Hầu hết CTCK đều đang cơ cấu lại bộ máy nhân sự
Cắt giảm, "thay máu" nhân sự
Trong giai đoạn trước, Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) phát triển mạng lưới khách hàng với tốc độ chóng mặt. Do vậy, Công ty thành lập đến hơn 10 phòng giao dịch. Nhưng khi giá trị giao dịch giảm sút, TLS bắt đầu sáp nhập các phòng lại với nhau để đỡ cồng kềnh.
Tổng giám đốc một CTCK cho biết, với tình hình hiện tại, để đảm bảo duy trì hoạt động, Công ty đã phải cắt giảm 30% đội ngũ nhân sự, trong đó, tập trung giảm ở bộ phận môi giới. Ngoài ra, Công ty có thể sẽ phải cắt giảm thu nhập của nhân viên từ 20 - 30%. Song song với đó, Công ty tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên hiện tại.
Một số CTCK ngoài việc cắt giảm nhân sự còn điều chuyển nhân sự sang các phòng khác. Hiện nay, hầu hết CTCK đều tính đến việc sẽ cơ cấu lại đội ngũ nhân sự cho phù hợp với tình hình khó khăn. Trong đề án tái cấu trúc, nhiều CTCK dự kiến sẽ cắt nghiệp vụ môi giới. Nếu điều này xảy ra thì nhân viên môi giới chứng khoán hoặc được điều chuyển sang vị trí khác, hoặc sẽ thất nghiệp.
Mới đây, CTCK Sacombank (SBS) đã thực hiện cắt giảm hơn 50 nhân viên và công ty này cũng đang tính sẽ tiếp tục tinh giản bộ máy. Hay TLS cũng dự kiến cắt giảm một lượng lớn nhân sự để đảm bảo sự tinh gọn của bộ máy. CTCK Bảo Việt (BVSC) hiện cũng chỉ còn hơn 350 người, trong khi ở thời kỳ đỉnh cao, số lượng nhân viên của BVSC lên tới 500 người. Điều này cho thấy, việc cắt giảm nhân sự đang diễn ra ráo riết tại các CTCK.
Bên cạnh việc cắt giảm nhân sự, nhiều công ty gần như "thay máu" toàn bộ hệ thống nhân sự cấp cao để phù hợp với chiến lược phát triển. Nhiều lãnh đạo CTCK cũng tự nguyện giảm lương của mình để "làm gương" cho nhân viên.
Broker: chờ đợi hay nhảy việc?
"Cả năm vừa rồi, khách hàng giao dịch quá thưa thớt. Với tình hình này, không biết tôi có trụ lại với cái chân môi giới nữa không vì giá trị giao dịch nhiều tháng qua không đủ định mức", N. Phương, một broker tại sàn SBS tâm sự. Đây cũng là nỗi niềm của nhiều broker khác trong khó khăn chung của TTCK.
P. Hoàn, một nhân viên môi giới tại CTCK HSC cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều nhân viên môi giới của HSC chuyển thành các cộng tác viên và thu nhập của họ dựa trên giá trị giao dịch thực hiện được trong tháng. Cách làm này cũng đang phổ biến tại một số CTCK, nhằm giảm bớt chi phí tiền lương.
Tuy nhiên, trên thực tế, thu nhập của các broker hiện vẫn không phải là thấp so với nhiều ngành nghề khác, thậm chí thu nhập của một số broker chủ chốt vẫn cao ngất ngưởng. Theo thông tin ĐTCK tìm hiểu, một số môi giới "lành nghề" tại BVSC, TLS vẫn có thu nhập lên tới hàng trăm triệu/tháng trong một số tháng của năm 2011.
Một môi giới tại TLS cho biết, trong điều kiện thị trường hiện nay, anh vẫn đạt được thu nhập từ nghiệp vụ môi giới khoảng trên dưới 20 triệu đồng/tháng, còn thời kỳ đỉnh cao thì thu nhập đến trăm triệu là bình thường… Nhưng rút cuộc, số tiền thực cầm về nhà thì không được bao nhiêu, thậm chí vẫn còn âm tiền trong tài khoản.
No dồn đói góp là tình trạng chung của nhiều broker, lúc thị trường "thăng hoa", họ vừa có hoa hồng môi giới cao vừa có khoản lãi từ đầu tư, còn thị trường như hiện nay thì không chỉ hưởng lương thấp mà còn bị "lõm" do đầu tư chứng khoán. Nhiều trường hợp buộc lòng phải làm việc tại CTCK để lấy thu nhập trả nợ cho khoản vay đầu tư chứng khoán trước đây đã bị thua lỗ.
Chấp nhận mức thu nhập thấp để tiếp tục bám trụ tại CTCK chờ cơ hội thị trường hay tìm kiếm một công việc khác là câu hỏi đang đeo bám nhiều broker trong thời điểm hiện tại.
Theo ĐTCK