Hoạt động ngân hàng 2011: VND đã đi đâu?

Thứ sáu, 30/12/2011, 06:22
Một năm có quá nhiều sự kiện quan trọng, có nhiều đổi thay và xáo trộn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Nhiều người trong ngành vẫn cho rằng 2011 còn khó khăn hơn cả năm khủng hoảng 2008.


 

VnEconomy cùng bạn đọc điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2011 này, trong đó "VND đã đi đâu?" là một câu hỏi đặt ra.

1. Tín dụng, cung tiền thấp nhất hơn 15 năm qua

Trên biểu đồ dữ liệu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán của hơn 15 năm trở lại đây, kết quả của năm 2011 tạo một điểm rơi rõ rệt, thấp hơn cả hai điểm trũng của năm 1998 và 2002. Bản thân năm 2011, kết quả của nó cũng thấp hơn hẳn các chỉ tiêu đề ra.

Đầu năm, triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay giới hạn dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% - 16%. Thế nhưng, kết quả ước tính lần lượt chỉ là 12% và 10%.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh kết quả đó ở giá trị kiềm chế lạm phát, ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện. Tuy nhiên, mặt trái của hai tỷ lệ quá thấp đó đến nay vẫn chưa được phân tích một cách rõ ràng và cụ thể. Còn trên thực tế, đó là hai trở ngại lớn đối với nỗ lực giảm lãi suất, với khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

2. Chuyển giao hai nhiệm kỳ Thống đốc

Năm 2011 khá đặc biệt khi chứng kiến sự chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc. Tính chất đặc biệt của nó có ở nhiều thay đổi trong quản lý và điều hành chính sách tiền tệ.

Ngày 3/8, hệ thống chính thức đón nhận người đứng đầu mới là ông Nguyễn Văn Bình. Ngay trong những ngày đầu, dưới sự điều hành của tân Thống đốc, thị trường ghi nhận những thay đổi cơ bản. Đó là siết lại trật tự hệ thống về lãi suất và tỷ giá, hướng đi mới trong bình ổn thị trường vàng và sự vào cuộc giảm lãi suất cho vay; chính thức triển khai lộ trình tái cơ cấu hệ thống.

Thay đổi cụ thể hơn là việc bỏ những rào cản quan trọng trong Thông tư 13 và 19 có hiệu lực trong năm 2010; mở lại cơ chế cho vàng tài khoản; “giải phóng” cho 4 nhóm đối tượng thoát rổ tín dụng phi sản xuất; khởi động cơ chế phân bổ chỉ tiêu tín dụng thay vì cào bằng…

3. Căng thẳng trần lãi suất

Không mới, trần lãi suất huy động VND 14%/năm là câu chuyện của năm 2010 chuyển giao. Nhưng đến năm 2011 nó diễn biến phức tạp và căng thẳng. Từ tháng 8 trở về trước, hiện tượng phá trần trở nên phổ biến gây méo mó, bất ổn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Từ tháng 8 trở về sau, trần lãi suất được làm nghiêm, gắn với những quyết định xử phạt xôn xao trên thị trường, trong đó có cả dư luận về cái gọi là ngân hàng “cài bẫy” ngân hàng.

Thế nhưng, thời điểm cuối năm, chính thức và bên lề, thông tin ngân hàng vượt trần lãi suất lại rộ lên và một lần nữa đặt ra yêu cầu vào cuộc, giám sát gắt gao từ Ngân hàng Nhà nước.

Là một giải pháp hành chính mang tính tình thế, cho đến nay trần lãi suất vẫn chưa thể được điều chỉnh hay gỡ bỏ, dù khi tiếp nhận vị trí đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp sẽ gỡ bỏ.

4. Nước rút hạ tỷ trọng tín dụng phi sản xuất

Ngày 1/3/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, trong đó quy định đến 30/6/2011 tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa phải là 22% và đến 31/12/2011 tối đa là 16%.

Chỉ thị này lập tức tác động mạnh đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, thường trực và căng thẳng cho đến hết năm. Đó là một cuộc đua nước rút hạ tỷ trọng tín dụng phi sản xuất, mà phản ứng là sự “đóng băng” tín dụng tiêu dùng tại nhiều ngân hàng, sự chao đảo của thị trường bất động sản và sự suy giảm kéo dài của thị trường chứng khoán…

Một tháng trước hạn 31/12 với rào cản 16% nói trên, Ngân hàng Nhà nước có động thái “nới lỏng” khi mở cơ chế cho loại trừ 4 nhóm đối tượng thoát nhóm tính dư nợ phi sản xuất.

5. Tỷ giá và “cam kết không quá 1%”

Ngày 7/9/2011, tại hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp: dư sức để can thiệp những biến động trên thị trường ngoại hối, và nếu điều chỉnh tỷ giá thì từ đó đến cuối năm không quá 1%. Đến nay, cam kết này được giữ vững, tỷ giá USD/VND có sự ổn định tương đối trong khoảng nửa cuối năm 2011. Những cơn sốt tỷ giá vào cuối năm và ám ảnh của “con ngáo ộp” tín dụng ngoại tệ đến thời điểm này có thể nói đã được loại trừ.

Có một điểm trong thông điệp ngày 7/9 ít được dư luận chú ý là từ “dư sức” mà Ngân hàng Nhà nước dùng đến. Phía sau từ “dư sức”là sự gia tăng rất nhanh và mạnh của dự trữ ngoại tệ trước đó, kết quả của loạt giải pháp triển khai quyết liệt từ đầu năm, từ áp trần lãi suất huy động USD, kết hối và mở rộng kết hối, đến những chuyển biến vĩ mô với trạng thái thặng dư khá lớn của cán cân tổng thể…

6. Tái cấu trúc và sự cụ thể hóa đầu tiên

Ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố kế hoạch hợp nhất ba ngân hàng thương mại là SCB, Ficombank và TinNghiaBank. Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường đón nhận vụ hợp nhất diễn ra một cách nhanh chóng như vậy. Đây cũng là sự cụ thể hóa đầu tiên trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà Trung ương Đảng đề ra, cũng như Ngân hàng Nhà nước đã định hình triển khai.

Về hình thức, sự kiện này cho thấy nhà điều hành đang quyết tâm và nhanh gọn trong việc củng cố lại hệ thống. Còn thử thách và kết quả của việc hợp nhất vẫn ở phía trước. Ngày 23/12, ngân hàng hợp nhất đã tiến hành đại hội cổ đông; ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chính thức chấp thuận về mặt pháp lý việc thành lập và hoạt động của ngân hàng mới.

Liên quan đến sự kiện này, tái cấu trúc và sự lo ngại “hiệu ứng Tăng Sâm” là dòng chảy nổi bật trong hoạt động ngân hàng 2011. Phía sau đó là những đồn đoán, là sự dịch chuyển của dòng tiền gửi, gắn với cơ chế trần lãi suất, gây những xáo trộn nhất định trên thị trường.

7. Bất ổn thị trường liên ngân hàng

Tháng 10/2011, thị trường liên ngân hàng bước vào những bất ổn khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện hiện tượng áp cơ chế bảo đảm, thế chấp trong giao dịch giữa các thành viên. Cơ chế này lập tức tạo một không khí ngột ngạt và ảnh hưởng tới sự điều hòa các dòng vốn trong hệ thống, căng thẳng thanh khoản tại một số thành viên. Quan trọng hơn, giá trị lớn nhất của thị trường này là niềm đã bị đánh mất khi các thành viên nghi ngờ lẫn nhau, khi phát sinh những món nợ đồng lần…

Đi cùng với cơ chế đó, lãi suất huy động vàng và ngoại tệ “lạ” biến động và tăng nhanh, khi một số thành viên cần có tài sản để thế chấp gọi vốn trên thị trường liên ngân hàng. Đáng chú ý là cho đến nay vẫn chưa có một sự can thiệp triệt để nào từ Ngân hàng Nhà nước được công bố, để trả lại môi trường vốn có cho thị trường này, cũng như vai trò của nó trong điều hòa các dòng vốn.

8. Xuất hiện “yếu tố nhóm” trong hệ thống

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội ngày 24/11, có một câu hỏi được đặt ra: liệu có “lợi ích nhóm” trong những điều chỉnh chính sách tiền tệ gần đây? Câu hỏi này xuất phát từ “yếu tố nhóm” định hình trong chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, ngay sau khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo cao nhất ngành, bước đi đầu tiên của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là thành lập nhóm 12 ngân hàng lớn với tên gọi được nhắc đến là “G12”, gồm những thành viên lớn và mạnh trong hệ thống. Sự kiện này lập tức tạo sự phân biệt trong hệ thống, cả trong tâm lý khách hàng và người gửi tiền. Có ngân hàng trong nhóm đã quảng bá rộng rãi thông điệp “G12” như một “chứng chỉ” trong bối cảnh tâm lý người dân ít nhiều xáo trộn từ thông tin tái cấu trúc hệ thống…

Ngoài ra, năm 2011 cũng đón nhận sự trở lại của vàng tài khoản, mở riêng cho 5 ngân hàng thương mại lớn trong giải pháp bình ổn thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước triển khai. Nhóm nay cũng được gắn với tên gọi “G5” trong các thông tin bình luận liên quan.

9. Thử thách lớn trong bình ổn thị trường vàng

Một năm thị trường vàng có quá nhiều biến động, kịch tính và cả những bất cập. Lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng trong nước có thời điểm vượt trên giá thế giới tới 4 triệu đồng/lượng và duy trì trạng thái vượt trội đó kéo dài, thách thức các nỗ lực rút ngắn của Ngân hàng Nhà nước.

Như ở sự kiện trên, việc mở lại vàng tài khoản ở nước ngoài cho 5 ngân hàng lớn, phối hợp cùng SJC là giải pháp trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Dù “liều thuốc” cấp hạn mức nhập vàng đã không còn được dùng đến, áp lực đối với tỷ giá cũng được xử lý đáng kể, nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vẫn là bài toán chuyển giao cho năm 2012.

Đáng chú ý là trong năm 2011, dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng trở thành một câu chuyện dài, gắn với nhiều biến động và phản ứng trên thị trường. Liên quan, ngày 25/11, trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chính thức tuyên bố vàng SJC trở thành vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong lộ trình tăng cương quản lý thị trường rất nhạy cảm này.
 
10. Câu hỏi: VND đã đi đâu?

Cuối cùng, điểm nổi bật mà VnEconomy đặt ra để điểm lại hoạt động của hệ thống ngân hàng năm 2011 là câu hỏi: VND đã đi đâu?

Bất động sản ồ ạt giảm giá, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán được cho là rẻ rúng, giới hạn tăng trưởng tín dụng tại nhiều nhà băng đã hết năm vẫn còn khá lớn… Nhưng vấn đề là tiền và tiền mặt. Trong khi đó, liên tiếp các tháng 9, 10 huy động vốn của hệ thống ngân hàng sụt giảm; riêng tháng 11, 12 và báo cáo chung cả năm đến nay vẫn chưa thấy dữ liệu được công bố.

Trả lời câu hỏi trên là một vấn đề lớn. Yếu tố tham khảo là: tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm nay tạo đáy như vậy; nhập siêu vẫn lớn với 9,5 tỷ USD mà tính chuyển đổi của VND rất hạn chế để có thể chảy trực tiếp sang nước bạn; lượng vàng nhập khẩu qua các đợt bình ổn năm 2011 cũng ngốn một lượng tiền lớn đang tích tụ và trú ẩn trong dân cư thay vì đi vào sản xuất kinh doanh…

Và cùng với câu hỏi trên, một câu hỏi liên đới là “Bao giờ lãi suất VND mới thực sự giảm?” - câu hỏi được chuyển tiếp cho năm 2012, dù trong năm 2011 chủ trương giảm lãi suất cho vay xuống 17 - 19% đã là một câu chuyện dài.

Theo vneconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn