Kiểm soát dòng vốn đầu tư vào BĐS

Thứ tư, 04/01/2012, 10:02
SaigonNews - Thị trường bất động sản (BĐS) 2011 đã khép lại với không khí trầm lắng. Thay mặt Bộ trưởng Bộ xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình BĐS 2011 và kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý thị trường BĐS.

SaigonNews lược đăng một số kiến nghị của Bộ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ:

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam


1. Kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ giảm tốc độ và tỷ trọng tín dụng BĐS nhưng cần phải có lộ trình hợp lý, tránh giảm đột ngột, gây sốc cho thị trường. Điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS. Một số khoản mục phải giảm tỷ trọng, như: vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay, như: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở, vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư;  

- Cần xem xét tín dụng BĐS hoặc một số danh mục tín dụng BĐS là lĩnh vực sản xuất hoặc có thể thống kê tín dụng BĐS thành mục riêng để có thể điều hành linh hoạt;

- Cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo chỉ tiêu thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng BĐS, tuy có phân định được tỷ lệ vay của các loại hình BĐS, nhưng không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu (nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, BĐS nghỉ dưỡng ...) dễ dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ. Vì vậy, cần phải có tiêu chí cho vay để hướng các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, các dự án có tính thanh khoản cao, bảo đảm thu hồi nợ, cân đối nguồn vốn đáp ứng cho cả cung và cầu, hạn chế cho vay đầu cơ.

- Cần sớm nghiên cứu thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.


2. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm thị trường BĐS, nhất là BĐS nhà ở phát triển cân đối giữa cung và cầu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng của các khu đô thị mới

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường BĐS. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc tham gia thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển đô thị, trong đó có các dự án kinh doanh BĐS, bảo đảm thị trường BĐS, nhất là BĐS nhà ở phát triển lành mạnh và cân đối giữa cung và cầu của thị trường;

- Tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở;

- Đa dạng hóa cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở từ khâu quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý đầu tư theo quy hoạch. Cần có quy định để đa dạng hóa các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường (tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% ); hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự; căn hộ chung cư có diện tích từ 120 m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới;cho phép các chủ đầu tư dự án đã được phê duyệt, đang triển khai thực hiện, điều chỉnh quy mô căn hộ theo hướng tăng số lượng các căn hộ vừa và nhỏ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường;

- Có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển mạnh nhà ở cho thuê, kể cả nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nhà ở cho thuê do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phục vụ nhu cầu thuê nhà ở của người dân khu vực đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp.


3. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn) bảo đảm an sinh xã hội.

4. Sớm giải quyết các vướng mắc về xác định giá đất, nộp thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh bất động sản

- Nghiên cứu, sửa đổi quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân trong giao dịch bất động sản, theo hướng người nộp thuế được nộp thuế theo thuế suất 2% trên giá trị BĐS giao dịch, trường hợp người nộp thuế chứng minh được thu nhập và chi phí thì được nộp thuế theo thuế suất 25% trên thu nhập.


5. Tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh BĐS.


Kiến nghị giải pháp trên đây nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, giá cả hợp lý sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho nhân dân. Thị trường bất động sản không chỉ là ngành tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn góp phần tạo công ăn, việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng phát triển.

Để chấn chỉnh thị trường BĐS, không để thị trường BĐS trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”, kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội, thực hiện có hiệu quả Kết luận 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Misa

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích