Lại chấn động vì vàng giả

Thứ năm, 05/01/2012, 07:09
Báo chí và dư luận Paris (Pháp) đang "sốc" nặng khi phát hiện 20 kg vàng được tìm thấy ở một toa tàu điện ngầm hồi tuần trước là... giả.



Sự việc này xảy ra khi hành khách nhìn thấy chiếc túi vô chủ và báo cho cảnh sát. Các nhân viên an ninh ban đầu tưởng đây là bom nên đã gọi đội ngũ rà phá bom mìn tới. Thế nhưng, ngay sau đó ít phút, lực lượng chức năng đã vô cùng bàng hoàng vì bên trong túi không có bom mà chứa đầy các thỏi vàng. Theo thống kê sơ bộ, giá trị số vàng khoảng 800.000 euro.

Paris chấn động vì 20 kg vàng giả.

Cho đến hôm qua (3/1), tờ BBC đưa tin, sau khi kiểm tra số vàng thu được, cảnh sát Pháp tuyên bố tất cả đều là giả và chỉ một lớp vàng thật được tráng bên ngoài, còn lại bên trong toàn làm từ kim loại.

Theo các nhà điều tra, chiếc vali này nhiều khả năng không phải được để lại trong toa tàu một cách vô tình, mà có thể liên quan tới tội phạm. Chủ nhân của nó phải bỏ lại vì sợ bị kiểm tra.

Liên quan tới vàng giả không thể không nhắc tới thị trường vàng Hong Kong. Cách đây một năm, hai trăm ounce vàng giả đã được mua đi bán lại tại Hong Kong trong suốt cả năm, với giá khoảng 280.000 USD được phát hiện, đã gây sốc cho giới đầu tư khu vực không phải vì trị giá, mà vì mức độ tinh vi của nó.

 

Tờ Thời báo Tài chính Hong Kong đã khẳng định “đây là một trong những vụ lừa đảo tinh vi nhất trên thị trường vàng Hong Kong trong hàng chục năm qua". Chủ tịch sàn vàng Chinese Gold & Silver Exchange Society Haywood Cheung cho rằng, các công nghệ hiện đại nhất đã được những kẻ làm vàng giả áp dụng khi “mức độ làm giả rất khó nhận biết”. Những kẻ làm vàng giả đã lấy vàng nguyên chất phủ bên ngoài một lõi hợp kim với các đặc tính tương tự như vàng thật và rất khó phát hiện bằng tay hoặc mắt thường. Hợp kim này có hàm lượng vàng nguyên chất khoảng 51%, số còn lại là các kim loại khác như osmium, iridium, ruthenium, rhodium hay đồng, nickel và sắt.

Và lúc đó, giới đầu tư vàng Hong Kong cho rằng, số lượng vàng giả nhiều gấp 10 lần có thể đã xâm nhập thị trường bán lẻ tại đây. Luk Fook Group, một trong những tập đoàn chế tác trang sức lớn nhất Hong Kong, cũng không tránh khỏi bị lừa khi mua phải số vàng giả trị giá 11.500 USD.

Tại Việt Nam, vào tháng 5/2011, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đã phát hiện một hợp kim giống như vàng. Đặc biệt hơn nữa, ngay cả máy đo thông thường cũng... bị nhầm và cho ra kết quả vàng bốn số 9. Tuy nhiên, loại hợp kim này mới tồn tại dưới dạng nguyên liệu, được bán cho các nơi sản xuất nữ trang. 

Đại diện Công ty SJC từng cho biết, đây là một loại hợp kim màu vàng, không có trong bảng tuần hoàn hóa học nên máy đo không phát hiện được. Giới trong ngành cũng cho biết, hợp kim này tuy có hàm lượng vàng nhưng lại rất thấp. Một vài hộ kinh doanh mua hợp kim này về chế tác thành sản phẩm nữ trang khi phân kim chịu hao hụt rất lớn.

Trước đó, cuối tháng 8 năm 2010, người dân cũng xôn xao vì không ít người vớ phải vàng SJC giả. Ngay sau khi xuất hiện tại TP HCM, vàng SJC giả đã nhanh chóng được lợi dụng để bán ra với giá cắt cổ và hút rất nhiều khách mua với kỳ vọng “tích trữ, chờ giá tăng”. Vàng miếng giả loại 1 lượng được làm khá tinh vi, bao bì nhựa giống đến mức người tiêu dùng khó có thể nhận ra. Chi tiết trên miếng vàng giả cũng khá sắc sảo. Vàng giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở chỗ nó làm từ nguyên liệu vàng 9,5 - 9,7 tuổi. Do vậy, nếu so với vàng 10 tuổi của SJC thời điểm đó thì mỗi miếng vàng một lượng, người mua bị thiệt mất 1,45 triệu đồng, đấy là chưa kể do tâm lý, người dân còn đua nhau mua nên thường bị “cắt cổ”.
 
Ngay lập tức, giới chuyên gia đã phải lên tiếng khuyến cáo người dân. Đồng thời, đại diện của SJC liên tục công khai những chi tiết cụ thể của vàng SJC thật nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt với vàng giả.

Như vậy, vàng giả không kiêng nể bất kỳ nước nào và những kẻ xấu chỉ chờ nắm được sơ hở là "tuồn" vàng giả lưu thông, gây lũng loạn thị trường.

Vào tháng 8/2011, Hãng điện tử nổi tiếng General Electric (GE) đã cho ra đời công nghệ mới nhất có khả năng phát hiện vàng giả một cách đơn giản và hiệu quả.

Thiết bị xách tay có tên Phasor, có giá 700.000 USD, sử dụng công nghệ dò siêu âm cho phép kiểm tra, phát hiện bong bóng và các hợp chất khác chứa trong vàng cho kết quả chính xác mà hiện nay các thiết bị khác chưa làm được.

Thiết bị Phasor phát hiện vàng giả. Ảnh: Gizmag

Phasor cho phép dò tìm theo mảng cung cấp những hình ảnh cực kỳ đơn giản mô tả thành phần của vàng, mà một người chỉ cần được đào tạo tối thiểu cũng có thể "đọc" được thông tin máy đưa ra. Đây là một thuận lợi lớn cho công ty cũng như các nhà cung cấp vàng vật chất.

 

Theo BaoDatviet 

Các tin cũ hơn