Các nền kinh tế lớn nhất thế giới có 7.600 tỷ USD nợ đáo hạn năm
Thứ ba, 03/01/2012, 15:34
Chính phủ các nền kinh tế hàng đầu thế giới có hơn 7.600 tỷ USD nợ đáo hạn năm nay, với hầu hết đối mặt với việc chi phí vay tăng cao.
Dẫn đầu là Nhật Bản với khoản nợ 3.000 tỷ USD và Mỹ với 2.800 tỷ USD, tính tổng nợ sắp đáo hạn cho nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tăng so với mức 7.400 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hay chi phí đi vay của chính phủ dự kiến sẽ cao hơn vào cuối năm đối với ít nhất 7 nước.
Các nhà đầu tư có thể yêu cầu mức bồi thường cao hơn để cho các nước vay tiền khi các nước này đang gặp khó khăn về vốn khi nợ tăng cao và kinh tế toàn cầu chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống 4%, từ ước tính 4,5% khi khủng hoảng nợ châu Âu lây lan, Mỹ vất vả để giảm thâm hụt ngân sách hiện đã vượt 1.000 tỷ USD và thị trường bất động sản Trung Quốc giảm nhiệt.
Chi phí vay của các nước G7 tăng khoảng 39% trong năm 2011, theo dự báo của Bloomberg về lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm. Lợi suất trái phiếu Trung Quốc kỳ hạn 10 năm có thể vẫn không thay đổi nhiều, trong khi của Ấn Độ dự báo giảm từ 8,39% xuống 8,02%. Khảo sát không bao gồm ước tính cho Nga và Brazil.
Sau Italia, Pháp là nước có số nợ đáo hạn lớn nhất với 367 tỷ USD, sau Đức với 285 tỷ USD. Canada có 221 tỷ USD, trong khi Brazil có 169 tỷ USD, Anh có 165 tỷ USD, Trung Quốc có 121 tỷ USD và Ấn Độ có 57 tỷ USD. Nga là nước có số nợ đáo hạn ít nhất với chỉ 13 tỷ USD.
Chi phí vay tăng cao đã buộc Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland đã phải tìm tới các khoản cứu trợ từ Liên minh châu Âu và IMF. Tháng trước, lợi suất trái phiếu Italia kỳ hạn 10 năm đã vượt 7% - mức đã khiến 3 nước trên phải tìm tới cứu trợ.