Trong quý 4 năm 2011, nghiên cứu của Grant Thornton cho thấy, sự lạc quan của nền kinh tế toàn cầu đứng ở mức 0%, trong khi quý 2, 3 tỷ lệ này lần lượt là 31% và 3%. Ở Việt Nam, mức độ lạc quan giảm từ 80% ở quý một xuống còn 34% trong quý 4. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ lạc quan và kỳ vọng cho sự tăng trưởng cao hơn.
Kinh tế năm 2012 còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ed Nusbaum, CEO của Grant Thornton International, cho hay, mối đe dọa của cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro làm lãnh đạo các doanh nghiệp không tin tưởng vào nền kinh tế năm sau. Diễn biến khó lường của nền kinh tế đã bóp nghẹt sự kỳ vọng về tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Grant Thornton cho rằng, do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng châu Âu, nền kinh tế năm nay sẽ có nhiều mối lo ngại và còn khó khăn hơn năm 2011.
Kỳ vọng của doanh nghiệp về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quý bốn đã giảm 2% so với quý trước. Xét về khu vực, kỳ vọng về chỉ tiêu lợi nhuận của EU giảm 12% xuống còn 13%, Mỹ Latin giảm 16% xuống mức 47% và khu vực châu Á giảm 24% xuống còn 33%. Riêng Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lên mức trên 40% trong năm 2012.
Theo khảo sát, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều từ việc tăng giảm về nhu cầu tiêu dùng của thị trường, kết quả cho thấy tỷ lệ này chỉ tăng 1%. Nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay trong năm 2012. Tuy nhiên đa số vẫn tin rằng lãi vay sẽ hạ trong năm sau.
Ông Ken Atkinson, Giám đốc điều Hành Grant Thornton Việt Nam cho hay, năm 2011 là một năm khó khăn cho Việt Nam kể từ khi khủng hoảng xảy ra. Nền kinh tế hiện đương đầu với rất nhiều khó khăn, sự tự tin và lạc quan giảm đáng kể trong 12 tháng qua. Năm 2012 sẽ là một năm thử thách đối với Việt Nam trong việc giải quyết lạm phát và kiểm soát lãi vay ngân hàng. Mặc dù thu được kết quả rất tốt trong năm 2011, song mức độ tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu có thể sẽ chậm lại nếu vấn đề châu Âu chưa được giải quyết xong.
Theo Vnexpress