Du lịch Việt: "Biếu" khách cho nước ngoài

Thứ hai, 02/01/2012, 08:57
Chưa năm nào các công ty du lịch tích cực quảng cáo các tour đi du lịch nước ngoài vào dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán như năm nay.

 

Lý do được các công ty du lịch lữ hành nêu ra là giá vé máy bay ổn định, giá dịch vụ khách sạn, ăn uống ở nước ngoài không thay đổi. Thêm một lý do khác tuy không được các công ty du lịch công bố, nhưng có thể nhìn thấy đó là khoản ưu đãi hậu hĩnh từ các đối tác ở nước ngoài.
 
Các tour đi du lịch nước ngoài vừa có tham quan, mua sắm vừa đến những khu vui chơi giải trí nổi tiếng nên thu hút gia đình có mức thu nhập khá trở lên.


Tấp nập tiếp thị du lịch outbound

Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch của nhiều nước khi số người thu nhập từ trung bình trở lên ở Việt Nam ngày càng nhiều và nhu cầu du lịch đang tăng. Vừa qua, trong thời gian khắc phục hậu quả động đất, Tổng cục Du lịch Nhật Bản đã mời các công ty du lịch Việt Nam đưa khách sang Nhật.

Không chỉ Hàng không Nhật Bản mà cả hãng Hàng không Vietnam Airlines cũng cùng đối tác tại Nhật đưa ra giá thật ưu đãi. Nhờ đó, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Công ty Vietravel khởi động lại hành trình Nhật Bản từ tháng 6/2011 với giá rẻ được tới 8 - 12 triệu đồng/khách. Đến tháng 10/2011, Thái Lan bị lũ lụt lớn. Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam hoạt động tích cực: thông báo thường xuyên tình hình lũ lụt và nhanh chóng tổ chức các đoàn farmtrip cho đại diện các đơn vị lữ hành Việt Nam đi thị sát và tổ chức lại tour Thái Lan trước Noel, tạo đà thu hút khách vào dịp Tết Nguyên đán.

Những phản ứng nhanh, khắc phục hậu quả thiên tai đi liền tái lập sớm hoạt động du lịch với nhiều chương trình quảng bá khẳng định: "điểm đến vẫn tuyệt vời" khiến du khách Việt Nam tiếp tục đăng ký du lịch Nhật Bản và Thái Lan với sự tin tưởng lẫn hiếu kỳ.
 

Nói về thắng cảnh, Malaysia không thật nổi trội để thu hút du khách Việt Nam, nhưng Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia đã nhắm đến sở thích mua sắm của người Việt Nam khi du lịch nước ngoài để quảng bá điểm đến của họ. Đầu tháng 11/2011, Malaysia đã mở văn phòng đại diện Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Hà Nội và nhấn mạnh: tour mua sắm hàng miễn thuế và du lịch sang trọng sẽ là sản phẩm du lịch trọng điểm của Malaysia dành cho thị trường du khách Việt Nam. Du khách có thể tìm thấy hơn 300 loại hàng hóa miễn thuế của các thương hiệu hàng đầu thế giới.
 

Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cũng không đứng ngoài để nhìn các nước thu hút du khách Việt Nam. Cuối tháng 11/2011 đơn vị này đã tổ chức giới thiệu những tour du lịch giá rẻ và có thưởng với các công ty du lịch tại TP.HCM. 7 công ty du lịch Hàn Quốc tư vấn cho 69 công ty du lịch của Việt Nam các điều kiện được ưu đãi. Với chương trình xúc tiến du lịch quảng bá những tiện ích đa dạng, các gói siêu giảm giá nhân các lễ hội, giảm giá cho khách du lịch dài ngày… đặc biệt miễn visa khi đến đảo Jeju, Hàn Quốc kỳ vọng thu hút được ít nhất 10.000 du khách Việt Nam sang du lịch nước này trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012, dù thời điểm này đang là mùa đông ở Hàn Quốc.
 

Đến tháng cuối năm 2011, các công ty du lịch ở Việt Nam vẫn còn nhận được những lời mời và hứa hẹn nhiều ưu đãi từ các cơ quan du lịch Hồng Kông và Thẩm Quyến (Quảng Đông) của Trung Quốc. Hồng Kông và Thẩm Quyến đã phối hợp thiết kế hành trình mới cho các công ty du lịch Việt Nam đưa vào nhóm tour châu Á trong dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Thẩm Quyến và Hồng Kông đều là những địa chỉ cho những người mê mua sắm và thích những thú vui giải trí hiện đại. Chính sách cấp nhanh thị thực lưu trú 6 ngày đối với người nước ngoài khiến cho các công ty du lịch xúc tiến ngay việc giới thiệu tour này. Thật bất ngờ, chỉ trong hai tuần, vé tour Hồng Kông - Thẩm Quyến đã hết sạch.
 

Trong nước: ứng xử không hợp lúc

Theo các công ty du lịch, tour đi du lịch nước ngoài (outbound) được giới thiệu mạnh thật ra không phải do giá tour rẻ mà do giá vé máy bay, giá dịch vụ khách sạn, ăn uống ở nước ngoài ít thay đổi vào dịp cuối năm nên việc thiết kế hành trình các tour ổn định hơn. Ngay khi mọi người còn chưa rõ được nghỉ Tết bao nhiêu ngày, các công ty du lịch đã nhận khách tour outbound, nhiều nhất là các tour châu Á.

Du khách phần nhiều đi tour Tết theo nhóm gia đình, các tour đi nước ngoài đều vừa có tham quan, mua sắm vừa đến những khu vui chơi giải trí nổi tiếng ở các nước, phù hợp cho cả người lớn và trẻ em nên khách có thu nhập cao thích hơn. Còn với các tour Tết trong nước, mặc dù cũng được giới thiệu từ tháng 11, nhưng việc các công ty du lịch không đưa giá vé máy bay, giá tàu lửa vào giá tour đã khiến du khách TP.HCM không mặn mà khi đăng ký đi Tây Bắc, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Phú Quốc…

Khách từ Hà Nội, Đà Nẵng cũng ngại mua tour du xuân phía Nam. Từ 15/12/2011, Vietnam Airlines đã chính thức tăng giá vé máy bay nội địa, khách càng phải tính toán lại khi vé máy bay chiếm đến 60 - 70% giá tour. Công bố tăng giá vé máy bay nội địa quá cận Tết khiến các công ty du lịch chỉ dám nhận khách đi các tour trong nước đúng một tháng trước Tết. Trong khi đó, trước 2-3 tháng Vietnam Airlines lại khá tích cực cùng các đối tác nước ngoài quảng bá các tour mới ở Hàn Quốc, Malaysia.

Với các địa phương, đáng lẽ đẩy mạnh quảng bá những điểm du lịch "hot", mời chào khách đến vào dịp Tết như các nước khác đã làm thì tất cả hầu như im ắng, thậm chí có nơi còn công bố tăng giá vé điểm tham quan làm du khách càng mất thiện cảm với du lịch trong nước. Với cách ứng xử như thế, chả khác nào các công ty du lịch Việt Nam đành "biếu" khách cho nước ngoài.

Theo DDDN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích