Năm 2011 được xem là năm tương đối thành công của nền kinh tế Mỹ khi quốc gia này liên tục đón nhận những chỉ báo kinh tế khả quan hơn, trong bối cảnh khá ảm đạm của kinh tế toàn cầu.
Với 3 chỉ số chính của TTCK Mỹ, đến ngày 29/12 chỉ có NASDAQ có mức giảm 1.48%, hai chỉ số còn lại đều tăng trưởng dương: Dow Jones tăng 6.13% và S&P 500 tăng nhẹ 0.43%.
Trong khi đó, không có gì ngạc nhiên khi các chỉ số thị trường của khu vực châu Âu đều có mức tăng trưởng âm như FTSE 100 của Anh (-5.65%), DAX 30 của Đức (-15.41%) và CAC 40 của Pháp (-17.8%)… Điều này cũng dễ hiểu khi tâm điểm của cuộc khủng hoảng trong năm 2011 nằm ở khu vực này.
Điều khá bất ngờ là hầu hết các chỉ số thị trường khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm như Nikkei 225 của Nhật Bản (-17.89%) và Hang Seng Index của Hong Kong (-20.13%), mặc dù nền kinh tế khu vực này khá năng động và ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Có lẽ do mức độ phụ thuộc khá lớn và độ nhạy cảm cao của các nền kinh tế khu vực Châu Á nên các chỉ số thị trường này lại bị dao động mạnh nhất.
Không nằm ngoài xu hướng đó, các chỉ số TTCK Việt Nam đã trải qua một năm trượt dài “không phanh”. Tính đến ngày 30/12, VN-Index đã mất 27.5% so với kết thúc năm 2010 đứng tại 351.55 điểm, và HNX-Index mất 48.6% đứng tại 58.74 điểm.
Mức giảm của VN-Index chỉ vào khoảng ½ so với mức giảm của HNX-Index nhờ vào nỗ lực nâng đỡ của nhóm Large Cap. Trong năm 2011, VS-Large Cap chỉ giảm nhẹ 6.23%. Trong khi đó, VS-Micro Cap giảm đến 61.1%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 54% và VS-Mid Cap giảm 50.3%.
Mức độ giảm sâu này đã phần nào thể hiện được sức khỏe nội tại của nền kinh tế trong nước. Điều này cũng nói lên được làn sóng xả hàng và niềm tin của giới đầu tư đối với TTCK Việt Nam sút giảm.
Các chỉ số chứng khoán tăng và giảm mạnh nhất trên thế giới
Theo vietstock