Động đất sóng thần tại Nhật Bản: Nhiều nền kinh tế châu Á bị de dọa
Trận động đất mạnh tới 8,9 richter ngày 11/3 đã làm rung chuyển bờ biển Thái Bình Dương của Nhật, gây ra sóng thần cao tới 10m ập vào thành phố cảng Sendai. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất có cường độ lớn thứ bảy trong lịch sử nhân loại từng được ghi nhận và là trận động đất lớn nhất lịch sử nước Nhật.
Đây là thảm họa tồi tệ nhất tại Nhật kể từ năm 1923 với trận động đất tại Kano khiến hơn 142.000 người tử vong. Các nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và Fukushima II của Nhật Bản cũng bị hư hại nghiêm trọng gây ảnh hưởng nhiễm xạ trầm trọng. Giám đốc tập đoàn điên lực Tokyo (TEPCO) Masataka Shimizu đã từ chức 2 tháng sau thảm họa và được xem là một trong những CEO tệ nhất năm 2011.
Thảm họa động đất sóng thần đã khiến nhiều công ty hàng đầu của Nhật Bản đã phải tạm ngừng hoạt động. Ngành công nghiệp ô tô của Nhật bị ảnh hưởng trầm trọng khi các hãng chế tạo ôtô lớn như Toyota, Nissan, Suzuki và Honda đã phải ngừng toàn bộ các hoạt động sản xuất tại Nhật Bản.
Cuối tháng 3, hãng tin AFP dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thảm họa động đất, sóng thần xảy ra tại đông bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011 khiến cho nước này thiệt hại ước tính lên đến 235 tỉ USD, tương đương 4% GDP. Theo đó, tình trạng khó khăn của Nhật Bản sẽ kéo dài trong giữa năm nay và việc tái thiết các khu vực bị tàn phá sẽ được thực hiện vào cuối năm, cùng việc hồi phục nền kinh tế Nhật.
Trận động đất gây sóng thần cũng đã đẩy Nhật Bản vào thời kỳ khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử của mình lại đúng vào thời điểm kinh tế Nhật Bản đang yếu kém sau nhiều năm suy thoái và khủng hoảng khiến cho tình hình trở nên nặng nề hơn. Ông Vikram Nehru, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, thảm họa tại Nhật cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước khác tại châu Á.
Đám cưới hoàng gia làm chậm tăng trưởng kinh tế Anh
Theo ước tính của Liên đoàn các Doanh nghiệp nhỏ của Anh, đám cưới của Hoàng tử Anh William và Kate Middleton (29/4) tiêu tốn của nền kinh tế nước này khoảng 9,8 tỷ USD - con số quá lớn so với 1 tỷ USD thu được từ việc bán đồ lưu niệm và dịch vụ du lịch. Đây là con số ước tính riêng về thiệt hại kinh tế của đất nước trong ngày nghỉ lễ cưới của Hoàng tử, chưa tính đến các chi phí cho đám cưới.
Số liệu tăng trưởng quí II của nước Anh chỉ đạt 0,2%, mà nguyên nhân một phần là do tác động của đám cưới Hoàng gia Anh. Đám cưới Hoàng gia diễn ra đúng vào thời điểm kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn khi phải vật lộn với khoản thâm thủng ngân sách khổng lồ, đặt áp lực lên chính phủ Anh phải tìm ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách.
Ngày 20/12, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's cũng cảnh báo bảng điểm cao nhất của Anh hiện nay là AAA cũng đang bị đe dọa, do nền kinh tế này có nguy cơ bị "lây nhiễm" từ cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh xuống còn dưới 1% cho cả hai năm 2011 và 2012, đồng thời cảnh báo những biến động trong khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tác động tới nền kinh tế "xứ sở sương mù."
Tiêu diệt Bin Laden: Chấm dứt một mầm mống khủng hoảng tài chính Mỹ
Osama bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda, đã bị giết tối 30/4 trong một chiến dịch của quân đội Mỹ tại Pakistan.
Vì lời tuyên bố ngông cuồng của bin Laden: "Chúng tôi muốn nước Mỹ chảy máu đến mức phá sản", Mỹ đã dốc ngân sách tương đương 1/5 tổng sản phẩm nội địa quốc gia trong một năm, nhiều hơn cả toàn bộ ngân sách hoạt động của chính phủ năm 2008 để tiêu diệt bằng được kẻ chủ mưu của thảm họa 11/9/2001.
Bin Laden đã khiến Mỹ phải tăng cường chi tiêu cho việc hiện đại hóa vũ khí, từ máy bay phản lực, tên lửa, đến xe tăng và máy bay ném bom tầm xa. Bên cạnh đó là tăng chi tiêu cho cơ quan tình báo và an ninh quốc phòng. Khoảng 1.000 tỉ USD được chi cho các mục tiêu này.
Cái giá của cuộc chiến chống lại bin Laden, cộng tất cả những chi phí kể trên ít nhất là 3.000 tỉ USD. Con số này tương hơn 15% nợ quốc gia phát sinh trong thập kỷ qua. Điều này khiến nợ quốc gia, chứ không phải Bin Laden, trở thành mối đe dọa lớn nhất của an ninh quốc gia Mỹ.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, chính bin Laden là người đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua của nước Mỹ.
Bê bối nghe lén của Rupert Murdoch: Hoen ố một thương hiệu truyền thông thế giới
Những tờ báo lá cải ở Anh thuộc quyền sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã sử dụng các thám tử tư và chuyên gia tin tặc siêu hạng thuộc đủ thành phần để moi móc thông tin đời tư, bí mật của những người nổi tiếng. Hơn nữa, một số lãnh đạo tờ báo còn bị cáo buộc làm ngơ, thậm chí khuyến khích phóng viên dùng chiêu phi pháp này để moi tin giật gân. Ông trùm truyền thông đã phải điều trần vào ngày 19/7 trước một ủy ban của Quốc hội về bê bối nghe lén của News of the World.
Rupert Murdoch đã cho đóng cửa tờ báo 168 tuổi News of the World và từ bỏ dự án mua nốt 61% cổ phần của hãng truyền hình vệ tinh BSkyB của Anh.
Hãng tin Reuters cho rằng, hành động chặt cánh tay News of the World để cứu cả cơ thể News Corporation có thể không đủ mạnh để giúp thương hiệu truyền thông lớn thứ hai thế giới này không bị hoen ố.
Bê bối tình dục của TGĐ IMF: Quả bom với nền chính trị Pháp và IMF
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn (DSK) bị bắt ở New York ngày 14/5 chỉ vài phút trước khi ông lên đường sang Pháp sau khi giới chức trách nhận được cáo buộc ông vì hành vi cưỡng bức tình dục đối với một nữ nhân viên khách sạn Sofitel ở khu Manhattan. 5 ngày sau ông Strauss-Kahn tuyên bố từ chức để "lấy lại thanh danh".
Ngay sau sự kiện này, nhiều người cho rằng đây là cái bẫy được giăng ra cho ông Dominique Strauss-Kahn và ông ấy đã lọt bẫy; đây là một quả bom đối với nền chính trị Pháp. Thực tế đã chứng minh điều đó khi ông Strauss-Kahn được bác bỏ mọi cáo buộc tấn công tình dục, đồng nghĩa với việc ông Strauss-Kahn, hoàn toàn vô tội sau khi dính vào vụ bê bối kéo dài suốt 3 tháng.
Strauss-Kahn được xem đã tạo ra những làn gió mới trong IMF, như giúp các nước bị khủng hoảng có các khoản vay khẩn cấp, cho các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil có quyền bỏ phiếu lớn hơn trong IMF. Là người đối thoại với tất cả các nguyên thủ quốc gia, cựu bộ trưởng tài chính Pháp này đã làm biến đổi hình ảnh của IMF.
Báo Pháp Le Figaro mô tả, "VớiStrauss-Kahn, IMF đã chuyển từ vai trò sen đầm sang vai trò là thầy thuốc bắt mạch và chữa trị cho toàn cầu hóa".
Scandal của Strauss-Kahn đã khiến các quốc gia châu Âu lo lắng, với vai trò quan trọng của ông trong việc mối lái các gói cứu trợ kinh tế cho Iceland, Hungary, Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, châu Âu sẽ "lâm nguy" nếu người kế nhiệm muốn tái sắp xếp các ưu tiên của IMF từ việc quá chú tâm tới châu Âu hiện nay sang hướng khác,
Ông Strauss-Kahn lâu nay được coi là một ứng cử viên đầy tiềm năng để trở thành Tổng thống Pháp trong tương lai và bê bối tình dục lần này đã giết chết cả sự nghiệp của cựu TGĐ IMF.
Bạo loạn ở London: Thử thách bất ngờ cho nước Anh
Vụ bạo loạn bắt đầu xảy ra vào tối 6/8, nguyên nhân bắt nguồn từ việc Mark Duggan, một người đàn ông 29 tuổi bị cảnh sát Tottenham, London, bắn chết. Người thân và bạn bè tụ tập ngoài đồn cảnh sát, biểu tình đòi công lý cho anh này sau đó nhiều người không liên quan cũng tham gia gây rối.
Chính phủ Anh đã tuyên bố lập quỹ thúc đẩy kinh tế 82 triệu USD hỗ trợ khu vực London bị thiệt hại sau vụ bạo loạn. Quỹ này được dùng để hỗ trợ tái thiết kinh tế đối với các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở London.
Nhiều công ty lớn chịu thiệt hại nặng nề trong vụ bạo động, trong đó150 hãng đĩa độc lập ở Anh chịu nhiều thiệt hại lớn sau khi vụ bạo loạn ở London cuối tuần qua làm cháy một trung tâm phân phối của hãng Sony rộng 20.000 m2 phá hủy toàn bộ đĩa nhạc và cổ phiếu.
Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Anh, sau 4 đêm bạo loạn, thiệt hại đối với London và các thành phố lân cận như Birmingham, Manchester ước tính khoảng 300 triệu Bảng.
Đây là một thử thách nặng nề đối với London, nơi sẽ diễn ra Thế vận hội mùa hè 2012.
Siêu bão Irene: Đòn mạnh vào kinh tế Mỹ
Ngày 27/8, khoảng 1 triệu gia đình đã mất điện và ít nhất 8 người chết khi cơn bão Irene tấn công vào 11 bang thuộc bờ biển phía Đông nước Mỹ làm ít nhất 45 người chết và gây thiệt hại gần 10 tỉ USD. Bão gây ra trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ và nhấn chìm nhiều thành phố.
Chi phí bảo hiểm và tái thiết lại cơ sở hạ tầng sau bão có thể lên đến hàng chục tỉ USD. Bão Irene được xem là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế Mỹ vốn đang trong tình trạng kiệt quệ.
Steve Jobs ra đi: Apple về đâu?
Steve Jobs, người sáng lập và cựu giám đốc điều hành của hãng Apple là ông Steve Jobs qua đời ngày 5/10/2011, ở tuổi 56. Ngay sau tin cựu Giám đốc điều hành Apple qua đời, cổ phiếu của hãng ngay lập tức sụt giảm 0,27%.
Steve Jobs được coi là người lãnh đạo hàng đầu trong cuộc cách mạng máy tính cá nhân, "ông vua" ở thung lũng Silicon (Mỹ) trong suốt ba thập niên. Jobs là một trong số ít người dám "nghĩ khác". Từ Macintosh, iPod cho tới iTunes và iPhone, ông đã tạo dựng được một sự nghiệp lừng lẫy.
Steve Jobs, không chỉ là Giám đốc điều hành mà còn được xem là trái tim và tâm hồn của Apple. Ngay cả những người không ưa thích các sản phẩm của Apple cũng phải thừa nhận rằng, dưới bàn tay nhào nặn của Steve Jobs, mỗi sản phẩm của Apple đều trở nên hấp dẫn và hái ra tiền.
Trước khi Steve Jobs qua đời, Apple vẫn được xem là cường quốc công nghệ số 1. Tháng 8/2011, giá trị thị trường của Apple lên tới 337,2 tỉ USD, vượt qua cả Exxon Mobil và đưa nhà sản xuất iPhone, iPad lên vị trí công ty giá trị nhất thế giới.
"Tài năng xuất chúng, niềm đam mê và nghị lực của Steve Jobs đã tạo ra những phát minh xuất chúng, làm phong phú và cải thiện tất cả cuộc sống của chúng ta. Thế giới thực sự tốt lên nhờ có Steve", Apple đã nói trong tuyên bố về sự ra đi của Steve Jobs.
Apple sẽ đi về đâu trong 2012 vẫn là một câu hỏi cho các chuyên gia kinh tế trước thềm năm mới.
Chủ tịch Kim Jong Il qua đời: Ví dụ điển hình về ảnh hưởng của Triều Tiên với thế giới
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il qua đời ngày 17/12 ở tuổi 69 vì nhồi máu cơ tim khi đang đi thị sát bằng xe lửa bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Kim Jong-un, vị tướng chưa đầy 30 tuổi, sẽ kế nhiệm vị trí lãnh đạo đất nước.
Sự ra đi của ông Kim Jong-il không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Hàn Quốc. Ngay khi được tin ông Kim Jong-il qua đời, thị trường chứng khoán Seoul đã chao đảo và giảm mạnh 5%, riêng cổ phiếu các công ty liên quan đến quốc phòng lại tăng đột biến 15%.
Đồng won rớt xuống đáy thấp nhất 2 tháng, Hàn Quốc cũng dự báo một sự suy giảm xuất khẩu đáng kể trong năm 2012, từ mức tăng 19,2% của năm 2011 sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 7,4%.
Dù nền kinh tế CHDCND Triều Tiên biệt lập với phần lớn thế giới và nội tình quốc gia này là ẩn số lớn, nhưng đường lối ưu tiên quân sự, tiềm năng vũ khí hạt nhân, mối quan hệ căng thẳng với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, cùng với quan ngại về khả năng của Kim Jong-un ở cương vị điều hành đất nước đã đặt cả thế giới vào tình trạng báo động. Theo ước tính, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên rất nhỏ nhoi, chỉ bằng 3% nền kinh tế nghìn tỷ USD của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nếu xảy ra bất kỳ rắc rối nào ở CHDCND Triều Tiên, cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều bị chấn động, ảnh hưởng dây chuyền đến Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Lũ lụt tại Thái Lan: Thiệt hại dây chuyền
Trận lũ lụt nghiêm trọng ở Thái Lan hồi tháng 7 đã làm ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước này với 45 tỉ USD thiệt hại và làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân.
Ngành bảo hiểm Thái Lan thiệt hại 11 tỉ USD sau thảm họa. Nhiều hãng máy tính và ô tô lớn bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai tại Thái Lan do nhiều hãng đặt nhà máy sản xuất ổ cứng và linh kiện ô tô tại đây. Tờ The Business Times nhận định, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô Thái Lan sẽ có một năm khó khăn nhất trong 50 năm qua sau khi trận lụt lịch sử tràn qua nước này khiến hàng loạt các nhà máy trên cả nước phải đóng cửa.
Các hãng xe Nhật, trong đó nổi bật là Toyota và Honda chắc chắn đã có một năm khó khăn vì thiên tai. Sau trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản hồi tháng 3 vừa qua, Toyota và Honda đã bị thiệt hại hàng tỷ USD tại Đông Nam Á vì ảnh hưởng của bão và lũ lụt.
Nhiều chuyên gia cho biết, lũ lụt không chỉ ảnh hưởng xấu tới sản xuất ở địa phương và phá hủy chuỗi phân phối trong nước mà còn tác động tiêu cực đến việc cung cấp xe cho khu vực châu Á lẫn toàn cầu.
Lũ lụt còn có thể khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm xuống còn 2,4% trong năm nay. Trong số thiệt hại ước tính, có khoảng 21,11 tỉ USD thiệt hại về tài sản và 22 tỉ USD tổn thất về cơ hội. Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cũng sụt giảm xuống 2,4%.
ADB dự báo tăng trưởng của kinh tế Thái Lan sẽ chỉ ở mức 4,5% trong năm 2012 do phải xoay xở phục hồi kinh tế sau lũ lụt, nhưng sẽ có những tín hiệu tích cực khi chi tiêu nội địa gia tăng trpng quá trình tái thiết.
"Chiếm phố Wall": Mầm mống khủng hoảng sâu rộng của Mỹ
Chính phủ Mỹ quá ưu ái cho giới ngân hàng và doanh nghiệp, trong khi nạn thất nghiệp không có dấu hiệu được cải thiện là nguyên nhân dẫn tới cuộc biểu tình có quy mô lớn mang tên "Chiếm Phố Wall" (Occupy Wall Street).
"Chiếm phố Wall" nổ ra từ ngày 17/9 với một nhóm ít người tham gia dựng trại trước Sàn chứng khoán New York và nhanh chóng thu hút được hàng trăm người dân thuộc tất cả các tầng lớp trong xã hội Mỹ, bất kể giới tính và tuổi tác, trong đó có cả các tổ chức có uy tín tham gia. "Chiếm phố Wall" nhanh chóng lan ra toàn cầu, với sự hưởng ứng của hàng nghìn người dânkhắp các châu lục như Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Đức, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...
Uớc tính không chính thức, Mỹ mất 13 triệu USD đối phó với "Chiếm phố Wall".
Chưa thể đoán định được những hệ quả xã hội mà phong trào "Chiếm phố Wall" khởi phát và gây tác động nhưng theo nhận định của giới phân tích, "Chiếm lấy Phố Wall" đã bộc lộ nhiều vấn đề cơ bản đang tồn tại trong xã hội Mỹ, và có khả năng phong trào này sẽ gây ảnh hưởng tới các quyết định chính sách của chính phủ Mỹ trong thời gian tới.
Bế tắc trần nợ công Mỹ: Thách thức cho chính quyền Mỹ 2012
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục èo uột trong nửa đầu năm 2011. Ngày 2/8, sau những tranh cãi căng thẳng và gay cấn, cuối cùng Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo quốc hội đã đạt được một thoả thuận lịch sử để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ chưa từng có của chính phủ mạnh nhất thế giới này khi chấp thuận nâng mức trần nợ lên thêm 2,4 nghìn tỉ USD, đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu 917 tỉ USD trong 10 năm tới, kèm theo chương trình giảm thâm hụt ngân sách 1,5 nghìn tỉ USD thông qua cải cách thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội.
Tránh được tình trạng vỡ nợ cũng không có nghĩa là kế hoạch này sẽ giúp Nhà Trắng làm giảm đi thâm hụt hay xoa dịu cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P. S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ một bậc xuống AA+, và chỉ trích các nhà lập pháp đã thất bại trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Nhiều người cho rằng, thỏa thuận này có thể giảm bớt khủng hoảng trước mắt nhưng sẽ để lại hậu quả trong nhiều năm tới. Nó sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trong vai trò siêu cường quốc tư bản của thế giới và sẽ là một thử thách lớn cho tổng thống Obama khi ông tái tranh cử vào năm tới.
Khủng hoảng nợ công châu Âu: Khó khăn còn tiếp diễn
Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm nay đã lan từ các nước ngoại vi như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha vào trung tâm châu Âu, đe dọa các nền kinh tế lớn hơn là Tây Ban Nha và Italy, thậm chí cả Pháp. Với mức độ nghiêm trọng của nó, cuộc khủng hoảng đã để lại nhiều hệ lụy khi kèm theo đó là cuộc khủng hoảng ngân hàng và tình trạng trì trệ trong tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước. Một loạt các quốc gia và các ngân hàng lớn của châu Âu đã bị các tổ chức xếp hạng như Moody, Fitch, S&P hạ cấp xếp hạng tín dụng.
Chỉ vài ngày trước khi năm 2011 kết thúc, giới phân tích kinh tế tại Anh rộ lên tin đồn Pháp sắp bị S&P đánh tụt bậc tín nhiệm, đồng nghĩa với việc thành viên lớn thứ hai của Eurozone bị cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa và đồng tiền chung euro bị đẩy gần hơn tới bờ vực tan rã.
Các chuyên gia cho rằng muốn đẩy lùi khủng hoảng, điều quan trọng là các nước cần có quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện một chính sách kinh tế tốt hơn, dưới những kỷ luật tài chính nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, các chính phủ cần phải từng bước thắt chặt chi tiêu để cân bằng ngân sách, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và cải cách nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, Giám đốc Chương trình châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Antonio Borges, thậm chí còn cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế trong năm 2012 ở các nước thành viên Eurozone. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 19/12 cũng nhận định Eurozone sẽ đối mặt với những khó khăn tài chính "lớn chưa từng có" trong năm 2012, có thể dẫn tới một đợt suy thoái kinh tế mới.
Mùa xuân Ả rập: Tăng trưởng trái chiều tại Trung Đông - Bắc Phi
Nhiều đế chế cai trị độc đoán nhanh chóng sụp đổ trong cuộc cách mạng của thế giới Ả rập trong năm 2011.
Từ cuối năm 2010, phong trào tranh đấu đòi việc làm của giới trẻ Tunisia đã đã lan rộng như vết dầu loang, từ những thành phố xa xôi đến tận thủ đô Tunis giàu có. Biểu tình xảy ra khắp nơi trên cả nước. Dù xoa dịu hay đàn áp, chính quyền Tunisia cũng không làm giảm căng thẳng.
Do những khó khăn tương tự trong khu vực và cuối cùng thành công trong cuộc biểu tình Tunisia, một chuỗi các tình trạng bất ổn đã bắt đầu mà đã hình thành theo sau cuộc biểu tình tại Algeria, Jordan, Ai Cập và Yemen, và đến một mức độ ít hơn ở các quốc gia Ả Rập khác.
Cho đến nay, hai chính phủ của Tổng thống Zine El Abidine Ben Al và Tổng thống Hosni Mubarak đã bị lật đổ tại Tunisia và Ai Cập. Trong khoảng thời gian đó, vua Jordan Abdullah đã bổ nhiệm một thủ tướng mới. Tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh, tuyên bố rằng ông cũng sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ nữa sau 32 năm cầm quyền.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá thiệt hại kinh tế từ những cuộc nổi dậy ở các nước châu Phi và Trung Cận Đông vào khoảng 55 tỷ USD. GDP của các nước có nổi dậy giảm từ 2,8% đến 6,4% GDP, tương đương 20,6 tỷ USD. Ngân sách các quốc gia này hụt thêm 35,3 tỷ USD do phải tăng chi mà lại giảm thu. Chịu hậu quả nặng nề nhất là Libya (mất 7,7 tỷ USD) và Sirya (mất 6 tỷ USD). Những nước chịu thiệt hại ít hơn là Yemen, Tunisia, Ai Cập và Bahrain.
Tuy nhiên, nhờ Mùa xuân Ảrập mà các nước như Ảrập Thống nhất, Ảrập Xêút, Cô-oét, những nước không có bạo loạn - đã tăng được GDP của mình.
Theo VEF