Dẫu khó khăn nhưng vẫn ưu tiên cho hàng Việt
Các xu hướng tiêu dùng được xây dựng từ cái nhìn trực tiếp của NTD chứ không phải từ phía nhà sản xuất. Theo đó, 94% NTD được khảo sát cho rằng dư chấn của lạm phát sẽ còn tác động vào hành vi tiêu dùng năm 2012. Do vậy, NTD có xu hướng cắt giảm việc mua sắm ở các kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) và chuyển sang chợ - là kênh bán hàng có giá thấp hơn. Đặc biệt, họ sẽ tranh thủ mua sắm tại các chương trình khuyến mãi.
|
Thắt lưng buộc bụng, NTD sẽ cắt giảm chi tiêu ở nhiều nhóm ngành hàng không thuộc nhu yếu phẩm. Tín hiệu đáng mừng là 71% NTD tin tưởng vào hàng VN chất lượng cao vì chất lượng chấp nhận được và giá cả phải chăng. Bên cạnh đó ý thức “Người Việt dùng hàng Việt” ngày càng trở thành niềm tự tôn dân tộc đối với nhiều người. Tuy nhiên, trong tương lai để chiếm được cảm tình cũng như sự tin dùng trọn vẹn của NTD thì hàng Việt vẫn phải thật sự có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và có thiết kế sản phẩm đẹp hơn.
An toàn thực phẩm đang là một trong những tiêu chí hàng đầu trong việc mua sắm khi có đến 84% NTD quan tâm. Xuất phát từ việc những năm gần đây vấn đề an toàn thực phẩm thực sự trở nên nóng, khi chọn mua thực phẩm hay bất cứ sản phầm nào NTD đều cân nhắc 4 yếu tố: vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm tươi và ngon, giá cả phải chăng, không có chất bảo quản. Đặc biệt, nhiều NTD cho biết, sẽ tẩy chay hoặc thay đổi nhãn hiệu khác ngay lập tức khi khi phát hiện sản phẩm có thể vi phạm quy định an toàn.
Không chỉ tin tưởng chuyên gia trong việc đánh giá chất lượng mà ngay cả khi nhận được thông tin sản phẩm kém chất lượng từ chuyên gia, đa số NTD sẽ ngưng sử dụng ngay lập tức. Qua đó, việc xây dựng hình ảnh chuyên gia cho sản phẩm là một biện pháp quảng bá sản phẩm và kích thích mua rất hiệu quả.
Từ tiêu dùng online đến “tiêu dùng xanh”
Với 80% người dân truy cập internet hằng ngày ở thành phố lớn, việc mua bán online đã trở thành một thói quen không thể thiếu của nhiều người. Qua các kênh giao tiếp trên cộng đồng mạng, NTD có nhiều điều kiện để tham khảo ý kiến của nhiều người mua về một sản phẩm. “Tiêu dùng số” hứa hẹn sẽ là một xu hướng rất phát triển trong tương lai. Các nhóm hàng đang ngày càng được giao dịch mua, bán nhiều trên mạng gồm có: dệt may và sản phẩm thời trang, hóa mỹ phẩm, điện tử gia dụng, thiết bị viễn thông, các loại dịch vụ (đặt vé, du lịch, giải trí…).
Một nét mới đang được lan rộng là thái độ của NTD đối với nhà sản xuất khi 35% cho biết sẽ ngưng mua ngay lập tức nếu biết quá trình làm ra sản phẩm có ảnh hưởng môi trường. Xu hướng này thể hiện ngay trong việc các hoạt động xã hội vì môi trường ngày càng được nhiều người nhận thức và tham gia. 89% NTD được khảo sát tại Hà Nội cho biết họ nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường xanh trong tương lai trong khi 72% NTD tại TP. HCM đặc biệt chú ý làm thế nào để sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường. Một công ty tích cực tham gia các hoạt động xã hội sẽ được NTD chú ý và được cân nhắc nhiều hơn khi họ quyết định mua sản phẩm.
Vui tết hiện đại trên nền giá trị truyền thống
Theo NTD được khảo sát thì: “Các hoạt động truyền thống chuẩn bị đón tết hầu như không còn nữa”. Bởi sản phẩm ngày càng đa dạng và tiện lợi hơn, phong tục ăn tết giản dị hơn. Ngoài ra, họ cho rằng “không khí ngày tết không còn vui, ấm áp như ngày trước”. Thời gian mua sắm được rút ngắn lại, NTD ở những thành phố lớn có kế hoạch mua sắm trước tết khoảng 1-2 tuần cho các sản phẩm: thức uống, bánh mứt, quà biếu. Đây là thời điểm NTD chủ yếu chi tiền mua tại 3 kênh: siêu thị, tiệm tạp hóa có bảng hiệu và metro.
Giá cả là một trong những yếu tố được quan tâm nhiều nhất đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán. Bởi hầu hết các sản phẩm đều tăng giá vào dịp này. Do đó, yếu tố quan trọng được cân nhắc chọn quà biếu được sắp xếp theo thứ tự: giá cả, bao bì dành riêng cho dịp tết, bao bì cao cấp và nhãn hiệu nổi tiếng.
Ngày càng có thể nhìn thấy sự khác biệt rõ nét về các hoạt động vào dịp tết giữa 2 nhóm đối tượng: teen và người lớn. Trong khi giới trẻ đi xem phim ở rạp, đi đến các khu vui chơi, chơi game, du lịch… thì người lớn chủ yếu xoay quanh việc thăm viếng và chúc tết đồng nghiệp, cấp trên và đối tác… Do vậy, các hoạt động truyền thông về sản phẩm tại các địa điểm rạp chiếu phim, nơi giải trí cần chủ yếu hướng đến nhóm đối tượng trẻ. Với NTD trung niên trở lên, các sản phẩm vào dịp tết cần có theo thông điệp chúc tết với nội dung mới mẻ và phong phú.
Theo thanhnien