Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn gặp khó khăn

Thứ tư, 04/01/2012, 10:24
Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, trong năm 2011 vừa qua hàng loạt Tập đoàn, Tổng công ty đã phải thực hiện giải pháp “kìm giá”.


 

Động thái này, khiến cho không ít các “ông lớn” rơi vào tình cảnh khó khăn, khi giá thành bán sản phẩm ra thấp hơn so với giá thực tế.

Hôm qua (3/1), Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011, kế hoạch năm 2012 và một số định hướng chủ yếu kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 của ngành Công thương.

Kinh doanh các “ông lớn” gặp nhiều khó khăn

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới, năm 2011 vừa qua các Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong nước đã gặp không ít trở ngại, cần tháo gỡ và giải quyết.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, năm 2011 vừa qua là một năm hết sức khó khăn đối với hoạt động kinh doanh lĩnh vực xăng dầu, do chịu tác động trong lĩnh vực giá cả. Có thể nói năm 2011 thị trường tưởng chừng rất bình ổn, nhưng đánh giá của Tổng công ty thì đây là năm cao điểm nhất về giá của các sản phẩm xăng dầu. Diễn biến của dầu khí và sản phẩm xăng dầu có những xu thế thay đổi, mang tính chất bất thường.

Cũng theo ông Bảo, trong năm 2011 thị trường đánh dấu sự thay đổi lớn của tỷ giá, đặc biệt là ngay từ thời điểm đầu năm (tỷ giá đã tăng thêm đến 9,3%), tính cả năm lên tới hơn 11%. Tất cả những yếu tố này, tác động mạnh mẽ đến giá xăng dầu, khi có đến 70% xăng dầu bán ra đều phải nhập khẩu, còn lại 30% cũng hoàn toàn do Dung Quất bán theo giá quốc tế. “Có thể nói năm 2011, giá xăng dầu trong nước bị tác động hết sức mạnh mẽ từ những yếu tố khách quan”, ông Bảo chia sẻ.

Cùng chung vướng mắc với Petrolimex, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cũng chia sẻ, theo dự kiến năm 2012 tình hình sẽ còn rất khó khăn. Tuy nhiên EVN vẫn đặt ra mục tiêu là bằng mọi nổ lực phải đảm đảo đủ điện, cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, trong năm 2012, EVN cũng sẽ tập trung vào xắp xếp và tái cơ cấu Tập đoàn theo chỉ đạo của Chính phủ, để nâng cao chấp lượng và hiệu quả hoạt động, theo hướng chuẩn bị cho vận hành theo thị trường điện.

Bên cạnh những mục tiêu mà EVN đặt ra để thực hiện trong năm 2012 trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ông Thanh cũng không quên đưa ra đề nghị với Chính phủ và Bộ Công thương rằng, cần kiên định thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, để lành mạnh hóa ngành điện và kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.

Còn theo ông Lê Minh Chuẩn - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), giá bán than cho ngành điện so với giá thành năm 2010 đã được kiểm toán xác nhận, cho điện hiện nay mới đạt 57% - 63% giá thành. Nếu so với giá thành năm 2011, thì giá bán than cho điện hiện nay mới bằng khoảng 50% giá thành.

“Vì vậy đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm điều chỉnh giá bán than cho ngành điện để bù đắp chi phí, đồng thời tiến tới theo giá thị trường, để Tập đoàn có vốn đầu tư phát triển các mỏ than, đảm bảo sản lượng cho những năm tới”, ông Chuẩn kiến nghị.

Kiên quyết điều hành theo cơ chế thị trường

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với những khó khăn của Tập đoàn, Tổng công ty đang phải trải quả. Đồng thời cũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong năm 2011.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý rằng: Bước vào năm 2012 theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn năm 2011 và tăng trưởng kinh tế thế giới cũng thấp hơn năm 2011. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì chúng ta vẫn còn nhiều thuận lợi để phát huy.

“Nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2012 được xác định là, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Với tinh thần như vậy, ngành Công Thương cần tiếp tục bám sát và có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trước hết ngành Công Thương cần hết sức quan tâm đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, giá điện sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng có phải lộ trình. Đặc biệt, giá điện bán ra không được thấp hơn giá thành. Khi giá điện phù hợp theo thị trường thì nó sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, giảm chi phí đầu vào, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng.

Cùng với điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết điều hành giá xăng dầu dứt khoát sẽ theo cơ chế thị trường, hòa theo Nghị Định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn