Cả 6 quỹ do KITM quản lý sẽ ở lại TTCK Việt Nam
Hai tháng cuối năm 2011, thị trường chứng kiến động thái bán ra quyết đoán từ khối NĐT nước ngoài. Khác với những đợt thoát hàng khi thị trường tăng giá trước đây, lần giao dịch này của khối ngoại hành động bền bỉ và kiên nhẫn ngay cả khi thị trường lao dốc…
Hai quỹ Hàn Quốc ở lại
Sự quyết đoán này khiến nhiều NĐT nội địa liên tưởng đến một cuộc tháo chạy của các quỹ đầu tư sắp kết thúc thời hạn hoạt động. Giới thạo tin chỉ ra hai cái tên sẽ gặp áp lực là Korea Investment Trust Management (KITM) và TongYang.
Giống làn sóng quỹ đầu tư thứ hai, hai quỹ của Hàn Quốc này giải ngân mạnh vào TTCK Việt Nam trong năm 2006 - 2007. Năm 2012 là thời điểm các quỹ phải thanh lý danh mục. Thời kỳ đỉnh cao, tổng tài sản của riêng hai quỹ đã vượt 1 tỷ USD. Áp lực thoái vốn nếu không giảm sẽ là đòn cân não đối với thị trường.
Tuy nhiên, nguồn tin tại KITM cho biết, Ban quản lý quỹ vừa đạt được thỏa thuận với cổ đông, cho phép chuyển đổi mô hình thành quỹ mở.
Trước đó vài tháng, trong cuộc họp tại Hàn Quốc, đại diện KITM đã thuyết phục các cổ đông rằng, giải thể quỹ là một sự lựa chọn tồi. Bởi lẽ, giá cổ phiếu Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, dưới tác động của một loạt yếu tố bất ổn ngắn hạn.
Như vậy, cả 6 quỹ do KITM quản lý sẽ ở lại TTCK Việt Nam, với lượng tài sản trị giá xấp xỉ 400 triệu USD. Tương tự, thông tin từ Tong Yang cho hay, Quỹ có động thái giống quỹ đồng hương KITM, quá trình chuyển đổi sang quỹ mở sắp hoàn thành.
Vậy loại trừ động thái tái cơ cấu danh mục của một số quỹ ETF, điều gì khiến NĐT nước ngoài tăng cường bán ròng, bất chấp TTCK Việt Nam liên tiếp xác lập các mức đáy mới?
Trao đổi với ĐTCK, ông Juerg Vontobel, Giám đốc đầu tư của Vietnam Holding cho rằng, động thái này thuộc về kỹ thuật giao dịch của các NĐT tổ chức. Khi dự tính xu hướng thị trường sẽ đi xuống, các quỹ thường bán ra cổ phiếu.
Giá cổ phiếu giảm trong thị trường giá xuống, còn giá trị của tiền thì không. Do đó, một chiến lược đầu tư tiêu chuẩn luôn phải có một lượng lớn tiền mặt dự phòng trong thời kỳ giá cổ phiếu giảm.
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài nhận xét, sắp tới, các quỹ có kỳ hạn hoạt động 5 năm buộc phải lấy ý kiến cổ đông xem có nên duy trì hoạt động hay không. Nếu thị trường lúc đó vẫn ở mức thấp như bây giờ hoặc thấp hơn, thì áp lực đòi đóng quỹ từ phía cổ đông sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, không có chuyện các quỹ bán danh mục chỉ để đề phòng cổ đông đòi thoái vốn. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất thì các quỹ vẫn có một khoảng thời gian nhất định để thanh lý. Để giảm thiểu khoản lỗ, việc thoái vốn sẽ diễn ra theo trình tự nhắm vào các đợt phục hồi trung hạn của thị trường.
Những cú huých trước thềm năm 2012
Sự bi quan đang lan tỏa tới tận ngõ ngách của TTCK, nhưng theo khảo sát của ĐTCK, một số tổ chức nước ngoài vẫn giữ quan điểm khá lạc quan.
"TTCK Việt Nam đang ở giữa ngã ba đường của một loạt yếu tố tiêu cực, khiến chỉ số giảm sút chỉ còn bằng 32% so với mức đỉnh năm 2007. Nhưng chúng tôi tin rằng, kinh tế suy giảm do lạm phát, nếu được hỗ trợ bởi yếu tố ổn định tiền đồng, thì có thể đảo nghịch vòng luẩn quẩn và đưa nền kinh tế hồi phục mạnh trong năm tới. Vẫn còn nhiều rủi ro trong việc đầu tư vào Việt Nam, nhưng chúng tôi một lần nữa cam đoan về tiềm năng đầu tư từ sự phát triển của cả nền kinh tế", một quỹ đầu tư nước ngoài có trụ sở ở London gần đây đã viết như vậy gửi các cổ đông.
"NĐT tổ chức nước ngoài nhìn nhận chính sách thắt chặt tiền tệ gần đây như một liều thuốc đắng, nhưng cần thiết. Một khi tỷ lệ lạm phát năm giảm, họ sẽ thực sự được khích lệ. Do đó, có hy vọng", ông Juerg Vontobel bình luận.
Theo ông Juerg Vontobel, sự lao dốc của TTCK Việt Nam bắt nguồn từ vị thế suy giảm của thị trường bất động sản và ngân hàng, với khó khăn về thanh khoản. Tin tốt cho cả ngân hàng và bất động sản là cuộc chiến lạm phát đang đi đúng hướng.
Ngay cả giá điện, giá xăng dầu, thậm chí là giá nước sạch có tăng trong vài tháng tới, thì Vietnam Hoding vẫn tin rằng, đến mùa Hè năm 2012, lạm phát sẽ giảm tốc đáng kể, cho phép Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp TTCK đảo chiều.
Vị này nhận xét, hoàn cảnh hiện nay của TTCK Việt Nam khá giống với những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, Việt Nam chưa có TTCK, nhưng thu hút khoảng 350 triệu USD vốn từ các quỹ đầu tư, phần lớn thành lập năm 1992 - 1993, đáo hạn vào năm 1997 - 1998 khi châu Á rơi vào suy thoái kinh tế.
Khi đó, chỉ có Vietnam Holding là không bị cổ đông đòi thanh lý. Lúc ấy, tâm lý NĐT không chỉ bi quan với Việt Nam, mà với toàn thị trường châu Á. Còn giờ đây, nhiều ngân hàng toàn cầu nói rằng, các thị trường mới nổi ở châu Á dường như là cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn các thị trường khác trên thế giới.
Một minh chứng cho các nhận định lạc quan này là vốn ngoại vẫn đang âm thầm chảy vào Việt Nam. Thông tin của ĐTCK từ BankInvest cho hay, quỹ đầu tư Đan Mạch này đã huy động thành công trên 100 triệu USD để giải ngân vào các DN tư nhân chưa niêm yết.
Trong lĩnh vực dược phẩm, đầu năm 2012, NĐT nước ngoài sẽ mua lại cổ phần của hai công ty dược trong nước, quy mô của thương vụ lên tới hàng trăm triệu USD. Ở thời khắc căng thẳng hiện tại, tâm lý các NĐT nội địa rất cần những "cú huých" như vậy.
Theo ĐTCK