Theo xếp hạng kinh tế thế giới mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh - đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo xếp hạng kinh tế thế giới mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh - đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Báo cáo của CEBR cho biết sở dĩ nền kinh tế Brazil tiến lên vị trí thứ 6 chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Á trong năm qua tăng mạnh. Trong khi đó, Anh rơi xuống vị trí thứ 7 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và suy thoái kinh tế thế giới.
Theo xếp hạng của CEBR, các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp tiếp tục chiếm năm vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng. Ngoài Brazil và Anh, các vị trí còn lại trong Top 10 thuộc về Italy, Nga và Ấn Độ.
Bảng xếp hạng của CEBR cũng cho thấy các nền kinh tế châu Á tăng thứ hạng trong khi các nước châu Âu lại thụt lùi.
CEBR nhận định Pháp - nền kinh tế đang tụt dốc nhanh chóng - sẽ vẫn giữ được vị trí thứ 5 thế giới trong vài năm tới, nhưng nhiều khả năng sẽ bị Brazil "qua mặt" vào năm 2016 (thậm chí trước cả năm 2015 theo dự báo của Bộ trưởng Tài chính Brazil).
Đến năm 2020, nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu sẽ rơi xuống vị trí thứ 9, sau cả Anh, trong khi cùng thời điểm đó, Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu - sẽ rớt xuống vị trí thứ 7.
Châu Âu được dự báo sẽ phải chịu một "thập kỷ mất mát," vì áp lực trả nợ sẽ kiềm chế tăng trưởng của các nước lục địa già trong nhiều năm.
Một báo cáo dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố hồi đầu năm nay cho thấy nền kinh tế Brazil sẽ vượt Anh vào năm 2011. Tuy nhiên, các quan chức cho rằng quốc gia Nam Mỹ này sẽ phải mất hai thập kỷ nữa mới có thể sánh kịp các nước châu Âu về tiêu chuẩn sống.
Trong khi đó, Nga và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm tới, và có thể sẽ sớm đẩy Anh xuống vị trí thứ 8.
Nga, sau nhiều thập kỷ bán dầu mỏ và khí đốt sang các nước châu Âu và châu Á, được dự đoán sẽ sớm vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng nền kinh tế toàn cầu./.