạnh (core business), khi mà hiện nay có tới 43% các doanh nghiệp là hoạt động đa ngành đa nghề. Có thể thấy, vốn lưu động ở các doanh nghiệp đa ngành đa nghề sẽ buộc phải rải ra để đáp ứng cho được yêu cầu bắt buộc tối thiểu.
Như vậy việc thiếu hụt này sẽ dần dần gây ra các vết nứt làm tổn thương tới hệ thống và tiềm ẩn chờ dịp bùng nổ. Ở thời điểm này, khó có thể nói mô hình như thế nào thì là phù hợp. Mô hình – bản thân nó đã tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố quản lý và đặc thù ngành nghề; từng doanh nghiệp - cần phải điều chỉnh theo nguồn vốn, cùng với kế hoạch kinh doanh và giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro phát sinh.
Nhìn chung, tỷ lệ khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp Việt Nam khá thấp (trung bình: 0.1 – 0.4), và vốn lưu động thường xuyên ở mức thiếu hụt. Sở dĩ nói như vậy vì xét trên báo cáo tài chính, điều này khó xét được do đối ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam ít khi bằng tiền, đó là chưa nói tới yếu tố luân chuyển vốn giữa các công ty con với nhau trong cùng một nhóm có chung lợi ích để đảm báo “tráng” đủ vốn. Thiết nghĩ, đối với doanh nghiệp, việc luân chuyển vốn không để lãng phí ứ đọng vốn là đúng, có điều, nếu quá lạm dụng các kỹ thuật kế toán sẽ đem lại những hệ luỵ không mong muốn.
Doanh nghiệp chúng ta thường mới chỉ chú ý tới hình thức của công tác lập kế hoạch và còn thiếu sự chú ý tới bản chất và nội dung của việc lập kế hoạch. Ngoài ra, trong qua trình lập kế hoạch, các bộ phận trong một doanh nghiệp có xu hướng đối phó khi đặt tối đa dự trù chi phí và tối thiểu doanh thu để có thể dễ dàng đạt được mục tiêu.
Thêm vào đó, việc dự trù rủi ro phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng chưa được tính tới do thiếu thông tin hoặc khi đưa các biến số vào thì công việc tính toán trở nên quá phức tạp. Và thường các doanh nghiệp do không tự xác định được mức độ trọng yếu nên rất dễ rơi vào tình trạng “chẻ hoe” vấn đề – chuyển từ thái cực này qua thái cực khác.
Các doanh nghiệp cần phải xác định việc lập kế hoạch là một công cụ giúp cho doanh nghiệp lường trước được con đường phía trước và sẵn sàng đối mặt với những thay đổi trong cả một quá trình sản xuất kinh doanh và tự thích nghi với những thay đổi đó.
Năm 2011 cũng là năm khó khăn, chứng kiến nhiều dự án lớn bị thu hồi, các vấn đề trong quá trình và sau triển khai dự án BOT (cầu Phú Mỹ), các dự án lớn chậm không thể triển khai do không huy động được vốn buộc phải xin ra hạn; nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều dự án (Hồ Tràm) bắt đầu được triển khai và tiếp tục được triển khai một cách ổn định (Sun city). Sang năm 2012, cùng với chính sách ổn định kinh tế của nhà nước, hy vọng và xin chúc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ổn định vững bước phát triển đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội./.
Th.s Nguyễn Phi Long
(Thành viên hội kiểm toán Úc, viết riêng cho SaigonNews)