Trong phiên giao dịch ngày 26/12, sau khi chạm mức cao hai tuần lúc mở cửa nhờ động lực từ sự phục hồi của kinh tế Mỹ, chứng khoán châu Á sau đó lại đảo chiều đi xuống giữa những lo ngại về khủng hoảng nợ công châu Âu.
Bảng giá các cổ phiếu tại Tokyo (Nhật Bản). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong phiên giao dịch ngày 26/12, sau khi chạm mức cao hai tuần lúc mở cửa nhờ động lực từ sự phục hồi của kinh tế Mỹ, chứng khoán châu Á sau đó lại đảo chiều đi xuống giữa những lo ngại về khủng hoảng nợ công châu Âu.
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 14,67 điểm, hay 0,67%, xuống 2.190,11 điểm, mức dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 2.200 điểm, do lo ngại về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sau động thái hạ tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng lần đầu tiên trong ba năm hồi đầu tháng.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 10,52 điểm, hay 0,56%, xuống 1.856,7 điểm, do những lo ngại về khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro (Eurozone). Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 18,15 điểm, hay 0,25%, xuống 7.092,58 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 84,18 điểm, hay 1%, lên 8.479,34 điểm. Các thị trường Hong Kong, Australia đóng cửa nghỉ lễ.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm những dấu hiệu về sự phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, trong đó có chỉ số về giá nhà S&P Case-Shiller trong tháng 10 và chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 12.
Doanh số bán nhà mới tại Mỹ phục hồi và đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tốt hơn dự báo đã hỗ trợ niềm tin của nhà đầu tư. Các số liệu về chế tạo và thị trường lao động gần đây cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tiếp tục.
Tuy nhiên, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ hiện vẫn yếu và chỉ số về lòng tin kinh doanh giảm tháng thứ hai trong tháng 11.
Quốc hội Mỹ cuối tuần trước đã phê chuẩn việc kéo dài thời hạn giảm thuế thu nhập thêm hai tháng, nhằm bảo toàn thu nhập của người dân, hỗ trợ họ trong việc mua sắm hàng hóa và sử dụng các loại dịch vụ.
Trong khi đó, vào những ngày cuối năm này, việc thiếu những sự kiện như đã được lên kế hoạch ở Eurozone đã làm gia tăng lo ngại về vấn đề nợ công, khiến tâm lý đầu tư bị ảnh hưởng.
Động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần trước với việc bơm các khoản vay lãi suất thấp trị giá hàng trăm tỷ euro cho các ngân hàng đang chịu sức ép được coi là một con dao hai lưỡi, khi vừa tung ra một chiếc phao cứu sinh, song cũng làm lộ ra các vấn đề tài chính lớn của khu vực.
Nhà phân tích thị trường ở Shinyoung Securities, Lee Kyung-soo, nói các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng tham gia giao dịch trở lại cho đến khi ECB có những biện pháp cụ thể hơn đối với khủng hoảng nợ công./.