Lạm phát đã chậm lại một cách rõ ràng ở một số hàng hoá. Giá kim loại đồng đã giảm 21% từ đầu năm. Giá bông giảm 45%. Giá khí thiên nhiên tiếp tục giảm và giá dầu thô cũng đã rút xuống từ mức đỉnh trong tháng 4, dù không sâu như những hàng hoá khác.
Tổng thể hơn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11, theo công bố mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 2,7% của tháng 10 và 2,9% của tháng 9. Những con số này không bao hàm giá thực phẩm và năng lượng.
Xu hướng chậm lại của lạm phát như thế đã khá rõ, song không phải ai cũng hào hứng với tin này, đặc biệt là giới điều hành doanh nghiệp. Theo họ, mức giảm giá này chưa thấm gì so với sự tăng lên từ đầu năm, nhất là ở giá yếu tố đầu vào.
Tháng trước, Deere & Co., một nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp đã cảnh báo rằng, mặc dù chi phí nguyên liệu thô đã giảm xuống từ các mức đỉnh, nhưng chi phí của Deere & Co. sẽ vẫn tăng thêm 500 triệu USD vào năm 2012 do sự tăng giá hàng hoá đầu năm nay. “Một số khoản chi phí nguyên liệu thô có thể giảm nhẹ, nhưng chưa đáng để quan tâm, vì chúng vẫn cao hơn quá nhiều so với năm ngoái”, Kurt Darrow, Giám đốc điều hành của La-Z-Boy Inc. - nhà sản xuất dụng cụ gia đình nói.
Trong tháng 11 năm nay, 29% số giám đốc vật tư của các doanh nghiệp sản xuất mà Viện quản lý cung khảo sát cho rằng, giá nguyên liệu thô sẽ giảm xuống, trong khi 19% cho rằng sẽ tăng. Đó là một sự thay đổi lớn nếu so với kết quả khảo sát hồi tháng 4, khi đó 72% cho rằng chi phí đầu vào sẽ tăng và chỉ 1% cho là giảm.
Trong khi đó, chí phí lao động vẫn lặng lẽ tăng. Tiền công giờ của các công nhân thuộc khu vực tư nhân tại Mỹ đã tăng 1,8% trong tháng 11 so với đầu năm (chưa điều chỉnh theo lạm phát). Trong quý III/2011, chi phí lao động bình quân cho mỗi đơn vị sản phẩm phi nông nghiệp tăng 0,4% so với đầu năm.
Một số nhà dự báo cho rằng, lạm phát sẽ hạ nhiệt hơn nữa trong năm tới. Theo các nhà kinh tế của J.P. Morgan, chỉ số giá tiêu dùng sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm 2012. Bruce Kasman, một kinh tế gia của J.P. Morgan cho rằng, sự chậm lại của kinh tế toàn cầu là nhân tố lớn khiến lạm phát hạ nhiệt. Đầu năm nay, do lo ngại lạm phát, quan chức các thị trường mới nổi đã tăng lãi suất và áp dụng các biện pháp khác để kiềm chế tăng trưởng nóng.
Những chính sách này dường như hơi “quá tay”. Kasman dự báo, các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2012, chậm hơn khá nhiều so với mức 5,7% của năm 2011 và 7,3% của năm 2010. “Và vì các nước như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ là những nhà mua sắm lớn, sự chậm lại của kinh tế các nước này sẽ làm giảm áp lực lạm phát ở mọi nơi”, Kasman nói.
Các quan chức của Fed đang nhìn ngắm lạm phát chậm lại với tâm trạng khuây khoả. Họ từng bị chỉ trích vì đã gieo mầm cho lạm phát bằng cách duy trì lãi suất ngắn hạn thấp và in tiền để mua trái phiếu dài hạn. Chủ tịch Fed Ben Bernanke và các quan chức khác cũng đã dự đoán lạm phát sẽ giảm, bởi họ tin là giá hàng hoá chỉ tăng tạm thời.
Fed đang xem xét các biện pháp mới để hỗ trợ tăng trưởng. Hai ý tưởng được đưa ra là: cam kết giữ lãi suất ngắn hạn thấp, gần bằng 0% lâu hơn, thậm chí đến giữa năm 2013 và tái khởi động chương trình mua trái phiếu nhằm đưa lãi suất dài hạn xuống thấp hơn mức hiện nay. Tuy nhiên, trước khi tiến hành một trong hai biện pháp trên, Fed muốn có thêm sự chắc chắn để có thể tin rằng, chúng sẽ không tạo ra lạm phát ngoài ý muốn.
“Tin tức về lạm phát này sẽ mở cánh cửa cho hành động của Fed nếu như tỷ lệ thất nghiệp có khuynh hướng cao hơn trong nửa đầu năm tới”, Kasman nói.
Biện pháp đầu xem ra có vẻ khả dĩ hơn, song cả hai còn phụ thuộc vào việc nền kinh tế sẽ vận hành thế nào. Nếu tăng trưởng hồi phục và thất nghiệp giảm xuống, thì việc Fed (có thể) mua trái phiếu là không cần thiết.
Theo ĐTCK