Bán sạch cổ phiếu
Trong một quyết định đưa ra ngay đầu năm mới 2012, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã đăng ký bán toàn bộ hơn 42 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank trong khoảng thời gian từ 6/1-6/3/2012 với trị giá ước tính lên tới 650 tỷ đồng - gấp hơn hai lần tổng giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM hôm 4/1.
Số cổ phiếu này tương đương 3,92% cổ phần của một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu và có hoạt động khá tốt tại Việt Nam.
Việc bán cổ phần lần này nếu thành công (chẳng hạn ở mức giá 16.000 đồng/cp kết thúc phiên ngày 4/1/2012) cũng là kết quả không tồi của REE do doanh nghiệp này mua cổ phiếu phát hành thêm (và cổ phiếu thưởng) ở mức giá hấp dẫn.
Mặc dù vậy, dường như cũng có những điểm không bình thường khi mà quyết định được đưa ra trong bối cảnh TTCK đang trong thời điểm lao đao, giao dịch ảm đạm và cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là lĩnh vực an toàn và lợi nhuận cao trong thời khủng hoảng. Hơn thế, REE cùng với Dragon Capital (trước đây) là những cổ đông đã gắn bó lâu dài với Sacombank.
Trước đó, trong những ngày cuối cùng của năm 2011, CTCP Đường Biên Hòa (mã BHS) cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 1,44 triệu cổ phiếu STB từ từ 5/1/2012 đến 5/3/2012 và Đường Ninh Hòa đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu STB. Sacomreal (SCR) cũng đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu STB, trong đó có đợt đăng ký cuối cùng là 17,3 triệu (đăng ký từ 23/12/2011 đến 23/02/2012) để giảm cổ phiếu STB nắm giữ xuống còn 11 cổ phiếu lẻ.
Không chỉ STB bị bán, một số mã ngân hàng khác cũng được các doanh nghiệp thoái vốn. Như trường hợp Công ty TNHH VNT, cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC), đăng ký bán toàn bộ 33,27 triệu cổ phiếu OGC đang nắm giữ, tương đương 13,3% vốn điều lệ của OGC, từ ngày 26/12/2011 đến ngày 26/2/2012.
Ở các lĩnh vực khác, nhiều doanh nghiệp cũng đã đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ của một số đơn vị khác như Sacom (đăng ký toàn bộ hơn 9,2 triệu cổ phiếu CSG từ 26/12/2011 đến ngày 26/02/2012), Vinaline (đăng ký bán toàn bộ 180.011 cổ phiếu GMD từ 26/12/2011 đến ngày 26/02/2012), Nhà Thủ Đức TDH (đăng ký bán toàn bộ 940.001 cổ phiếu CII đang nắm giữ từ 15/12/2011 đến 15/2/2012)...
Việc thoái vốn diễn ra khá dồn dập và được thực hiện khá dứt khoát. Nó rấy lên sự lo lắng về số tiền thoái vốn (của REE và một số doanh nghiệp khác) có thể gây hiệu ứng không nhỏ trên thị trường.
Căng thẳng vốn?
Giải thích về hoạt động thoái vốn lần này, theo thông báo gửi UBCK, CTCP Cơ điện lạnh REE cho biết mục đích thực hiện giao dịch bán toàn bộ cổ phiếu STB là để cơ cấu danh mục đầu tư.
Trước đó vài tháng, sau vụ thoái toàn bộ vốn ở CTCP Quản lý quỹ RNG, ông Nguyễn Quang Quyền, Giám đốc Đầu tư của REE trao đổi với báo chí cho biết lý do xuất phát từ chiến lược của REE là rút lui khỏi các khoản mục đầu tư tài chính. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào những mảng thế mạnh như cung cấp dịch vụ M&E cho các công trình lớn, phát triển sản phẩm Reetech, phát triển thêm mảng tiện ích công cộng như điện, nước...
Với hai diễn biến nói trên, có thể thấy REE dường như đang co gọn lại hoạt động đầu tư tài chính của mình và dịch chuyển về mảng kinh doanh cốt lõi.
Một số doanh nghiệp khác như Đường Biên Hòa (BHS) trong đợt đăng ký bán toàn bộ hơn 1,44 triệu cổ phiếu STB gần đây đã khẳng định rõ ràng hơn rằng việc thoái vốn là nhằm thu hồi vốn đầu tư và bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trên TTCK khá nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, việc thoái vốn tại STB lần này của REE cho thấy sự căng thẳng về vốn đối với các doanh nghiệp bởi nếu không REE sẽ nằm chờ cho thị trường tốt mới bán sẽ được giá hơn.
Nhìn vào số liệu số dư tiền và tương đương tiền đầu năm 2011 và cuối quý III/2011 của REE có thể thấy một sự tụt giảm rất mạnh, từ 1.172 tỷ đồng xuống còn 350 tỷ đồng. Trong đó, REE đã chi 514,26 tỷ đồng trả nợ gốc vay.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trong năm 2011 vừa qua. Tuy nhiên, không có nhiều đơn vị may mắn sở hữu một mã cổ phiếu lên giá như STB trong thời gian qua. Ngân hàng này đã bỏ ra khoảng 1.300 tỷ đồng mua lại 100 triệu cổ phiếu với giá từ 13.000-15.000 đồng làm cổ phiếu quỹ.
Trước những dự báo không mấy tốt lành về năm 2012 với việc tín dụng sẽ vẫn chưa thể nới lỏng thì việc "thoát hàng" để có tiền mặt của REE vào lúc này xem ra rất hợp lý.
Việc bán STB (nếu thực sự muốn) cũng không khó khăn bởi cổ phiếu này có tính thanh khoản cao. Hơn nữa, thông thường với các thương vụ mua bán lớn như này thì các bên có thể giao dịch thỏa thuận và có thương lượng từ trước.
Xu hướng rũ bỏ nghề "tay trái" đầu tư tài chính để quay về với những ngành nghề cốt lõi của nhiều doanh nghiệp được đánh giá khá cao. Xu hướng này sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động chính của mình và không gây ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi TTCK.
Mặc dù vậy, vẫn có không ít các doanh nghiệp vẫn còn vấn vương với lĩnh vực đầu tư tài chính.
Ngay cả đối với trường hợp REE, lý do đưa ra lần này vẫn là "tái cơ cấu đầu tư". Gần đây, REE mua vào khá nhiều cổ phiếu thủy điện như Công ty cổ phần Thủy điện Thác mơ (TMP) với tỷ lệ 23,97% và Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà (TBC) với 35,48%.
Theo VEF